Đề xuất TP.HCM dành ít nhất 60 ha đất công làm trạm sạc xe điện

Đề xuất TP.HCM dành ít nhất 60 ha đất công làm trạm sạc xe điện
8 giờ trướcBài gốc
Mô hình trạm sạc pin cho xe máy điện của Đài Loan (Trung Quốc) nơi các pin đã cạn có thể được thay thế bằng pin mới rất nhanh chóng. Ảnh: Reuters.
Tại họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 17/7, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) cho biết đã có dự thảo đầu tiên từ ngày 18/6 và tổ chức hội thảo tham vấn hệ sinh thái xe điện 2 bánh, gồm nhiều đơn vị liên quan sản xuất xe điện, công ty công nghệ, công ty đầu tư hạ tầng trạm sạc, đổi pin... để cùng trao đổi những giải pháp, cơ chế hỗ trợ chuyển đổi đối tượng tài xế 2 bánh từ xe xăng sang xe điện. Đồng thời, Viện cũng tham vấn đại diện các ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô để thiết kế gói hỗ trợ tài chính cho các tài xế chuyển đổi .
Sau hội thảo, Viện đã tổng hợp các ý kiến và cập nhật, hoàn chỉnh báo cáo. Ông Hải cho biết ngày mai (18/7), Viện dự kiến ký trình UBND TP để lấy ý kiến các sở, ngành, đơn vị, trước khi hoàn thiện dự thảo đề án và gửi một số kiến nghị đến Trung ương.
Dùng đất công khó khai thác để làm trạm sạc xe điện
Trong dự thảo đề án mới nhất, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đã đưa ra hàng loạt giải pháp cụ thể để thực hiện được mục tiêu chuyển đổi xe 2 bánh từ xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM.
Đáng chú ý, liên quan tới việc quy hoạch hạ tầng xe điện, HIDS cho rằng UBND TP.HCM nên dành tối thiểu 60 ha đất công khó khai thác để xây dựng trạm sạc và đổi pin.
Cùng với đó, tích hợp lớp "EV Facilities" trong quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, bổ sung chỉ tiêu tỷ lệ nội địa hóa thiết bị trên 40%, tiêu chí phương tiện điện đạt tối thiểu vận tốc hơn 40 km/h và quãng đường hơn 80 km/lần sạc.
Viện đồng thời đề xuất tham chiếu bộ quy chuẩn quốc gia về pin, sạc và giao thức dữ liệu mở trước quý IV nhằm chuẩn hóa kỹ thuật.
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) chia sẻ tại họp báo chiều 17/7. Ảnh: T.H.
Riêng với vấn đề áp lực lên lưới điện, trả lời tại họp báo chiều 17/7, ông Hải cho hay Viện đã làm việc với các hãng xe công nghệ và Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) về công suất điện cần thiết, để EVN cân đối nguồn cung, đảm bảo tải trong thời gian sạc.
"Viện đánh giá áp lực hạ tầng năng lượng của xe 2 bánh không cao, theo thông tin từ các hãng sản xuất xe chia sẻ là hoàn toàn có thể cắm sạc tại nhà. Tuy nhiên, xa hơn khi chuyển đổi hết toàn bộ 400.000 tài xế xe xăng, cộng với tốc độ phát triển xe điện cá nhân, thì vấn đề sản lượng điện phải được cân nhắc, tính toán ngay bây giờ, để đến lúc đó không bối rối", ông Hải chia sẻ.
Theo ước tính hiện nay, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cần đầu tư 8 trạm biến áp 110/22 kV mới (tổng 300 MVA) và 100 MWh pin lưu trữ BESS tại depot xe buýt điện, kho logistics, bảo đảm trạm sạc không tranh chấp điện.
Với các chính sách tài chính hỗ trợ tài xế chuyển đổi, Viện đề xuất TP.HCM báo cáo, trình Trung ương miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) và lệ phí trước bạ cho xe máy điện đến hết năm 2027.
"Việc miễn thuế VAT và lệ phí trước bạ giúp giảm chi phí mua xe ban đầu, đặc biệt giúp nhóm tài xế thu nhập trung bình và thấp dễ dàng tiếp cận phương tiện xanh, không bị cản trở bởi chi phí tài chính lớn", cơ quan này giải thích.
HIDS còn đề xuất Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước lập cơ chế "green-window" cho vay vốn ưu đãi lãi suất thấp, với hệ số rủi ro tín dụng giảm còn 40%, lãi suất trần khoảng 6%/năm. TP.HCM sẽ hỗ trợ ít nhất 2% lãi suất vay và ngân hàng liên kết với tài xế hoặc doanh nghiệp vận tải công nghệ trích nợ tự động từ cước vận tải để bảo đảm trả nợ đúng hạn.
