ĐHĐCĐ FPTS: Cổ đông chất vấn sự hỗ trợ từ FPT và mục tiêu lợi nhuận đi lùi

ĐHĐCĐ FPTS: Cổ đông chất vấn sự hỗ trợ từ FPT và mục tiêu lợi nhuận đi lùi
một ngày trướcBài gốc
Cổ đông chất vấn việc vay tiền và kế hoạch lợi nhuận năm 2025
Trong phiên thảo luận tại Đại hội, nhiều cổ đông đã đưa ra các câu hỏi cho Ban lãnh đạo FPTS. Ông Nguyễn Điệp Tùng, Tổng giám đốc FPTS đã thay mặt chủ tọa đại hội trả lời các câu hỏi này.
Cuối năm 2024, FPTS có một khoản nợ với Ngân hàng VIB trị giá 650 tỷ đồng. Đến tháng 3 vừa qua, FPTS tiếp tục ra nghị quyết vay thêm VIB một khoản 1.750 tỷ đồng nữa để bổ sung vốn lưu động. Như vậy, công ty có khoản vay với ngân hàng này trị giá 2.400 tỷ đồng. Ban đầu, tôi đầu tư vào FPTS vì tin tưởng công ty có sự hậu thuẫn lớn từ Tập đoàn FPT, nên khi thấy FPTS vay tiền VIB thì tôi có thắc mắc. Trong khi Tập đoàn FPT được coi là vua tiền mặt trên thị trường chứng khoán thì tại sao công ty không làm việc với FPT để vay tiền vì FPT đang có một khoản lớn gửi tiền lãi suất thấp chỉ 0,5%? Trong khi đó kế hoạch lãi năm nay chỉ có 500 tỷ đồng, nếu có được sự hỗ trợ của Tập đoàn FPT thì sẽ cải thiện được khoản lợi nhuận của công ty.
Tổng giám đốc Nguyễn Điệp Tùng: Tôi xin đính chính hạn mức không phải là cộng dồn hai con số lại mà hạn mức mới sẽ là 1.750 tỷ đồng. Về việc vay tiền, FPT và FPTS vẫn là hai pháp nhân riêng, con số mấy nghìn tỷ đồng của FPT trên tài khoản không kỳ hạn không có nghĩa là số tiền này cứ nằm ở đó, con số này tính trên một thời điểm nên không thể đánh giá rằng FPT đang có chừng đó tiền để mang ra cho FPTS dùng.
Mỗi đơn vị cần có kế hoạch kinh doanh riêng, FPTS cũng phải có kế hoạch tài chính chứ không thể luân chuyển dòng tiền dễ dàng như vậy. Nếu như các công ty con chỉ trông đợi vào “bầu sữa” của Tập đoàn mẹ thì công ty con ấy cũng sẽ không tồn tại được.
Tôi đồng ý việc con số trên báo cáo tài chính FPT là tính theo thời điểm, nhưng theo dõi báo cáo lâu năm thì xu hướng dòng tiền lưu ở đó khá ổn định. Không phải chuyện tùy tiện rút tiền từ tập đoàn ra dùng, mà câu chuyện ở đây tôi đề xuất là ban lãnh đạo FPTS có thể sử dụng lợi thế mối quan hệ lâu năm để mang lại lợi ích cao hơn.
Không phải phía FPTS mà cổ đông FPT - những cổ đông khác có thể sẽ yêu cầu FPT buộc dùng tiền của mình để mang lại lợi ích cao nhất cho FPT, chứ không phải là để mang lại lợi ích cho cổ đông FPTS. Luật cũng đã quy định các giao dịch có liên quan như vậy phải được thông qua ở đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh được đánh giá tích cực năm 2025 thì FPTS lại đặt mục tiêu đi lùi về lợi nhuận, nguyên nhân là gì?
Đánh giá thị trường thì không phải ai cũng đánh giá giống nhau, cổ đông có thể đánh giá năm 2025 có nhiều yếu tố tích cực, nhưng chúng tôi cũng đã báo cáo việc đặt kế hoạch như nào đều phải dựa trên đánh giá thị trường. Nếu nói thị trường 2025 có nhiều thuận lợi, nhưng hoạt động của các công ty chứng khoán hiện nay thì zero-free rất lớn nên con số doanh thu môi giới giảm đi rất nhiều. Cổ đông có thể nhìn báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán thì đều có thể nhìn thấy. Đồng thời lãi suất margin cũng được giảm rất lớn nên khó có thể nói tình hình thị trường như vậy là tích cực với các công ty chứng khoán.
