ĐH Ngoại thương đổi mới cách xét tuyển thí sinh dùng chứng chỉ đánh giá năng lực

ĐH Ngoại thương đổi mới cách xét tuyển thí sinh dùng chứng chỉ đánh giá năng lực
2 ngày trướcBài gốc
Ngày 30/3, Trường ĐH Ngoại thương tổ chức “Ngày hội tuyển sinh năm 2025” nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn về ngành nghề đào tạo để lựa chọn phù hợp cũng như có thêm thông tin về các phương thức xét tuyển, tăng cơ hội trúng tuyển đại học.
Bà Phạm Thanh Hà, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ thông tin tuyển sinh 2025 tới thí sinh và phụ huynh quan tâm. Ảnh: Thanh Hùng
Bà Phạm Thanh Hà, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho hay, năm 2025, trường có 15 ngành đào tạo đại học chính quy với 38 chương trình. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 4.180, tăng 50 chỉ tiêu so với năm 2024.
Nhà trường tuyển sinh theo 4 phương thức gồm: Xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT; Xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025; Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT; và phương thức mới Xét tuyển sử dụng chứng chỉ đánh giá năng lực trong nước và quốc tế.
Theo bà Hà, thí sinh dùng chứng chỉ Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội cần lưu ý: Cấu trúc bài thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm nay có thêm một phần tự chọn. Do đó, thí sinh lựa chọn phần 3 (tự chọn) là Khoa học, sau đó chọn 2 lĩnh vực là Vật lý và Hóa học sẽ được xét tuyển vào các chương trình tiêu chuẩn của trường, trừ các chương trình tiêu chuẩn ngôn ngữ thương mại. Nếu lựa chọn phần tự chọn phần 3 là tiếng Anh, thí sinh sẽ được xét tuyển vào tất cả các chương trình tiêu chuẩn, bao gồm các chương trình tiêu chuẩn ngôn ngữ thương mại.
Với thí sinh dùng chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế, năm nay, ngưỡng điểm nhận hồ sơ tăng so năm 2024. Cụ thể, với chứng chỉ SAT, ngưỡng điểm trường nhận hồ sơ tăng từ mức 1260 lên 1380 điểm; Chứng chỉ ACT tăng từ 27 lên 30 điểm.
PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương tham gia tư vấn cho các thí sinh, phụ huynh. Ảnh: Thanh Hùng
Liên quan đến nhóm các chương trình đào tạo được giảng dạy bằng ngôn ngữ nước ngoài (chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến, chương trình định hướng nghề nghiệp), bà Hà cho hay chuẩn đầu ra về ngoại ngữ sẽ cao hơn so chương trình tiêu chuẩn. Với các chương trình này, những năm qua, trường rất chú trọng việc tăng cường số lượng giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy, cho sinh viên đi thực tập ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia ở châu Âu,...
Thanh Hùng
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/dh-ngoai-thuong-doi-moi-cach-xet-tuyen-thi-sinh-dung-chung-chi-danh-gia-nang-luc-2385928.html