ĐH Kinh tế-Công nghệ Thái Nguyên không công khai: Cần xem xét chất lượng đào tạo

ĐH Kinh tế-Công nghệ Thái Nguyên không công khai: Cần xem xét chất lượng đào tạo
13 giờ trướcBài gốc
Thời gian qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết phản ánh về tình hình thực hiện báo cáo 3 công khai của các trường đại học, học viện, theo quy định của Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Thông tư yêu cầu việc thực hiện công khai của các cơ sở giáo dục phải đảm bảo đầy đủ các nội dung, hình thức và thời điểm công khai vào tháng 6 hàng năm.
Từ ngày 19/07/2024, các cơ sở giáo dục thực hiện theo Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT (thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT) của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Tuy nhiên, thời gian qua, khi phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam truy cập website của Trường Đại học Kinh tế - Công nghệ Thái Nguyên, không tìm thấy báo cáo công khai của năm học 2023 - 2024 hay báo cáo thường niên năm 2024. Nội dung đã được phản ánh trong bài viết "ĐH Kinh tế-Công nghệ Thái Nguyên: Quy mô chính quy chỉ 6 SV, không khai tổng thu"
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc không công khai theo yêu cầu là không thực hiện đúng nhiệm vụ giải trình xã hội của cơ sở đào tạo.
Không tìm thấy báo cáo ba công khai, xã hội làm sao để giám sát?
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định: "Báo cáo ba công khai là theo quy định, vì vậy các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân đều phải thực hiện.
Báo cáo này sẽ cung cấp các dữ liệu như đào tạo bao nhiêu, quy mô thế nào, điều kiện đảm bảo chất lượng của trường ra sao, đặc biệt là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm như thế nào. Những thông tin trên cần công khai để xã hội được biết, giám sát".
Tất cả những thông tin cần công khai, thời gian công khai đều được quy định rất rõ trong Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT. Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục vẫn thiếu trách nhiệm, thực hiện công khai chưa hoàn chỉnh, gây khó cho công tác giám sát xã hội và đánh giá chất lượng nhà trường.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: giaoduc.net.vn
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cũng cho biết thêm, việc không tìm thấy ba công khai trên website trường có thể đến từ yếu tố kỹ thuật hoặc trường cố tình không thực hiện. Nếu trường làm đúng, đủ, đào tạo đạt chất lượng sẽ không ngại kê khai các thông tin này.
Ngoài ra, phụ huynh, học sinh, những người đang quan tâm đến những cơ sở giáo dục đại học như thế cũng cần đặt dấu hỏi bởi lẽ không tìm thấy các thông tin cần thiết. Thí sinh có nguyện vọng vào trường, nhưng lại không thể tìm hiểu được chất lượng trường thì sẽ không có căn cứ để đánh giá và đưa ra quyết định.
"Nếu trường tiếp diễn tình trạng không thực hiện ba công khai hoặc công khai không đầy đủ khiến người dân không thể tìm hiểu về hoạt động đào tạo của trường, cần nâng mức phạt. Hiện tại, quy định về xử phạt liên quan tới hoạt động công khai quy định mức xử phạt từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng. Tôi cho rằng mức này chưa đủ tính răn đe.
Đối với những cơ sở giáo dục đại học liên tục không thực hiện công khai, cần tăng mức phạt theo từng cấp độ. Nếu liên tiếp không thực hiện trách nhiệm giải trình trước xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể dừng hoạt động của trường để chấn chỉnh.
Đồng thời, các cơ quan báo chí cần truyền thông cần sát sao hơn nữa về các hoạt động giáo dục cũng như việc thực hiện công khai của nhà trường. Các cơ quan chức năng cũng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra để đảm bảo cơ sở giáo dục đạt chuẩn chất lượng, nhất là trong bối cảnh quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học như hiện nay", Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.
Còn từ góc độ của chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cũng cho rằng, việc không thực hiện công khai chứng tỏ nhà trường có khuất tất, nhất là khi công luận đã hỏi, nhưng trường vẫn không phản hồi và không đăng tải lại thông tin công khai trên website.
Trường không thực hiện công khai thông tin theo Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT là hành vi vi phạm quy định, thể hiện sự thiếu minh bạch và trách nhiệm. Một trường đại học đạt chuẩn chất lượng trước tiên phải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật. Bởi nếu mọi thứ đều tốt và ổn thỏa thì không lẽ nào nhà trường lại không thực hiện ba công khai.
