Mô hình đèn lồng "Lạc Long Quân Trở về" cao 8m, dài 20m của Đội thi Sắc Màu Thành Tuyên (Tuyên Quang) đạt Giải Khuyến khích Cuộc thi & Lễ hội đèn lồng Quốc tế Ocean 2025.
Tối 18/1, tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park 2 (Văn Giang, Hưng Yên), Lễ hội Ánh sáng phương Đông đã chính thức khai mạc và diễn ra tới hết ngày 16/3. Đây là một chương trình lớn gồm chuỗi lễ hội với 580 hoạt động, trải dài xuyên Tết Ất Tỵ 2025. Điểm nhấn của chương trình là Cuộc thi và Lễ hội đèn lồng quốc tế Ocean lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với sự góp mặt của các nghệ nhân xuất sắc đến từ các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan.
Kết quả, giải Nhất được trao cho đội thi Hội An Craft Vietnam với tác phẩm Hồn thiêng đất Việt. Tác phẩm dài 70m, rộng 20m, được làm suốt 2 tháng với 12 nhân công. Theo ông Sato Kenichi - Chủ tịch Hiệp hội Lễ hội Nebuda thành phố Amori, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch & Hội thảo TP Aomori (Nhật Bản), thành viên Ban giám khảo - cho biết, điều thú vị và tuyệt vời của tác phẩm này llà hình tượng những chiếc đèn lồng được thả trôi trên sông và những bức tranh về cá chép được làm trên chất liệu giấy làm từ vỏ dừa nước, được đặt trong hình tượng cá chép rất to. "Bức tranh có độ đậm nhạt thể hiện kỹ thuật pha trộn màu sắc tinh tế đã khiến tôi bị thu hút và phải dừng lại ngắm nhìn rất lâu" - ông Sato Kenichi cho hay.
Tác phẩm "Hồn thiêng Đất Việt" của đội thi Hội An Craft đã đạt Giải Nhất Cuộc thi & Lễ hội đèn lồng Quốc tế Ocean 2025.
Giải Nhì được trao cho tác phẩm Thần may mắn - Qilin (tác giả Seo Deok Hwan, Hàn Quốc), giải Ba cho tác phẩm Long phượng sum vầy - Reunion of the dragon and the phoenix (đội Sắc màu cuộc sống, Việt Nam). 3 giải Khuyến khích được trao tác phẩm: Lạc Long Quân trở về - Lac Long Quan returns (đội Sắc màu thành Tuyên, Việt Nam); Đôi cánh tương lai - Wings of Future (tác giả Shuixiu Gong China); Lễ tế Sajik & Nongak (tác giả Lee Sang Moo, Hàn Quốc).
Ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng Đại diện Unesco tại Việt Nam cho rằng đèn lồng cũng là một sản phẩm văn hóa phi vật thể của nhiều nước không phải chỉ có Việt Nam, nên những cuộc thi như thế này cũng là cơ hội để các nước có thể giao lưu với nhau, người dân các nước giao tiếp, làm quen và tận hưởng không khí của lễ hội.
Lễ hội đèn lồng 2025
Sự tham gia đông đảo của các đội thi Việt Nam và giành được nhiều giải thưởng uy tín đã cho thấy sự tôn vinh với kỹ thuật và ý tưởng thiết kế đèn lồng của các đội thi Việt Nam trong cuộc thi đèn lồng quốc tế lần đầu tiên được tổ chức.
Dịp này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng trao 3 kỷ lục: Lễ hội đèn lồng Quốc tế quy mô nhất VIệt Nam; Con đường đèn lồng lấy cảm hứng từ các biểu tượng văn hóa Việt Nam và quốc tế dài nhất Việt Nam cho Lễ hội đèn lồng quốc tế Ocean; Trao kỷ lục Cụm đèn lồng có kích thước lớn nhất Việt Nam cho tác phẩm Hồn thiêng đất Việt.
* Một số hình ảnh tại chương trình:
Tác phẩm Thánh Gióng đến từ Đội thi Lung Linh Lễ Hội Thành Tuyên (Tuyên Quang)
Một số tác phẩm đến từ nghệ nhân các đội bạn: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan
Tác phẩm Chử Đồng Tử - Tiên Dung đến từ đội thi Văn Giang (Hưng Yên)
Các tác phẩm kết hợp công nghệ ánh sáng tạo nên lễ hội đặc sắc
Tác phẩm Cây Phù Tang mang dậm dấu ấn của đội thi đến từ Nhật Bản
Con đường ánh sáng dài hơn 2km trưng bày các tác phẩm đèn lồng đặc sắc
PV
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/den-long-viet-nam-toa-sang-tai-le-hoi-den-long-quoc-te-ocean-2025-20250119075543366.htm