Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã cổ phiếu TCM - sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 1/2025. Theo đó, công ty mẹ của Dệt may Thành Công thu về 346,3 tỷ đồng doanh thu và 26 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 3% và 13% so với cùng kỳ năm 2024.
Xét về cơ cấu doanh thu, sản phẩm may tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 81% tổng doanh thu của Dệt may Thành Công trong tháng 1/2025, theo sau là vải (13%) và sợi (khoảng 5%).
Về thị trường, công ty đang xuất khẩu sản phẩm sang 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trong tháng 1/2025. Trong đó, khu vực châu Á chiếm 80,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, riêng thị trường Hàn Quốc chiếm hơn 41% kim ngạch. Thị trường châu Mỹ chiếm 14,9% tổng kim ngạch, riêng thị trường Mỹ chiếm 10,37% tổng kim ngạch; cuối cùng, thị trường châu Âu chiếm 3,9% tổng kim ngạch, riêng thị trường Anh chiếm 3,35% tổng kim ngạch của công ty.
Dệt may Thành Công cho biết đang bắt đầu nhận đơn hàng cho quý 3/2025
Dệt may Thành Công cũng cho biết công ty đã nhận đủ đơn hàng cho quý 1/2025, đang tiếp nhận đơn hàng cho quý 2/2025 và bắt đầu nhận đơn hàng cho quý 3/2025. Đáng chú ý, công ty dự kiến sẽ tăng kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc gần 30% so với năm 2024.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, khác với nhiều doanh nghiệp dệt may khác khi tập trung vào thị trường Mỹ hoặc EU, Dệt may Thành Công có xu hướng tăng cường thâm nhập thị trường Hàn Quốc nhờ nguồn hàng lớn, ổn định đến từ cổ đông chiến lược nước ngoài - Tập đoàn E-Land (Hàn Quốc). Trong năm ngoái, tập đoàn này đã cam kết đặt 10 triệu sản phẩm từ Dệt may Thành Công, cao gấp đôi so với năm 2023.
E-Land là tập đoàn đa quốc gia hàng đầu về thời trang và bán lẻ tại Hàn Quốc, sở hữu khoảng 250 nhãn hiệu thời trang với hơn 10.000 cửa hàng trên toàn cầu, tập trung tại Trung Quốc, EU, và Hàn Quốc. Tập đoàn này cũng đang lên kế hoạch mở 10 cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam trong năm nay.
Thông qua công ty con E-Land Asia Holdings, Tập đoàn E-Land bắt đầu trở thành cổ đông lớn của Dệt may Thành Công từ năm 2009 với tỷ lệ chi phối 37,67% vào năm 200, đồng thời tiến hành tái cấu trúc lại hoạt động của công ty. Sau đó, E-Land tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu lên 43% vào năm 2018. Đến năm 2022, tỷ lệ sở hữu của E-Land đã tăng lên gần 45%. Hiện tập đoàn Hàn Quốc này đang chi phối 46,97% vốn cổ phần Dệt may Thành Công.
Tập đoàn E-Land đang sở hữu 250 nhãn hiệu thời trang phục vụ thị trường Hàn Quốc và các thị trường nước ngoài.
Với tư cách là cổ đông lớn nhất và nắm quyền kiểm soát chiến lược, Tập đoàn E-Land không chỉ hỗ trợ Dệt may Thành Công về mặt tài chính mà còn đóng góp vào chiến lược kinh doanh, mở rộng thị trường và phát triển chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, công ty cũng hưởng lợi từ mạng lưới khách hàng toàn cầu trong lĩnh vực thời trang và dệt may của Tập đoàn E-Land.
Ngoài lợi thế từ cổ đông chiến lược nước ngoài, việc mở rộng sang thị trường Hàn Quốc của Dệt may Thành Công còn được thúc đẩy từ các chính sách ưu đãi thuế quan của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Trong năm nay, Dệt may Thành Công đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu khoảng 19% so với năm 2024, đạt hơn 4.500 tỷ đồng, và tập trung tối ưu hóa lợi nhuận.
Ban lãnh đạo công ty cho biết sẽ tập trung vào R&D, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thân thiện với môi trường, tái chế và có giá trị cao. Công ty cũng đầu tư vào thiết kế theo yêu cầu khách hàng và thiết kế nhãn hàng riêng, hướng đến mô hình ODM (sản xuất thiết kế gốc)
Song song đó, công ty có kế hoạch gia tăng hiện diện tại trường nội địa, đặc biệt đối với mặt hàng vải sợi nhằm tận dụng các ưu đãi thuế quan về nguồn gốc xuất xứ từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang tham gia.
Duy Quang