Đêm ám ảnh của người mẹ khi con nguy kịch vì thuốc nhỏ mũi

Đêm ám ảnh của người mẹ khi con nguy kịch vì thuốc nhỏ mũi
8 giờ trướcBài gốc
Chị B.T, mẹ của bé vẫn còn ám ảnh khi kể lại “đêm kinh hoàng” vừa qua. Tối hôm đó, như thường lệ, hai bé sinh đôi của chị chơi đùa cùng nhau sau giờ tan học. Đến khoảng 18h30, ông nội phát hiện một trong hai bé cầm trên tay chai thuốc nhỏ mũi dùng dở, các bé đều nói “không uống”.
Đến 20h, bé trai có dấu hiệu bất thường như môi nhợt nhạt, da lạnh, thân nhiệt xuống thấp, liên tục gục đầu muốn ngủ dù trước đó vẫn rất hiếu động. Lúc bé nhắm mắt, mắt chuyển động bất thường, đồng tử giãn sang hai bên.
Lúc này bé mới thú nhận đã uống thuốc nhỏ mũi. Cả hai vợ chồng tức tốc đưa con đến bệnh viện gần nhà. Khi đến nơi, nhịp tim của bé chỉ còn 62 lần mỗi phút, thân nhiệt hạ xuống 35,5 độ C – trong khi trẻ ở độ tuổi này thường có nhịp tim từ 90 đến 120.
Lọ thuốc nhỏ mũi trẻ uống nhầm. (Ảnh: GĐCC)
Bác sĩ xác định bé bị ngộ độc naphazolin - hoạt chất thường có trong các loại thuốc nhỏ mũi dùng cho người lớn và chống chỉ định cho trẻ em dưới 15 tuổi. Naphazolin có thể gây co mạch mạnh, dẫn đến giảm thân nhiệt, ức chế thần kinh và tim mạch. Ở trẻ nhỏ, chỉ cần uống một lượng nhỏ cũng có thể dẫn đến hôn mê hoặc bất tỉnh.
Bé được đưa vào cấp cứu, thở oxy, truyền dịch và súc ruột để làm loãng nồng độ độc chất trong máu.
Do không có thuốc giải độc đặc hiệu cho naphazolin, các bác sĩ phải theo dõi sát và hỗ trợ đào thải qua đường tiểu, mồ hôi. Cả đêm đó, vợ chồng chị T. chỉ biết cầu nguyện.
Rạng sáng, nhịp tim bé dần ổn định trở lại ở mức 80–90, chỉ số oxy máu cải thiện. Các xét nghiệm kiểm tra chức năng gan thận, điện tim và siêu âm tim sau đó đều cho kết quả tốt. Hơn một ngày theo dõi, bé được xuất viện, hiện ăn uống và vui chơi bình thường.
Chị T. chia sẻ sự việc như một lời cảnh báo đến các gia đình có con nhỏ - tuyệt đối không để thuốc trong tầm với của trẻ.
Tại bệnh viện, nhịp tim của bé chỉ còn 62 lần mỗi phút, thân nhiệt hạ xuống 35,5 độ C. (Ảnh: GĐCC)
Trẻ có thể ngừng thở vì thuốc nhỏ mũi Naphazolin
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ ông từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ cấp cứu vì ngộ độc thuốc nhỏ mũi. Nguyên nhân chủ yếu do cha mẹ tự ý mua thuốc về dùng, sử dụng sai loại hoặc quá liều, trong khi việc mua bán thuốc hiện nay quá dễ dãi.
Một trong những loại thuốc thường bị lạm dụng là Naphazolin. Đây là dược chất có tác dụng nhanh và kéo dài trong điều trị nghẹt mũi, thường được chỉ định trong các trường hợp viêm mũi cấp, mạn tính, viêm xoang dị ứng hoặc cảm lạnh.
Nhỏ vào mũi, thuốc gây co mạch tại chỗ, làm giảm sung huyết, giúp người bệnh dễ thở hơn. Tác dụng của thuốc thường bắt đầu trong vòng 10 phút và có thể kéo dài từ 2 đến 6 giờ.
Tuy nhiên, không ít phụ huynh vì thấy hiệu quả tức thời nên nhỏ thuốc liên tục cho trẻ, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Việc lạm dụng Naphazolin không những làm mất tác dụng điều trị, mà còn gây tình trạng “sung huyết hồi phát”, tức sung huyết trở lại mạnh hơn khiến trẻ càng nghẹt mũi nặng.
Naphazolin nếu dùng sai còn ảnh hưởng đến toàn thân. Trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, nhức đầu, vã mồ hôi, hồi hộp, run rẩy, tăng huyết áp, nhịp tim nhanh. Trong một số trường hợp nặng, trẻ có thể bị co giật, xuất huyết não, thở chậm hoặc ngừng thở, đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Thuốc nhỏ mũi chứa Naphazolin không được sử dụng cho trẻ dưới 5 tuổi. Với trẻ trên 5 tuổi, chỉ nên dùng khi thực sự cần thiết và theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Thuốc cũng không được sử dụng liên tục và nhiều lần trong ngày. Nếu sau ba ngày dùng thuốc mà tình trạng không cải thiện, phụ huynh nên dừng lại và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám.
“Phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ. Việc dùng thuốc cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ để tránh những biến chứng nguy hiểm”, ông nhấn mạnh.
Như Loan
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/dem-am-anh-cua-nguoi-me-khi-con-nguy-kich-vi-thuoc-nho-mui-ar939693.html