Đối với những cơ sở giáo dục như vậy, khi phát hiện vi phạm, cần có biện pháp xử lý thật nặng, thậm chí dừng hẳn hoạt động của trường.
"Với người học, họ sẽ nhìn vào những thông tin công khai, nhìn vào phần giới thiệu của nhà trường để quyết định có vào học hay không. Nhưng đôi khi những gì cơ sở giáo dục giới thiệu lại không đầy đủ. Chỉ khi đoàn thanh tra, kiểm tra vào cuộc, kết luận chất lượng đào tạo của trường thấp hay cao, người dân mới biết được thực hư thế nào", vị chuyên gia bộc bạch thêm.
Quy mô đào tạo chính quy chỉ 6 sinh viên, cần xem lại chất lượng đào tạo
Bên cạnh việc không tìm thấy ba công khai năm học 2023 - 2024 của Trường Đại học Kinh tế - Công nghệ Thái Nguyên, các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2024 cũng khiến độc giả băn khoăn. Về quy mô đào tạo, trường liệt kê tổng quy mô đào tạo trình độ đại học tính đến ngày 31/12/2023 là 1.697 người học, trong đó, quy mô đào tạo đại học chính quy là 6, quy mô đào tạo hệ từ xa là 1.691 người học.
Trong quy mô đào tạo đại học chính quy, chỉ có 6 người học ở ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, còn quy mô đào tạo các ngành khác đều là 0.
Bên cạnh đó, theo giới thiệu của nhà trường, Trường Đại học Kinh tế - Công nghệ Thái Nguyên là trường đại học đa ngành, có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, triển khai nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đánh giá về điều này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng: "Trường kê khai quy mô đào tạo sinh viên chính quy chỉ 6 sinh viên, với số lượng ít như vậy, không thể tổ chức lớp học được. Bên cạnh đó, việc trường có số lượng sinh viên đào tạo từ xa nhiều hơn cũng sẽ gây băn khoăn dư luận. Tốt nhất, nên tiến hành kiểm tra, thanh tra lại chất lượng của nhà trường, xem số lượng sinh viên thực tế là bao nhiêu, hoạt động đào tạo diễn ra như thế nào".
Ngoài ra, đánh giá về việc các ngành đào tạo của Trường Đại học Kinh tế - Công nghệ Thái Nguyên tuyển sinh không liên tục, có năm tuyển, có năm lại dừng tuyển, vị chuyên gia cho hay, cơ sở dừng tuyển sinh thường là do không có người học, không đảm bảo điều kiện giảng dạy ngành đó tại cơ sở. Từ đó, trường sẽ càng đẩy mạnh việc đào tạo từ xa.
Chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống. Ảnh: NVCC
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho biết, khi quy mô đào tạo chỉ 6 sinh viên chính quy, cần lập tức kiểm tra, đánh giá lại chất lượng của cơ sở giáo dục này. Nếu thực sự không đạt chuẩn, không đảm bảo quy mô, cần yêu cầu đóng cửa cơ sở. Ngoài ra, vị chuyên gia cũng cho rằng, nhìn vào quy mô đào tạo này, các thí sinh nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định nộp hồ sơ xét tuyển.
Nhìn nhận về vấn đề trên, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cũng chia sẻ: "Việc Trường Đại học Kinh tế - Công nghệ Thái Nguyên kê khai quy mô đào tạo sinh viên chính quy chỉ 6 sinh viên là điều khó hiểu. So với quy mô đào tạo từ xa thì con số này chênh lệch rất lớn. Trước thực tế này, cần xem xét lại chất lượng thực tế của nhà trường, từ đó đưa ra đánh giá trường có thực hiện được theo đúng sứ mệnh đã đề ra hay không".
Vị tiến sĩ nhận định, ba công khai là công cụ quan trọng để đảm bảo sự minh bạch của cơ sở giáo dục, là thước đo về chất lượng đào tạo, thông qua các con số được công khai. Sẽ rất khó đánh giá về chất lượng đào tạo nếu trường không thực hiện ba công khai. Do đó, yêu cầu nhà trường thực hiện đúng, đủ như Thông tư 36 đưa ra, nếu không sẽ cần đến biện pháp mạnh để xử lý.
Minh Ngọc
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/dh-kinh-te-cong-nghe-thai-nguyen-khong-cong-khai-can-xem-xet-chat-luong-dao-tao-post251151.gd