Chiều 4-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ cùng các bộ, ngành để bàn giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Hoa Kỳ công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa từ nhiều quốc gia - trong đó có tuyên bố áp thuế 46% lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Dĩ bất biến ứng vạn biến
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tối qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ, trong đó đưa ra thông điệp: Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ về 0%.
Tổng Bí thư đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam; tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để Việt Nam mua hàng hóa của Hoa Kỳ theo nhu cầu; đồng thời tạo môi trường thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư tại Việt Nam.
Thủ tướng cho biết ngay trong đêm nay (5-4), Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ lên đường công tác tại Hoa Kỳ, vì vậy, cuộc họp cần chuẩn bị danh sách các mặt hàng cần đàm phán để đưa thuế suất về 0%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chịu trách nhiệm trên bàn đàm phán với Hoa Kỳ. Ảnh: TTXVN
"Tinh thần chung là sẵn sàng đàm phán với bạn để đưa mức thuế về 0% đối với hàng hóa nhập từ Mỹ. Ta cũng đề nghị Mỹ áp mức thuế tương tự. Đây là thông điệp lớn nhất.
Thứ hai, danh sách mua hàng cũng do Chính phủ quyết định. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng để đồng chí Hồ Đức Phớc khi gặp gỡ, đàm phán sẽ có căn cứ rõ ràng. Đồng chí Hồ Đức Phớc chịu trách nhiệm quyết định trên bàn đàm phán với tinh thần 'Dĩ bất biến, ứng vạn biến", Thủ tướng nói.
Cần đàm phán nhanh, thông tin kịp thời
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo: Diện thuế áp dụng rộng với mức 46% sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu và mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Mức thuế này có thể làm sụt giảm từ 30–40 tỉ USD đối với 16 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Hoa Kỳ.
Việc Hoa Kỳ áp thuế cao cũng khiến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam giảm sút. Cạnh đó, các vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá sẽ trở nên gay gắt và phức tạp hơn.
"Việt Nam có thể phải giảm thuế cho nhiều sản phẩm của Hoa Kỳ, nhất là các sản phẩm nông nghiệp; mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ; tạo ưu đãi cho Hoa Kỳ trong việc tham gia các dự án cụ thể tại Việt Nam.
Còn đối với Hoa Kỳ, Việt Nam có thể yêu cầu họ giảm thuế tương ứng cho các mặt hàng chủ lực xuất khẩu, 16 danh mục chính, chiếm khoảng 91–92% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Cuộc họp của Thường trực Chính phủ để chuẩn bị cho chuyến đi Hoa Kỳ đàm phán của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc. Ảnh: VN+
"Quan trọng nhất là cần đàm phán nhanh và công bố thông tin ra thị trường kịp thời"- Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung nói.
Cạnh đó, ông cho rằng cần đề nghị phía Hoa Kỳ hoãn áp thuế càng lâu càng tốt. Đồng thời, trao đổi với Hoa Kỳ về việc bổ sung thêm các sản phẩm chưa tính đến trong công thức tính thuế đối ứng như: sản phẩm trí tuệ, sản phẩm số, dịch vụ trực tuyến, dịch vụ giải trí...
Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng đề cập tới việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư sang Hoa Kỳ; rà soát khả năng cung cấp các mặt hàng mà chính quyền ông Trump và Đảng Cộng hòa đang ưu tiên, như nguyên liệu cho sản xuất tại Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết các mặt hàng thiết yếu của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là thủy sản, hồ tiêu, gia vị..., trong đó sản phẩm gia vị chiếm đến 70% thị phần Hoa Kỳ. Đây đều là những mặt hàng thiết yếu, khó có lựa chọn thay thế từ bên thứ ba.
"Chính phủ cũng như Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã rất tích cực dỡ bỏ các rào cản thương mại đối với nông sản, mở cửa thị trường cho bạn; giảm thuế cho nhiều mặt hàng. Thông qua trao đổi với Tham tán nông nghiệp Hoa Kỳ, chúng tôi nhận thấy đây sẽ là yếu tố quan trọng trong các cuộc đàm phán sắp tới để Việt Nam có thể được chấp nhận việc giảm thuế hoặc tránh tăng thuế đối với nông sản xuất khẩu sang Hoa Kỳ"- ông Duy nói.
CHÂN LUẬN