Đến với bài thơ hay: Món quà diệu kỳ

Đến với bài thơ hay: Món quà diệu kỳ
5 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa: INT
Tô Hà
Tiếng hạt nảy mầm
Mắt sáng, nhìn lên bảng
Lớp mươi nụ môi hồng
Đôi tay cô cụp mở
Báo tưng bừng thanh âm
Cánh sẻ vụt qua song
Hót nắng vàng ánh ỏi
Các bé vẫn lặng chăm
Nhìn theo cô mấp máy
Sau ngón tay cô đấy
Là tiếng hạt nảy mầm
Tiếng lá động trong vườn
Tiếng sớm mai mẹ gọi
Tiếng cuộc đời sâu vợi
Con tàu biển buông neo
Ngôi sao mọc rừng chiều
Vó ngựa ran vách đá
Bao nghĩ suy vất vả
Trong mắt người lo toan
Để từng âm có nghĩa
Bật lên từ môi em
Nghe cánh vỗ chim non
Trước diệu kì tiếng hót
Giữa hồn nhiên lớp học
Ai nụ cười rưng rưng
(1974)
Nhà thơ Tô Hà đã phác họa bức tranh về một lớp học đặc biệt dành cho trẻ em khiếm thính mà ở đó toát lên niềm đam mê và khát khao con chữ của học trò và trái tim nhân ái vô biên của người dạy chữ qua bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” vô cùng sinh động và cảm xúc.
Dụng ý đầu tiên được đặt ngay trong tựa đề tác phẩm. “Tiếng hạt nảy mầm” là tiếng của khát vọng sống, khát vọng vươn lên của mầm cây khi cố cựa mình tách vỏ để chui ra khỏi cái không gian chật hẹp mà vươn ra thế giới bên ngoài bao la, rộng lớn cũng như những đứa trẻ không may bị giới hạn, khiếm khuyết một khả năng nào đó khiến không thể hòa nhập với cộng đồng thì bản năng sinh tồn sẽ khiến những tâm hồn ấy cố gắng hết mình để thoát ra nghịch cảnh và vươn lên chinh phục ước mơ. Vì vậy, tiếng hạt nảy mầm ở đây là một phép ẩn dụ để nói lên thanh âm rạo rực của khát vọng, của niềm tin về ngày mai tươi đẹp đang ánh lên trong đôi mắt, trong trái tim của những thiên thần sinh ra mang hình hài không trọn vẹn.
Bức tranh lớp học được mở ra với lời giới thiệu tạo cho người đọc sự tò mò, chú ý:
“Mắt sáng, nhìn lên bảng
Lớp mươi nụ môi hồng”
Mới đọc đến đây, hẳn ai cũng thắc mắc vì sao một lớp học mà chỉ có “mươi nụ môi hồng” và vì sao tác giả lại đưa hình ảnh “mắt sáng, nhìn lên bảng” làm hình ảnh đầu tiên. Có điều gì đặc biệt ở đây mà đôi mắt các em chăm chú nhìn đến thế. Và cánh cửa thần bí ngay lập tức được mở ra cho người đọc với hình ảnh “bàn tay cô cụp mở”. Thì ra đây là lớp học dành cho những em nhỏ không may bị khiếm khuyết về thính giác và cử chỉ tay cô chính là phương tiện truyền đạt nguồn thông tin của thế giới bên ngoài đến với các em. Bàn tay kì diệu ấy dự báo cho em biết những thanh âm tưng bừng rộn rã mà cuộc sống ngoài kia đang chuyển động không ngừng.
Bức tranh về lớp học đặc biệt được mở ra khi người viết mô tả thái độ chăm chú học tập của học sinh:
“Cánh sẻ vụt qua song
Hót nắng vàng ánh ỏi
Các bé vẫn lặng chăm
Nhìn theo cô mấp máy”
Hình ảnh đàn chim sẻ bay vút qua song cửa, cất tiếng hót ngân vang và có phần hơi chói tai (tính từ ánh ỏi) cho ta cảm nhận bên ngoài tiết trời đang nắng rát, gây ra cảm giác khó chịu cho muôn loài nên chúng vội lao đi tìm nơi trú ngụ. Thế nhưng, trong lớp học: “Các bé vẫn lặng chăm/ Nhìn theo cô mấp máy”. Vì vậy, hai câu trên chính là đòn bẩy để tác giả nhấn mạnh sự say mê, chăm chú của các em ở hai câu dưới. Từ láy “mấp máy” được đưa vào làm tăng giá trị biểu đạt về thái độ nghiêm túc, sự cố gắng, nỗ lực của các em trong quá trình học tập. Thật xúc động biết bao trước niềm khát khao con chữ quá lớn lao của những cô bé, cậu bé mang hình hài không trọn vẹn nhưng đã vượt qua nỗi đau thương tổn, quên đi cả sự khắc nghiệt của tiết trời mà chăm chú dõi theo cô.
