Đến từng nhà, gặp đúng người, thu thập đúng, đủ thông tin

Đến từng nhà, gặp đúng người, thu thập đúng, đủ thông tin
17 giờ trướcBài gốc
Đây là cuộc điều tra thống kê quy mô lớn, được tổ chức định kỳ 10 năm một lần, với mục tiêu xây dựng bức tranh toàn cảnh về đời sống, sản xuất và kinh tế nông thôn trên phạm vi cả nước.
Tuyên truyền hiệu quả – Điều tra chính xác, đủ thông tin
Là tỉnh có diện tích lớn, dân số đông, tổng điều tra nông thôn tại Thanh Hóa có số mẫu điều tra lớn với 452 xã (cũ), 690 nghìn hộ, 967 trang trại, 1261 doanh nghiệp và 712 hợp tác xã nông lâm thủy sản. Để đảm bảo thời hạn điều tra 30 ngày, nhiều công việc đã được chuẩn bị từ trước thời điểm 1/7.
Điều tra viên thực hiện thu thập thông tin dưới sự hướng dẫn, giám sát của Đội Thống kê tại xã Phú Ninh. Ảnh: Thành Công
Ông Thái Bá Minh – Điều hành Chi cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa, cho biết việc chuẩn bị cho cuộc Tổng điều tra đã được sắn sàng: "Chúng tôi đã thực hiện lập bảng kê, hay gọi là điều tra phiếu bảng kê. Tính từ ngày 1/3, chúng tôi có được số liệu như ngày hôm nay. Đối với các phiếu xã, do thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp nên từ xã chúng tôi phải làm trước từ 15/6, đến nay đã xong phiếu xã và chỉ còn phiếu thị trấn".
Ông Phạm Hoài Nam, Điều hành Chi cục Thống kê TP Hà Nội, cho biết: Cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi cả nước đang triển khai mô hình chính quyền hai cấp.
Tại Hà Nội – địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng hộ phi nông, lâm, thủy sản lớn và nhiều chung cư mọc lên tại khu vực nông thôn, việc tiếp cận hộ dân gặp không ít khó khăn. Hộ dân thường đi làm về muộn, việc ra vào chung cư phải thông qua bảo vệ, gây trở ngại cho công tác lập bảng kê. Trước thực tế đó, ngành thống kê TP Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều giải pháp linh hoạt để đảm bảo tiến độ và chất lượng điều tra, như: Ứng dụng công nghệ hiện đại trong toàn bộ quá trình điều tra; Triển khai hệ thống chatbot hỗ trợ trực tuyến cho điều tra viên và giám sát viên; Thiết lập đường dây nóng để giải đáp kịp thời vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đến từng nhà, gặp đúng người, thu thập đúng, đủ thông tin là yêu cầu bắt buộc của đợt Tổng điều tra lần này. Ảnh: Thành Công
Ông Nam cho biết, các điều tra viên đã được tập huấn kỹ lưỡng về cách xác định hộ nông, lâm, thủy sản, kỹ năng phỏng vấn, thu thập thông tin và thao tác phần mềm CAPI. Điều tra viên được yêu cầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo thông tin thu thập đúng – đủ – kịp thời. Năm 2025, toàn TP Hà Nội có 6.460 địa bàn điều tra, với 1.325.718 hộ được lập bảng kê, trong đó có 597.569 hộ hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 45,1%). Thành phố đã huy động 5.000 điều tra viên, 409 tổ trưởng và gần 200 giám sát viên để thực hiện cuộc Tổng điều tra này.
Các điều tra viên trực tiếp đến hộ dân để thu thập thông tin (Gia Lai).
Ông Đặng Cảnh Phúc, người dân thôn Cao Cương, xã Quảng Oai (Hà Nội), cho biết trong những ngày qua, người dân trong thôn đã được tuyên truyền về mục đích và ý nghĩa của cuộc Tổng điều tra thông qua nhiều hình thức như truyền hình, băng rôn, khẩu hiệu và loa phát thanh. Ông bày tỏ kỳ vọng: “Chúng tôi mong rằng kết quả Tổng điều tra lần này sẽ giúp Nhà nước có cái nhìn tổng thể, toàn diện về nông thôn, nông nghiệp, từ đó ban hành những chính sách phù hợp, giúp người dân như chúng tôi dần nâng cao đời sống, phát triển sản xuất bền vững.”
