ĐHĐCĐ TPBank: Tín dụng đã tăng 4,5%, dư nợ cho vay khách hàng có hoạt động XNK vào thị trường Mỹ chỉ 10.800 tỷ

ĐHĐCĐ TPBank: Tín dụng đã tăng 4,5%, dư nợ cho vay khách hàng có hoạt động XNK vào thị trường Mỹ chỉ 10.800 tỷ
5 giờ trướcBài gốc
Toàn cảnh ĐHĐCĐ TPBank 2025. Ảnh: TPBank
Kết quả kinh doanh quý I tích cực, tăng trưởng tín dụng đến thời điểm hiện tại đã đạt 4,5%
Một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 của TPBank là kết quả kinh doanh quý I, mục tiêu kinh doanh năm nay cũng như động lực tăng trưởng tín dụng.
Trả lời cổ đông, ban lãnh đạo ngân hàng thông tin lợi nhuận trước thuế quý I ghi nhận đạt hơn 2.100 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành khoảng 23% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tổng huy động vốn quý I đạt 337.800 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.
Chia sẻ tại Đại hội, Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng nhận định mức tăng trưởng lợi nhuận quý I đạt 15% so với cùng kỳ là con số khá lạc quan khi quý I thường được mệnh danh là ‘mùa trũng’ của các ngân hàng do tâm lý khách hàng phần đông không đi vay trong quý này. Cùng đó, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng quý I đạt 3,75% là cao hơn mức trung bình ngành (2,5%; tính đến ngày 25/3), thể hiện hoạt động kinh doanh của ngân hàng đã có những bước khởi sắc ngay từ đầu năm, cũng như tạo thuận lợi cho tăng trưởng tín dụng các quý tiếp theo của cả năm.
“Đến thời điểm gần nhất mới đây, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã đạt 4,5%. Dòng vốn chủ yếu hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, bên cạnh đó là cho vay tiêu dùng của cá nhân như mua nhà, mua xe…
Các dự án lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, hiện vẫn chưa có sự rõ ràng về triển khai phát triển, vì vậy ngân hàng vẫn duy trì sự thận trọng trong việc cho vay. Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng tại TPBank vẫn đang đi theo đúng định hướng và đảm bảo an toàn theo đúng chiến lược chung của ngân hàng là tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng”, ông Hưng cho hay.
Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng phát biểu tại Đại hội. Ảnh: TPBank
Thuế đối ứng của Mỹ ảnh hưởng không lớn đến ngân hàng
Về tác động của biến động thuế quan với hoạt động kinh doanh các đối tượng khách hàng của ngân hàng, trước hết là doanh nghiệp xuất khẩu, TGĐ Nguyễn Hưng thông tin rằng chỉ có khoảng 10.800 tỷ đồng trong tổng danh mục dư nợ của TPBank là các khách hàng có hoạt động xuất nhập khẩu liên quan đến thị trường Mỹ.
“Thực tế với phần lớn các khách hàng đó, doanh số xuất khẩu sang thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 20% tổng doanh thu. Vậy nên ảnh hưởng về thuế đối ứng đến các khách hàng này nhìn chung không lớn. Vừa rồi chúng tôi cũng đã rà soát lại toàn bộ các khách hàng như vậy, đồng thời cũng đưa ra các chỉ tiêu để xem xét cẩn trọng các khoản tín dụng cấp mới liên quan đến hoạt động xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt là các mặt hàng như nông sản”, ông Hưng chia sẻ.
Cũng theo đại diện TPBank, Mỹ là thị trường đặc thù và việc xuất khẩu vào thị trường này là khó khăn ngay cả trong điều kiện bình thường. Khi mức thuế suất tăng cao, việc doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận từ xuất khẩu sang Mỹ càng trở nên khó khăn hơn. “Bởi vì biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu cũng chỉ khoảng trên dưới 10%, chỉ cần mức thuế cao hơn 10% là hoạt động kinh doanh đã không có hiệu quả”. Và trong trường hợp như vậy, khách hàng khó có thể tiếp tục triển khai kinh doanh tại thị trường này.
“Dù mức độ ảnh hưởng như tôi đã nói là không lớn, chúng tôi vẫn luôn luôn đồng hành cùng với khách hàng”, ông Hưng nói thêm.
Về phân khúc các khách hàng FDI, đại diện TPBank cho hay các doanh nghiệp này chủ yếu sử dụng dịch vụ thanh toán như LC và một số dịch vụ của ngân hàng, chứ không vay vốn tín dụng vì tính chất của doanh nghiệp FDI ít vay vốn của các ngân hàng Việt Nam. Vậy nên tác động từ thuế quan đến các đối tượng khách hàng này sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến ngân hàng, và trong trường hợp có ảnh hưởng thì cũng chỉ số ít doanh nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long mà thôi.
