Mức sử dụng năng lượng từ các trung tâm dữ liệu ước tính sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Ảnh: Cloudvisor
Vào năm 2030, chỉ tính riêng tại Mỹ, việc xử lý dữ liệu - chủ yếu là cho AI, sẽ tiêu thụ nhiều điện hơn so với sản xuất thép, xi măng, hóa chất và tất cả các mặt hàng tiêu tốn nhiều năng lượng khác cộng lại.
Ước tính, nhu cầu điện toàn cầu từ các trung tâm dữ liệu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. AI sẽ là động lực chính thúc đẩy sự gia tăng đó, với nhu cầu từ các trung tâm dữ liệu AI chuyên dụng dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần.
Được biết, một trung tâm dữ liệu hiện nay tiêu thụ lượng điện tương đương 100.000 hộ gia đình, nhưng một số trung tâm hiện đang được xây dựng sẽ cần nhiều hơn thế gấp 20 lần.
Tuy vậy, nỗi lo rằng việc áp dụng AI nhanh chóng sẽ làm tiêu tan hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu được cho là không quá nghiêm trọng như tưởng tượng. Theo IEA, việc sử dụng năng lượng cho AI và các hoạt động khác hiệu quả hơn có thể dẫn đến tiết kiệm năng lượng, và giúp giảm phát thải khí nhà kính nói chung.
Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA, cho biết “với sự trỗi dậy của AI, ngành năng lượng đang đi đầu trong một trong những cuộc cách mạng công nghệ quan trọng nhất của thời đại chúng ta. AI là một công cụ, có khả năng là một công cụ vô cùng mạnh mẽ, nhưng cách sử dụng nó tùy thuộc vào xã hội, chính phủ và các công ty của chúng ta”.
Sử dụng AI có thể giúp thiết kế lưới điện dễ dàng hơn để tiếp nhận nhiều năng lượng tái tạo hơn. Việc nâng cao hiệu quả trong các hệ thống năng lượng và trong các quy trình công nghiệp cũng có thể trở nên dễ dàng hơn với AI. Ngoài ra, AI cũng có thể hỗ trợ các công nghệ mới như xe không người lái hoặc phát hiện các mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng quan trọng. Công nghệ này cũng có thể được sử dụng để lập kế hoạch giao thông công cộng nhằm tối ưu hóa hành trình của người tham gia giao thông, hoặc để thiết kế các thành phố và hệ thống giao thông xanh. Các công ty khai thác có thể sử dụng AI để khám phá và khai thác trữ lượng khoáng sản vốn có vai trò rất quan trọng đối với các thành phần năng lượng tái tạo hiện đại như tấm pin mặt trời, tua bin gió và xe điện.
Theo IEA, những ứng dụng này có thể bù đắp một số nhu cầu lớn mà AI sẽ đặt ra cho các hệ thống năng lượng của thế giới, nhưng điều đó đòi hỏi sự chỉ đạo lớn hơn từ các chính phủ. Nếu chỉ xét riêng, tốc độ phát triển nhanh chóng của AI có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với hệ thống năng lượng và môi trường.
Theo một cuộc khảo sát của The Guardian, nếu thực hiện không tốt, AI có thể hút nước từ một số khu vực khô hạn nhất thế giới, vì nhiều trung tâm dữ liệu AI cần sử dụng một lượng lớn nước ngọt để làm mát hệ thống máy tính.
Ông Claude Turmes, Bộ trưởng Năng lượng Luxembourg, cho rằng những bất lợi của AI có nhiều khả năng xảy ra hơn so với dự đoán lạc quan của IEA, và các chính phủ cần nhiều sự hỗ trợ hơn nữa để tránh những cạm bẫy. Theo ông, IEA đã vẽ nên một bức tranh “quá tươi sáng” và không đưa ra được các khuyến nghị thực tế cho các chính phủ về cách quản lý để từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực to lớn của AI và các trung tâm mới về dữ liệu lớn (big data) đối với hệ thống năng lượng toàn cầu.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ The Guardian)