Tại Gia Lai, ông Phan Quốc Hùng, Điều hành Thống kê tỉnh Gia Lai, cho biết: Từ ngày 1/7 đến 30/7/2025, toàn tỉnh huy động gần 6.500 người, trong đó có 4.357 điều tra viên, để thu thập thông tin từ hơn 564.859 hộ tại 3.995 địa bàn.
Để cuộc Tổng điều tra đạt kết quả tốt, ông Hùng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và nhân dân tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, và tầm quan trọng của cuộc điều tra. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, cần sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung và quyết liệt. Ông nhấn mạnh, thành viên Ban Chỉ đạo cấp xã phải nêu cao trách nhiệm, nắm chắc nghiệp vụ, bám sát địa bàn, hoàn thành nhiệm vụ đúng nội dung, chất lượng và tiến độ. Kết quả thực hiện sẽ là căn cứ đánh giá chất lượng cán bộ.
Tổ trưởng và điều tra viên cần nghiêm túc, chính xác trong thu thập thông tin, thực hiện ghi phiếu điện tử (CAPI) trên máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh, đảm bảo đúng – đủ – không sai sót.
Tại Đà Nẵng, xã Phú Ninh được chọn là địa phương làm điểm ra quân cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025. Chị Nguyễn Thị Mỹ Châu, điều tra viên xã Phú Ninh, cho biết công tác chuẩn bị đã được triển khai sớm, điều tra viên được tập huấn kỹ lưỡng và thành thạo sử dụng phiếu điện tử (CAPI) và Webform.
Ngay sau lễ ra quân, chị Châu bắt đầu tiếp cận các hộ dân. Với hiểu biết thực tế tại địa phương, chị sắp xếp thời gian hợp lý để gặp đúng chủ hộ. Tuy nhiên, địa bàn rộng, người dân đi làm sớm, thời tiết nắng nóng và số lượng câu hỏi nhiều là những thách thức lớn. “Chúng tôi sẵn sàng đi lại nhiều lần, tranh thủ thời gian nghỉ của người dân để hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ,” chị chia sẻ.
Tại xã Phú Ninh, công tác tuyên truyền được triển khai bài bản. Ông Nguyễn Quốc Phượng, thành viên Ban Chỉ đạo Tổng điều tra xã, cho biết hệ thống truyền thanh thường xuyên phát sóng thông tin hỏi đáp, giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa cuộc điều tra. Các thôn trưởng và đoàn thể xã hội tích cực phối hợp, hướng dẫn người dân cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực.
Chi cục Thống kê, điều tra viên đến nhà hộ dân thực hiện Tổng điều tra (An Giang).
Ông Trương Văn Phước, người dân xã Phú Ninh, cho biết đã nghe thông tin từ loa truyền thanh và mạng xã hội, và sẵn sàng hợp tác khi điều tra viên đến nhà. Ông kỳ vọng kết quả điều tra sẽ giúp chính quyền xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân hiệu quả hơn. Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, điều tra viên và người dân đã giúp công tác điều tra tại Phú Ninh diễn ra thuận lợi ngay trong ngày đầu ra quân, mở đầu cho một đợt tổng điều tra hứa hẹn thành công.
Bà Trần Thị Bích Hạnh, Phó Đội trưởng Phụ trách Đội Thống kê số 9, cho biết đội đã tích cực triển khai truyền thông rộng khắp, từ phát thanh cơ sở đến lan tỏa thông tin trên mạng xã hội qua đội ngũ chuyển đổi số cấp xã và cán bộ văn hóa - truyền thông - thống kê địa phương.
“Chúng tôi chủ trì phối hợp chặt chẽ với UBND xã Phú Ninh thực hiện tổng điều tra theo đúng kế hoạch, phân công rõ ràng, xây dựng phương án cụ thể trong quá trình thu thập thông tin. Đội sẽ giám sát chặt chẽ việc thu thập và thực thi nhiệm vụ của lực lượng điều tra, đảm bảo thu thập dữ liệu đúng, đủ và kịp thời.