“Chúng tôi đang theo dõi sát sao để hỗ trợ khách hàng nếu họ thực sự có khó khăn, cả về việc cơ cấu lại sản xuất, xuất khẩu, chuyển đổi thị trường…”, đại diện ngân hàng khẳng định.
Chia sẻ thêm về tác động của tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các căng thẳng thương mại hay xung đột địa chính trị đến hoạt động của ngân hàng, Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú nhận định việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối ứng với hàng trăm đối tác thương mại trên toàn cầu là điều bất ngờ. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm nay và tăng trưởng GDP đạt hai chữ số cho các năm tiếp theo.
“Là một trong 14 tổ chức tín dụng có tầm quan trọng trong hệ thống theo Quyết định 538 của NHNN năm 2024, chúng tôi cũng duy trì quyết tâm của ngân hàng trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra để đóng góp vào mục tiêu chung của Chính phủ. Vậy nên đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa có điều chỉnh gì về kế hoạch kinh doanh”, Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú khẳng định.
Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú. Ảnh: TPBank
Về biện pháp để phấn đấu đạt các mục tiêu kinh doanh đã đề ra cho năm 2025, Chủ tịch TPBank cho hay tâm thế chung là sẵn sàng đối phó. Ảnh hưởng trực tiếp tuy không lớn, bởi nếu tính các khách hàng là doanh nghiệp xuất khẩu liên quan đến thị trường Mỹ thì dư nợ tín dụng chỉ khoảng 10.000 tỷ, trong khi tổng dư nợ cho vay khách hàng của TPBank tại thời điểm kết thúc năm 2024 là hơn 251.000 tỷ. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ sẵn sàng các kịch bản ứng phó với các tác động gián tiếp.
Thứ nhất là kiểm soát nợ xấu. Ông Phú đánh giá khả năng nợ xấu sẽ tăng cao khi nguồn thu xuất khẩu của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dẫn đến những hệ lụy cho chuỗi cung ứng như các nhà cung cấp nguyên liệu… Do đó, việc kiểm soát nợ xấu là yếu tố vô cùng quan trọng với TPBank.
Thứ hai là việc chia sẻ lợi nhuận của ngân hàng để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. “Nếu quả thật thị trường Mỹ khó khăn và doanh nghiệp không thể xuất khẩu sang Mỹ thì còn có những thị trường khác. Nhưng ảnh hưởng là đương nhiên, nên tinh thần của ban lãnh đạo ngân hàng là sẽ hỗ trợ khách hàng gặp bị ảnh hưởng.
Chúng tôi đã có kịch bản sẵn sàng chia sẻ phần lợi nhuận của ngân hàng. Và trong trường hợp đó, kế hoạch lợi nhuận 9.000 tỷ có thể không hẳn đạt được nhưng chắc chắn cổ đông cũng hoàn toàn đồng ý chúng tôi là sẵn sàng chấp nhận giảm lợi nhuận để hỗ trợ cho các doanh nghiệp”, vị lãnh đạo ngân hàng cho hay.
Thứ ba là tối ưu chi phí để ứng phó trước những biến động bất thường. “Những khoản đầu tư nào mà chúng ta thấy rằng có thể đầu tư trong tương lai thì chúng ta sẽ không đầu tư vào thời điểm này để bảo đảm nguồn vốn, hỗ trợ cho khách hàng”.
Cuối cùng, Chủ tịch TPBank nhìn nhận một khi nền kinh tế có những biến động bất thường thì sẽ tác động đến nhu cầu trú ẩn của người dân. Do đó, ngân hàng cũng cần sẵn sàng cho các kịch bản huy động vốn, với mức lãi suất huy động phù hợp và bảo đảm sử dụng nguồn vốn hiệu quả.
“Mục tiêu cao nhất của ban lãnh đạo là bảo đảm an toàn cho hệ thống của ngân hàng. Tức là trong bối cảnh khó khăn, chúng ta sẽ đặt mục tiêu an toàn lên trên mục tiêu lợi nhuận. Không thể chọn tăng trưởng nhanh quá, nếu lợi nhuận đó đi kèm với rủi ro cao", ông Đỗ Minh Phú nhấn mạnh.
Thùy Dung
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/dhdcd-tpbank-du-no-cho-vay-khach-hang-co-hoat-dong-xuat-khau-lien-quan-den-thi-truong-my-chi-10800-ty.html