Trưởng Công an cấp xã được lập hồ sơ đề nghị TAND xử lý hành chính
Theo đó, sau 12 năm triển khai thi hành, trước yêu cầu cấp bách của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, cải cách mạnh mẽ thủ tục, phương thức điều hành hành chính, đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước, Luật XLVPHC đã phát sinh một số bất cập cơ bản, mang tính phổ quát cần được sửa đổi, bổ sung. Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 63/143 điều (trong đó sửa đổi, bổ sung 24 điều, sửa kỹ thuật 23 điều), bãi bỏ 16 điều của Luật XLVPHC; bổ sung mới 2 điều.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, hiện nay, hệ thống CAND được tổ chức theo mô hình 3 cấp, không còn cấp huyện; chính quyền địa phương cũng dự kiến tổ chức theo mô hình 2 cấp, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện; đồng thời, nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy đã được chuyển giao từ cơ quan Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) sang cơ quan Công an.
Vì vậy, để bảo đảm sự phù hợp chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy và sự chuyển giao nhiệm vụ giữa các bộ, ngành, dự thảo luật dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều theo hướng trao thẩm quyền lập hồ sơ và quyết định chuyển hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tới TAND để xem xét, quyết định cho các chức danh cấp cơ sở như Trưởng Công an cấp xã thay cho Trưởng Công an cấp huyện và Trưởng Phòng LĐ,TB&XH cấp huyện.
Bên cạnh đó, dự thảo luật quy định, trong trường hợp người vi phạm do cơ quan, đơn vị thuộc Công an cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà thuộc đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì cơ quan, đơn vị đang thụ lý vụ việc hoàn thiện hồ sơ và chuyển cho Công an cấp xã có thẩm quyền để lập hồ sơ, đề nghị TAND áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Chủ nhiệm UBPLTP Hoàng Thanh Tùng.
Dự thảo luật cũng quy định điều khoản chuyển tiếp (Điều 3 dự thảo luật) cho phép Trưởng Công an cấp xã (mới) có thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền của Trưởng Công an cấp huyện; Chủ tịch UBND cấp xã (mới) có thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện kể từ khi luật được thông qua.
Dự thảo luật sửa đổi bổ sung Điều 24 Luật XLVPHC (khoản 26 Điều 1 dự thảo luật) theo hướng bổ sung một số lĩnh vực (khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; dữ liệu; công nghiệp công nghệ số; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; bảo vệ dữ liệu cá nhân) theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và Ban Nội chính Trung ương liên quan đến việc xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và để đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong quản lý nhà nước, bảo đảm sự thống nhất với các luật liên quan.
Làm rõ đề xuất tăng gấp đôi mức phạt lĩnh vực đất đai, xây dựng khu vực nội thành thành phố trực thuộc Trung ương
Qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC và thống nhất với phạm vi như dự thảo luật đề cập.
Tuy nhiên, về quy định địa bàn TP Hà Nội và khu vực nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương thì mức phạt tiền xử phạt hành chính có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực "giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; ANTT, an toàn xã hội; văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm", Ủy ban có ý kiến như sau: Việc bổ sung địa bàn TP Hà nội là không cần thiết, vì Luật Thủ đô năm 2024 đã quy định trên địa bàn TP Hà Nội thì mức phạt tiền có thể cao hơn nhưng không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng với cùng hành vi vi phạm tương ứng trong các lĩnh vực "văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, ANTT, an toàn xã hội".
Quang cảnh hội trường.
Đối với việc bổ sung lĩnh vực "văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm" được áp dụng mức phạt tăng gấp 2 lần đối với khu vực nội thành của TP trực thuộc Trung ương khác, Chủ nhiệm UBPLTP Hoàng Thanh Tùng đề nghị, cần được tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động, vì mỗi địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý khác nhau.
Đối với việc bổ sung các lĩnh vực mới tại dự thảo luật như: dữ liệu; công nghiệp công nghệ số; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; bảo vệ dữ liệu cá nhân, ông đánh giá nội dung thuyết minh còn chung chung, chưa làm rõ lý do đề nghị bổ sung, chưa rà soát tổng thể các luật hiện hành.
Đồng thời, chưa làm rõ cơ sở để xác minh mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực được đề xuất và chưa bảo đảm cân đối, đặt trong tổng thể đối với các lĩnh vực khác, ví dụ: giữa quản lý khoa học, công nghê, chuyển giao công nghệ (phạt tiền đến 50 triệu đồng) với lĩnh vực công nghiệp công nghệ số (phạt tiền đến 100 triệu đồng); giữa lĩnh vực hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác, bảo vệ môi trường (phạt đến 1 tỷ đồng) với lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo (phạt đến 500 triệu đồng); giữa lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân (phạt từ 1%-5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm) với lĩnh vực dữ liệu, an ninh mạng, an toàn thông tin mạng (phạt tiền đến 100 triệu đồng), lĩnh vực giao dịch điện tử (phạt tiền đến 40 triệu đồng).
"Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo thuyết minh rõ lý do bổ sung các lĩnh vực mới và cơ sở xác định mức phạt tiền tối đa để bảo đảm tính thuyết phục. Đối với các lĩnh vực đã được quy định tại Luật XLVPHC hiện hành, đề nghị chưa tăng mức xử phạt tối đa tại lần sửa này, mà sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng để đề xuất khi sửa tổng thể luật", Chủ nhiệm UBPLTP nhấn mạnh.
Quỳnh Vinh