Đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung dòng xe điện hybrid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt. Ảnh: SCMP.
Tại phiên thảo luận tổ sáng 22/11, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) lần này, tại Điều 8 quy định thuế suất với một số hàng hóa, dịch vụ, trong đó có sửa đổi, bổ sung mô tả và mức thuế suất đối với một số mặt hàng thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, chưa có quy định bổ sung liên quan tới việc khuyến khích sử dụng các dòng xe thân thiện với môi trường như hybrid.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề nghị bổ sung dòng xe điện hybrid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi với mức thuế suất TTĐB bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu cùng loại theo quy định.
Đồng thời, ông đề xuất sửa đổi mức thuế TTĐB với dòng xe điện có sạc ngoài từ mức 70% xuống 50% so với dòng động cơ đốt trong cùng loại.
Dẫn dự báo tác động của đề xuất ưu đãi thuế TTĐB đối với xe hybrid có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 5.000 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2026-2030, đại biểu Mạnh cho rằng mức giảm thuế TTĐB với dòng xe điện có sạc ngoài chỉ chiếm chưa tới 3% tổng thu thuế TTĐB mỗi năm, tức khoảng 0,35% tổng thu thuế hàng năm.
Nhưng ngược lại, khuyến khích sử dụng dòng xe này sẽ giúp giảm lượng dầu thô cần nhập khẩu cho hoạt động sản xuất xăng dầu ở Việt Nam, từ đó góp phần giảm áp lực lên cán cân thương mại xuất nhập khẩu.
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) đề nghị không áp thuế TTĐB đối với điều hòa nhiệt độ. Hiện dự thảo luật quy định điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống là đối tượng chịu thuế TTĐB.
Vị đại biểu cho biết từ năm 1998 đã áp dụng thuế suất TTĐB 20% đối với điều hòa nhiệt độ và đến 2008 được giảm xuống 10%.
Trước đây, điều hòa nhiệt độ có thể được coi là mặt hàng xa xỉ. Tuy nhiên, theo ông, cùng với sự phát triển của xã hội, hiện nay đây đã là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, do đó bỏ mặt hàng này khỏi đối tượng chịu thuế TTĐB là phù hợp.
Hồng Nhung