Doanh nghiệp dệt may đón 'mưa' đơn hàng

Doanh nghiệp dệt may đón 'mưa' đơn hàng
một ngày trướcBài gốc
Thời điểm này, TNG đã nhận được đơn hàng cho quý II/2025
Khởi sắc ngay từ đầu năm
Trong tháng 1/2025, xuất khẩu dệt may mang về 3,19 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều tín hiệu tích cực cho ngành dệt may ngay từ đầu năm khi sức cầu từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… tăng trở lại. Đơn hàng đặt đến quý II, thậm chí quý III.
Năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đứng thứ hai toàn cầu, vượt qua Bangladesh và đứng sau Trung Quốc, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD. Năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu duy trì đà tăng trưởng 10%, dự báo kim ngạch xuất khẩu đạt 47 - 48 tỷ USD.
Dệt may là một trong những ngành được đánh giá nhạy cảm nhất với chính sách thuế quan tiềm ẩn của Tổng thống Donald Trump, do Mỹ hiện là thị trường chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam và Việt Nam hiện là đối tác xuất khẩu hàng dệt may lớn số 2 của Mỹ. Tuy vậy, theo SSI Research, nhiều khả năng chính sách thuế thông minh sẽ được áp dụng để nhắm vào các mất cân đối thương mại cụ thể. Khả năng Mỹ đưa sản xuất dệt may trở lại trong nước là khá khó khăn và mức thuế ngành dự kiến áp cho Việt Nam (khoảng từ 10 - 20%) sẽ thấp hơn mức áp cho Trung Quốc.
Đơn hàng may mặc của Mỹ đã chuyển dần khỏi Trung Quốc và Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam trở thành các nguồn cung cấp quan trọng cho thị trường này khi Trung Quốc liên tục mất đi lợi thế cạnh tranh về chi phí do chi phí lao động tăng (khoảng 40% trong giai đoạn 2019 - 2023). Chi phí lao động trung bình mỗi giờ của Việt Nam hiện ít hơn một nửa so với Trung Quốc. Trong khi đó, Ấn Độ lại có tỷ lệ sản phẩm may mặc không đạt tiêu chuẩn chất lượng cao nhất trong năm 2023, còn Bangladesh đã phải chuyển gần 40% đơn đặt hàng sang các thị trường khác trong nửa cuối năm 2024 do bất ổn về chính trị.
Việt Nam dự kiến sẽ dẫn đầu về xuất khẩu ngành dệt may trong năm 2025 nhờ lợi thế chi phí, tốc độ ra thị trường và kỹ năng, dù gặp thách thức tiềm ẩn về thuế.
Ngành dệt may bước vào năm 2025 đầy hứng khởi, các doanh nghiệp dệt may đã đón “cơn mưa” đơn hàng ngay từ đầu năm. Nhiều doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến hết quý II.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 (mã chứng khoán M10) cho biết, thời điểm này, Công ty đã nhận được đơn hàng cho quý II/2025. Mặc dù năm nay triển vọng khả quan nhưng trước bối cảnh thị trường còn nhiều biến động, May 10 đặt mục tiêu duy trì đà tăng trưởng như đã đạt được trong năm 2024.
Năm qua, May 10 đạt tổng doanh thu 4.699 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 131,5 tỷ đồng, tăng trưởng 10% về doanh thu và 7% về lợi nhuận so với năm 2023.
Hiện May 10 tiếp tục mở rộng cả thị trường xuất khẩu lẫn nội địa. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Công ty sẽ tập trung khai thác các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Trung Quốc và một số thị trường châu Á khác.
Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã chứng khoán TNG) cho biết, nhiều nhà máy của Công ty đã nhận đơn hàng đến hết quý II/2025. Đại diện TNG thông tin do tính chất sản phẩm và nhu cầu của từng khách hàng đặt hàng theo quý với chu kỳ 3 tháng một hoặc đặt hàng dài hạn. Năm nay, Công ty dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hai chữ số.
TNG có tỷ trọng xuất khẩu cao vào thị trường Mỹ (46%) và châu Âu (38%), đồng nghĩa với việc Công ty có khả năng được hưởng lợi cao từ việc chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc và Bangladesh.
Một doanh nghiệp khác cũng hưởng lợi từ chuyển dịch đơn hàng là Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán MSH) với tỷ trọng xuất khẩu lớn vào thị trường Mỹ (hơn 70%) có thể được hưởng lợi từ việc chuyển dịch đơn hàng. Ngoài ra, động lực tăng trưởng của MSH còn đến từ việc mở rộng công suất lên 25% trong năm 2025.
Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã chứng khoán TCM) đã lấp đầy đơn hàng quý I/2025 và đang tiếp nhận, triển khai đơn hàng quý II/2025. TCM hy vọng, năm 2025, với dự báo tình hình dệt may khả quan, Công ty sẽ xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp nhằm mang lại giá trị gia tăng cho cổ đông, nhà đầu tư. Thị trường xuất khẩu chủ lực của TCM là châu Á (68%), tiếp đến là châu Mỹ (27,4%) và châu Âu (4,2%).
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thông tin, tới thời điểm này, nhiều công ty thành viên của Tập đoàn đã nhận đơn hàng đến hết quý II/2025, thậm chí đến quý III/2025 và đang tiếp tục đàm phán đơn hàng cho cả năm.
Đáp ứng nhu cầu Xuân – Hè, nhiều công ty đã tăng ca để đảm bảo tiến độ sản xuất đơn hàng. Dự kiến từ nay đến hết quý II/2025, ngành may mặc sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi từ cuối năm 2024.
Chi phí vận chuyển, biến số cần lưu ý
SSI Research nhận định, trong năm 2025, các công ty dệt may trong phạm vi nghiên cứu sẽ trở lại mức tăng trưởng CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) trung bình từ 13 - 15% trong giai đoạn 2015 - 2019. Giai đoạn 2019 - 2023, ngành dệt may ghi nhận mức tăng trưởng từ âm đến đi ngang, do nhu cầu toàn cầu sụt giảm đáng kể do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tăng trưởng doanh thu dự kiến sẽ được thúc đẩy nhờ tăng trưởng sản lượng, thay vì nhờ giá bán, khi người tiêu dùng vẫn chú trọng vào giá trị.
Bên cạnh cơ hội gia tăng đơn hàng, doanh thu, các doanh nghiệp dệt may cũng đối mặt với thách thức, trong đó đến từ áp lực cạnh tranh về giá và chi phí vận chuyển.
Theo Eimskip, cước vận tải biển tháng 2/2025 tăng 3% với tuyến châu Á tới Bờ Tây Mỹ và tăng 1% với tuyến châu Á- Bờ Đông Mỹ. Đây là tuyến chính với hàng dệt may Việt Nam.
Các yếu tố chính khiến giá cước tàu biển biến động, theo Eimskip bao gồm:
Thứ nhất, tác động từ chính sách thuế quan. Cụ thể, các chiến lược thương mại mới và quyết định áp thuế bổ sung của Mỹ đối với hàng hóa từ Trung Quốc, Canada và Mexico đã làm gia tăng nhu cầu vận tải, tạo ra sự gia tăng đáng kể về giá cước. Đặc biệt, việc đình chỉ các quy định miễn thuế đối với hàng hóa nhỏ từ Canada và Mexico đã tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ đối với vận tải hàng lẻ (LCL);
Thứ hai, căng thẳng địa chính trị. Tình hình bất ổn tại khu vực Biển Đỏ, đặc biệt là các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào tàu hàng đã khiến các tuyến vận tải từ châu Á sang châu Âu phải thay đổi, làm kéo dài thời gian vận chuyển và gây thêm chi phí;
Thứ ba, khủng hoảng container thiếu hụt. Tình trạng thiếu hụt container vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, đặc biệt là ở các tuyến thương mại quan trọng như châu Á - Mỹ, khiến chi phí vận tải biển tiếp tục ở mức cao.
Theo SSI Research, chi phí vận chuyển biến động tăng ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp (dự kiến chi phí vận chuyển có thể tăng 10 - 15% so với cùng kỳ trong năm 2025). Bên cạnh đó, Việt Nam ít có khả năng đàm phán tăng giá khi các nhà bán lẻ chịu thuế nhập khẩu tăng lên, nên các nhà sản xuất có khả năng giảm giá để chia sẻ gánh nặng chi phí cho các nhà bán lẻ. Trong bối cảnh giá bán không tăng, chi phí vận chuyển tăng sẽ làm giảm biên lợi nhuận. Vì vậy, dù doanh thu các doanh nghiệp dệt may năm 2025 được dự phóng tăng trưởng 15%, song lợi nhuận của ngành được nhận định sẽ đi ngang so với năm 2024.
Hải Minh
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-det-may-don-mua-don-hang-post363481.html