Trong quá trình thực hiện, đội sẽ nhanh chóng ghi nhận và phản ánh các khó khăn, vướng mắc từ cơ sở về Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông nghiệp 2025 thành phố để có hướng chỉ đạo, xử lý phù hợp,” bà Hạnh cho biết.
Ông Trần Văn Vũ, Điều hành Chi cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, Phó ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông nghiệp thành phố cho hay, đây là cuộc điều tra rất quan trọng để đánh giá các hoạt động, đời sống của người dân nông thôn. Từ kết quả này, số liệu sẽ được tổng hợp, phân tích đánh giá để cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương hoạch định các chính sách phù hợp. Yêu cầu đặt ra là phải thực hiện đúng quy trình, đảm bảo “năm điểm đúng”: Đến đúng hộ được chọn điều tra; gặp đúng người có đủ thẩm quyền và năng lực cung cấp thông tin (chủ hộ); hỏi đúng câu hỏi theo phiếu điều tra trong máy tính bảng hoặc điện thoại; điền đúng thông tin do đối tượng điều tra cung cấp; hoàn thành đúng tiến độ phiếu điều tra được phân công. Sự chỉ đạo sát sao và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ thống kê là yếu tố then chốt để cuộc tổng điều tra tại Đà Nẵng đạt kết quả như mong đợi.
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin
Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê nhấn mạnh rằng cuộc tổng điều tra lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp thông tin đầy đủ và toàn diện phục vụ xây dựng chính sách, đánh giá thực trạng nông nghiệp và đời sống người dân nông thôn. Theo số liệu của Cục Thống kê, năm 2024, dân số khu vực nông thôn vào khoảng 62,5 triệu người, chiếm 61,8% dân số cả nước.
Các điều tra viên trao đổi với hộ gia đình ở Hà Nội.
Cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 được thực hiện theo phương pháp điều tra toàn bộ kết hợp với điều tra chọn mẫu. Theo đó cơ quan thống kê sẽ điều tra tất cả các đơn vị tham gia hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản gồm hộ, trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã, UBND xã, các đơn vị tham gia hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng. Ngoài ra cơ quan thống kê cũng tiến hành điều tra chọn mẫu đối với hộ tham gia hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản để thu thập một số thông tin chuyên sâu, bổ sung các thông tin của hộ, phục vụ nghiên cứu hoạt động sản xuất của hộ.
Thời điểm thu thập thông tin tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 theo số thực tế tại thời điểm ngày 1/7. Thời gian thu thập thông tin tại địa bàn điều tra tối đa là 30 ngày, từ ngày 1 đến 30/7.
Cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 sẽ thực hiện đồng thời hai phương pháp thu thập thông tin: Phỏng vấn trực tiếp và thu thập thông tin gián tiếp từ các đơn vị điều tra.
Theo Cục Thống kê, cuộc tổng điều tra lần này thay đổi về phương pháp thực hiện lập bảng kê đơn vị điều tra phiếu hộ, giúp thu thập đầy đủ thông tin và tiết kiệm kinh phí. Khai thác tối đa dữ liệu hành chính và dữ liệu điều tra hiện có, nhằm giảm thiểu thu thập từ thực địa, giúp nâng cao hiệu quả của tổng điều tra.
Trong đó, triển khai hình thức thu thập thông tin, sử dụng phiếu điều tra điện tử (CAPI và Webform) và cách thức quản lý dữ liệu trực tuyến, nhằm kiểm soát tiến độ, chất lượng điều tra trong quá trình thu thập thông tin tại địa bàn; nâng cao trách nhiệm giải trình và quản lý dữ liệu tập trung, khai thác sử dụng phân tán. Cục Thống kê cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, làm sạch và hoàn thiện số liệu. Đồng thời, nghiên cứu phương pháp chọn mẫu để đáp ứng yêu cầu thông tin: Với sự hỗ trợ của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), đã xây dựng 2 loại mẫu điều tra phục vụ suy rộng các chỉ tiêu SDG và các chỉ tiêu chuyên sâu về nông lâm thủy sản vừa nhằm đáp ứng mục tiêu thông tin vừa nâng cao hiệu quả của công tác thu thập thông tin.