Rồi một loạt âm thanh được liệt kê từ sự biểu đạt của những ngón tay cô giáo làm bức tranh càng trở nên sinh động, hấp dẫn, cuốn hút người đọc. Bởi chúng là đại diện những mảng màu khác nhau trong cuộc sống. Đó là thanh âm quen thuộc, gần gũi xung quanh các em với tiếng hạt nảy mầm cựa quậy, tí tách, hớn hở, reo vui khi sắp được bước ra thế giới bên ngoài rộng lớn; là tiếng lá đung đưa xào xạc hát reo trong gió, cần mẫn chắt chiu dòng nhựa sống nuôi đời; là tiếng mẹ vỗ về dịu ngọt đánh thức mỗi ban mai để đón chào ánh bình minh rạng rỡ. Đó là thanh âm của những điều kì vĩ, lớn lao mà thế giới ngoài kia đang ầm ầm sục sôi, chuyển động với tiếng cuộc đời thăng trầm, dâu bể; tiếng tàu biển buông neo phành phạch lướt sóng ra khơi dong buồm thả lưới hay tiếng vó ngựa thình thịch, thần tốc đạp ran cả vách đá để kịp lên đường gìn giữ quê hương. Tất cả những điều kì thú, tươi đẹp ấy bỗng hiện ra trước mắt em thật sống động và nhộn nhịp khiến những trái tim non rạo rực yêu đời mà quên đi bản thân đang khiếm khuyết, thiệt thòi. Nhà thơ đã thực sự hóa thân vào các em nhỏ trong lớp học để cảm nhận sâu sắc những điều kì diệu ấy bằng một phương cách đặc biệt mà ít ai thấu cảm trong đời.
Với những người thầy, người cô để truyền tải được tri thức đến với các em trong trường hợp đặc biệt này thì họ phải mang hết tinh thần, trí tuệ, sức khỏe và nhiệt huyết để cống hiến cho nghề nghiệp mà mình lựa chọn. Ở đó không còn là kế sinh nhai mà là trái tim chan chứa yêu thương dành cho các bé, là sự hy sinh vô bến vô bờ để thắp sáng tương lai cho những cuộc đời sinh ra không trọn vẹn. Họ phải trăn trở, thao thức hằng đêm soạn từng trang giáo án để làm sao ngày mai trên bục giảng, các em hứng thú, say mê với việc học, làm sao cho các em có thể tiếp thu bài và “Để từng âm có nghĩa/ Bật lên từ môi em”. Tác giả tỏ ra thấu cảm rất sâu sắc tâm tư, tình cảm, nỗi lo lắng, băn khoăn của những người thầy, người cô trong lớp học này nên ông đã viết: “Bao nghĩ suy vất vả/ Trong mắt người lo toan”, nghĩa là nỗi nhọc nhằn quá lớn khiến nó hiện ra thường trực và hằn sâu trong đôi mắt những người thầy.
Sự hy sinh ấy đã được đền đáp xứng đáng khi những đôi môi non nớt mấp máy cất lên những thanh âm ngọt ngào, trong trẻo. Đó là món quà kì diệu nhất mà trái tim người thầy từng ngày khát khao, mong đợi và niềm vui nay thực sự vỡ òa:
“Nghe cánh vỗ chim non
Trước diệu kì tiếng hót
Giữa hồn nhiên lớp học
Ai nụ cười rưng rưng”.
Phép ẩn dụ được vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo làm cho bức tranh lớp học khoác lên mình vẻ đẹp lấp lánh, vui tươi và ươm đầy ước mơ, hy vọng. Các em như những chú chim non sau bao ngày được ấp iu trong cánh mẹ nay đã bắt đầu vỗ những nhịp đầu tiên để từng bước chuẩn bị hành trang mai sau bay lên bầu trời cao rộng mà ngân vang tiếng hót. Giữa lớp học với bao ánh mắt hồn nhiên, trong sáng, đáng yêu như thế thì ai là người vui nhất, xúc động nhất. Chính là cô giáo của các em. Nhưng nhà thơ lại dùng đại từ “ai” không xác định như đang hỏi, thực chất lại là để khẳng định, để nhấn mạnh niềm hạnh phúc lớn lao đang ngập ngời trong tâm người gieo hạt. Đó là nghệ thuật đỉnh cao của một ngòi bút thơ luôn chạm đến lòng người.
Xét về cấu trúc văn bản, bài thơ gieo vần không thống nhất theo một niêm luật nhất định giữa các khổ thơ và trong từng khổ thơ, giữa các từ cần gieo cũng không khớp vần với nhau. Tuy nhiên không vì thế mà làm giảm đi sự thú vị, hấp dẫn mà ngược lại. Bởi các từ ngữ được chọn lọc tinh tế, đặt để đúng vị trí làm cho tác phẩm giàu hình ảnh và nhạc tính, phù hợp với tâm lí tiếp nhận của lứa tuổi thiếu nhi và đặc biệt là giá trị nhân văn cao đẹp mà người viết gửi vào thi phẩm. Đó thực sự là món quà, là bài học quý giá nhất mà mỗi con người của thế hệ hôm nay và mai sau cần biết giữ gìn, trân quý, nâng niu.
Lê Thị Xuân (Giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Lộc Hà, Hà Tĩnh)
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-mon-qua-dieu-ky-post704481.html