Các con số tăng trưởng của các công ty chứng khoán phải dựa trên những con số chính là phí giao dịch, phí margin hoặc là tự doanh. FPTS không nhìn thấy sự tăng trưởng nên chúng tôi đặt kế hoạch tương tự 2024.
Thị trường chứng khoán đang chứng kiến cuộc đua gia tăng về vốn của các doanh nghiệp. FPTS năm ngoái và cả năm nay đều không tiến hành gọi vốn từ cổ đông, vì sao lại vậy? FPTS có kế hoạh huy động vốn trong tương lai không ?
Kế hoạch tăng vốn phải đi cùng kế hoạch sử dụng vốn và sử dụng hiệu quả đồng vốn để mang lại lợi ích cho cổ đông. Nếu cổ đông nghĩ FPTS phải tăng vốn thì vấn đề là tăng vốn để làm gì, có đảm bảo an toàn hiệu quả hay không? Cứ huy động vốn mà không có hiệu quả thì cũng không phải là một phương án tốt nên chúng tôi chưa đưa ra kế hoạch tăng vốn. Việc tăng vốn sẽ dựa trên kế hoạch kinh doanh và sử dụng tăng vốn hiệu quả chứ không phải nhìn thị trường tăng vốn thì FPTS cũng thực hiện theo.
Công ty không có chủ trương tăng vốn, nhưng cuộc cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán hiện rất khốc liệt, FPTS có định hướng gì, dư địa nào để tăng trưởng thêm?
Cạnh trạnh trên thị trường đúng là rất khốc liệt, FPTS cũng phải có những gì để đảm bảo hoạt động và giữ được vị trí của mình. Cho đến ngày hôm nay, công ty đã đưa ra ứng dụng mới, đây cũng là nỗ lực trong 8 tháng vừa qua và công ty sẽ tiếp tục thực hiện những hoạt động tương tự như việc đưa ra đối sách để ứng phó với zero-free, để làm sao vẫn giữ được khách hàng và thị phần của mình.
Tình hình chạy thử hệ thống KRX thế nào?
Hiện tại, các công ty chứng khoán và các sở giao dịch đang tích cực cuẩn bị cho hệ thống ra thị trường, FPTS có thế mạnh về công nghệ nên tình hình chạy thử tại công ty hoàn toàn khả quan. FPT luôn sẵn sàng và sẽ là một trong những đơn vị đầu tiên kết nối thuận lợi với hệ thống KRX.
Nhìn lại thì Tập đoàn FPT không phải là tập đoàn mẹ của FPTS và tỷ lệ nắm giữ chỉ khoảng 17%, tức là FPTS còn không phải là công ty liên kết, vậy tập đoàn này có hỗ trợ gì cho FPTS không?
Quan điểm của chúng tôi là FPTS phải tự lo được khả năng cạnh tranh của mình, nôi lực của mình. Chúng tôi không trông đợi vào sự hỗ trợ của tập đoàn mẹ hay cổ đông lớn vì phụ thuộc thì khó có thể tồn tại lâu dài trên thị trường. Việc hợp tác trước tiên phải win - win, cả hai bên cùng có lợi. Chỉ khi FPT sở hữu 100% FPTS thì sự hỗ trợ của FPT mới mang lại lợi ích cho cổ đông của FPT.
Thông qua kế hoạch lợi nhuận 500 tỷ năm 2025
Kết thúc đại hội, các tờ trình đều được cổ đông FPTS nhất trí thông qua.
Như vậy, kế hoạch năm 2025 đạt 1.000 tỷ đồng doanh thu, giảm 0,6% so với năm 2024 và Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 500 tỷ đồng, giảm 2,47% so với năm trước đã được thông qua.
Cổ đông cũng đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2024. Cụ thể, kế hoạch trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 5%, thực hiện dự kiến trong quý II/2025. Phương án phát hành gần 30,6 triệu cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 10:1 (1 cổ phần cũ được nhận thêm 1 cổ phần mới) cũng được nhất trí.
Một nội dung khác là FPTS sẽ phát hành gần 10 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty (ESOP). Tỷ lệ phát hành là 2,9682% với giá phát hành bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng, trong đó, 50% số cổ phiếu này sẽ được tự do chuyển nhượng sau 1 năm và số còn lại là sau 2 năm.
Kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng và ESOP dự kiến thực hiện trong quý II và III/2025, sau khi nhận được văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc nhận đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành.
Thủy Triều
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/dhdcd-fpts-co-dong-chat-van-su-ho-tro-tu-fpt-va-muc-tieu-loi-nhuan-di-lui-d261286.html