Nhiều đại biểu cho rằng Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt có mục tiêu chính là thay đổi hành vi người tiêu dùng, không phải là thu ngân sách. Khi đưa giải pháp tăng thuế thì cơ quan trình dự thảo cần làm rõ việc tăng thuế có chuyển đổi hành vi người tiêu dùng hay không.
Một số đại biểu nhận định nếu tăng thuế quá nhanh và mạnh khiến các doanh nghiệp không thể điều chỉnh công suất sản xuất phù hợp, làm sụt giảm sản lượng đột ngột dẫn đến nhiều dự án đầu tư thua lỗ, không thể thu hồi được vốn, tác động tiêu cực đến công ăn, việc làm của người lao động, số lượng lao động dôi dư từ các nhà máy rượu, bia chưa kịp để chuyển đổi nghề nghiệp. Do đó, việc tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt với rượu , bia cần có lộ trình để tránh tạo ra cú sốc cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ở một khía cạnh khác, các đại biểu phân tích, nếu áp dụng mức tăng 5%/năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030 thì doanh nghiệp sản xuất bia, rượu sẽ chưa kịp xây dựng lộ trình phù hợp để thích ứng trong bối cảnh đã khó khăn. Do đó, dễ dẫn đến việc doanh nghiệp suy thoái. Bởi vậy, việc giãn áp dụng thuế này đến ít nhất là từ năm 2027 được xem là phù hợp với thực tế hiện nay.
Kim Chi
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/tang-thue-ruou-bia-de-dam-bao-trat-tu-xa-hoi-282408.htm