Cục Thống kê đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong điều tra thống kê. Tính đến năm 2025, trên 90% tổng số cuộc điều tra được sử dụng phiếu điều tra điện tử trên thiết bị di động (CAPI) hoặc trực tuyến (Webform) và ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn: Quản lý mạng lưới điều tra, quản lý điều tra viên thống kê, quản lý giám sát viên, phân công nhiệm vụ, thực hiện thu thập thông tin, giám sát, xử lý làm sạch, lưu trữ và công bố kết quả…
Đồng thời, nghiên cứu áp dụng công nghệ học máy hỗ trợ kiểm tra, rà soát mã ngành kinh tế, ứng dụng AI hỗ trợ công tác thu thập thông tin, sử dụng định vị GPS của đơn vị điều tra trong công tác điều hành tác nghiệp, giám sát thực hiện điều tra và phổ biến kết quả, áp dụng phương pháp thu thập thông tin bằng hình thức phỏng vấn trực tiếp và gián tiếp. Hệ thống phần mềm phục vụ quản lý điều hành, giám sát, thu thập, xử lý kết quả cuộc điều tra do đội ngũ kỹ sư tin học của ngành Thống kê thực hiện.
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 bắt đầu từ ngày 1/7- 30/7/2025.
Ứng dụng phục vụ thu thập thông tin trực tiếp được cài đặt trên thiết bị di động thông minh (sử dụng hệ điều hành Android hoặc iOS) của điều tra viên. Công tác quản lý điều hành, giám sát, xử lý dữ liệu cuộc điều tra được thực hiện thông qua một website, bảo đảm đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Phần mềm phục vụ điều tra được thiết kế, xây dựng và triển khai trên môi trường Internet áp dụng cho toàn bộ các công đoạn: Lập bảng kê, quản lý mạng lưới điều tra, phân công điều tra viên và giám sát viên, thu thập thông tin, giám sát điều tra và làm sạch số liệu, khai thác kết quả…
Theo Cục Thống kê, cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp lần này hướng tới 3 mục đích, đó là biên soạn các chỉ tiêu thống kê liên quan thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, biên soạn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ việc đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển nông thôn, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi cả nước.
Thứ hai, phục vụ nghiên cứu đánh giá quy mô, cơ cấu lao động nông thôn và lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thay đổi kết cấu hạ tầng nông thôn, tình hình thực hiện một số nội dung của các chương trình, mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực nông thôn và phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu nông thôn.
Thứ ba, xây dựng cơ sở dữ liệu về nông thôn và nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu, đáp ứng các yêu cầu thống kê khác.
Cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 sẽ được thực hiện trên phạm vi cả nước đối với tất cả các đơn vị điều tra.
Kiện toàn Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 trung ương
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 1414/QĐ-TTg về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 trung ương. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc làm Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 trung ương (Ban Chỉ đạo).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng làm Phó Trưởng Ban Thường trực; Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương làm Phó Trưởng ban. Các Ủy viên gồm: Ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Lê Hải Bình, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Thống kê.
Ban Chỉ đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 09/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 (TĐTNN 2025) trung ương và Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo TĐTNN 2025 trung ương kèm theo Quyết định số 942/QĐ-TTg. Bộ trưởng Bộ Tài chính - Phó Trưởng ban Thường trực thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Quyết định số 942/QĐ-TTg và Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo TĐTNN 2025 trung ương kèm theo Quyết định số 942/QĐ-TTg.
Bộ Tài chính (Cục Thống kê) là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo TĐTNN 2025 trung ương, có trách nhiệm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) tại Quyết định số 942/QĐ-TTg và Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo TĐTNN 2025 trung ương kèm theo Quyết định số 942/QĐ-TTg.
Phan Đức
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/doi-song/den-tung-nha-gap-dung-nguoi-thu-thap-dung-du-thong-tin-i773609/