Trao quyền và buộc trách nhiệm với cơ quan quản lý
Nằm trong các đề xuất đáng chú ý, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cũng cho rằng cần trao quyền và ràng buộc trách nhiệm cho UBND TP.HCM với Nghị quyết "Giao thông xanh hai bánh" bằng mốc ràng buộc luật định dừng cấp phù hiệu xe xăng (nhưng ký hợp đồng mới đối với xe xăng) tham gia dịch vụ từ tháng 1/2026.
Sau đó, cấm hoàn toàn xe xăng chạy dịch vụ vận tải và giao hàng trên địa bàn TP.HCM từ tháng 12/2029.
HIDS cho rằng TP.HCM cần ra các mốc ràng buộc bằng luật để thực hiện mục tiêu chuyển đổi xe 2 bánh từ xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng. Ảnh: Phương Lâm.
TP.HCM cũng cần hợp tác quốc tế, tín chỉ carbon và công bố dữ liệu mở. Về phát triển tín chỉ carbon, cần ban hành cơ chế rõ ràng về quyền sở hữu và phân bổ dựa trên nguyên tắc bên nào đầu tư phương tiện, hạ tầng thì bên đó được hưởng tín chỉ.
Đồng thời, xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu MRV tự động để ghi nhận số km chạy điện và lượng CO2 hạn chế được, công khai thông tin trên EV-Dashboard định kỳ.
TP.HCM cần áp dụng mô hình phân chia lợi ích minh bạch giữa chính quyền, doanh nghiệp hạ tầng, nền tảng công nghệ và tài xế.
Thành phố cũng nên kiến nghị ban hành khung pháp lý theo Nghị quyết của Quốc hội để phát triển thị trường tín chỉ carbon, bao gồm cơ chế tạo lập, giao dịch và quản lý. Cần đề xuất Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký tín chỉ với Singapore, mở rộng kênh xuất khẩu tín chỉ carbon minh bạch và bền vững.
Để thúc đẩy quá trình điện hóa phương tiện, TP.HCM cần có chính sách ưu đãi về thuế, phí và hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp và tài xế tham gia sản xuất tín chỉ carbon, tối ưu hóa lợi ích kinh tế - xã hội. Doanh thu từ bán tín chỉ carbon cần được phân bổ rõ ràng giữa chính quyền, doanh nghiệp và chủ phương tiện, theo nguyên tắc "đầu tư nhiều - hưởng lợi nhiều", đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
Dữ liệu MRV (đo lường, báo cáo, xác minh) cần công khai 6 tháng/lần trên EV-Dashboard để cộng đồng khoa học và báo chí giám sát độc lập. Nếu lưới điện khu vực vượt ngưỡng quá tải trong 3 tháng liên tiếp, UBND TP sẽ kích hoạt "Kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp" với các giải pháp như trạm sạc di động hoặc hỗ trợ lãi suất bổ sung để bảo vệ tiến độ chuyển đổi...
Nếu được thông qua trong năm 2025, chính sách điện hóa đội xe 2 bánh dịch vụ sẽ bắt đầu từ tháng 1/2026, hướng tới mục tiêu hoàn tất vào cuối năm 2029.
"2025-2028 là giai đoạn vàng khi chi phí pin toàn cầu dự báo giảm thêm 10-12%/năm, trong khi Trung ương đang mở rộng khung ưu đãi lệ phí trước bạ 0% và thuế tiêu thụ đặc biệt thấp cho xe điện hai bánh. Nếu TP.HCM chậm hành động, nguồn lực ưu đãi sẽ dịch chuyển sang các đô thị cạnh tranh, làm tăng chi phí cơ hội và kéo dài thời gian hoàn vốn của hệ sinh thái sạc - đổi pin", dự thảo nhấn mạnh tính cấp thiết của việc chuyển đổi.
Cơ quan soạn thảo khẳng định mốc 2026 đạt 200.000 xe và mốc 2027 đạt 320.000 xe điện là hoàn toàn khả thi dựa trên số liệu thí điểm và tiến độ hạ tầng sạc. Đến hết 2028 sẽ hoàn tất 80.000 xe còn lại, tiến tới 2029 cấm hoàn toàn xe 2 bánh xăng tham gia cung cấp dịch vụ vận tải trên địa bàn TP.HCM.
Dự kiến đề án này sẽ tạo ra hơn 5.000 việc làm xanh trong các lĩnh vực pin, sạc và bảo trì xe điện; góp phần giảm khoảng 1.600 tỷ đồng chi phí y tế mỗi năm do ô nhiễm không khí. Đồng thời nâng sức hấp dẫn của TP.HCM đối với dòng vốn đầu tư ESG đang gia tăng trên toàn cầu, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị khép kín pin - sạc - xe điện trong nước và nâng tỷ lệ nội địa hóa lên trên 40%, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Hồng Nhung
Nguồn Znews : https://znews.vn/de-xuat-tphcm-danh-it-nhat-60-ha-dat-cong-lam-tram-sac-xe-dien-post1569380.html