Đầu tư 830 tỷ đồng cho mở rộng sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh
Trước những thay đổi bất lợi từ thị trường quốc tế, đặc biệt là việc Hoa Kỳ áp dụng thuế đối ứng lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, Vĩnh Hoàn đã xây dựng hai phương án kinh doanh cho năm 2025.
Ở kịch bản cơ bản, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu đạt 10.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.000 tỷ đồng. So với kết quả thực hiện năm 2024, các con số này lần lượt giảm 13% và 18%.
Trong khi đó, kịch bản tích cực – tức phương án cao – đề ra doanh thu 12.350 tỷ đồng (giảm nhẹ 1,3%) và lợi nhuận ròng đạt 1.300 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước.
Ở kịch bản cơ bản, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu đạt 10.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.000 tỷ đồng.
Trước đó, kế hoạch kinh doanh được công bố ban đầu tham vọng hơn, với doanh thu dự kiến lên tới 13.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.500 tỷ đồng. Như vậy, sau điều chỉnh, lợi nhuận ở phương án cơ bản thấp hơn 500 tỷ đồng, còn phương án cao giảm 200 tỷ đồng so với kế hoạch cũ.
Năm 2025, Vĩnh Hoàn dự kiến dành tổng cộng 830 tỷ đồng cho các hoạt động đầu tư, tập trung vào nâng cấp nhà máy, mở rộng vùng nuôi và đa dạng hóa sản phẩm.
Một số hạng mục đáng chú ý bao gồm: mở rộng và nâng cấp dây chuyền sản xuất Collagen tại công ty thành viên Vĩnh Hoàn Collagen; đầu tư vào nhà máy chế biến trái cây Thành Ngọc; xây dựng kho mới cho nhà máy thức ăn thủy sản Feedone; tăng công suất tại nhà máy Sa Giang; và triển khai cải tạo các nhà máy Vĩnh Phước, Thanh Bình cùng mở rộng vùng nuôi hiện hữu.
Song song đó, công ty cũng tiếp tục duy trì chính sách cổ tức ổn định với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt cho năm 2024 – phần lớn đã được tạm ứng vào cuối năm ngoái. Kế hoạch năm 2025 cũng duy trì mức chi trả cổ tức tương tự.
Ứng phó linh hoạt với biến động từ thị trường Hoa Kỳ
Trả lời cổ đông tại đại hội, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm – Tổng Giám đốc Vĩnh Hoàn – đánh giá việc Hoa Kỳ dự kiến áp thuế đối ứng lên sản phẩm Việt Nam là một cú sốc lớn, nhất là khi Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của công ty. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh tinh thần chủ động và thận trọng của Vĩnh Hoàn trong việc cập nhật kịch bản kinh doanh, đảm bảo các con số đưa ra là mức thấp nhất có thể để không tạo tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư.
“Công ty đã nhanh chóng đánh giá tác động từ mức thuế mới và đưa vào tài liệu họp đại hội để đảm bảo tính minh bạch. Chúng tôi đặt mục tiêu vượt các kịch bản cơ bản, nhờ vào năng lực xuất khẩu trong thời gian tạm hoãn thuế 90 ngày,” bà Tâm cho biết.
Cũng theo bà, báo cáo tài chính quý I/2025 sẽ được công bố trong thời gian tới với những tín hiệu khả quan, cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Hiện tại, các thị trường ngoài Hoa Kỳ chưa ghi nhận ảnh hưởng tiêu cực nào từ các chính sách thuế mới.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đối mặt với một số thách thức nội tại, bao gồm chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao và việc cá tra chưa đạt kích cỡ lý tưởng cho xuất khẩu.
Giữ vững niềm tin với sản phẩm chủ lực và mở rộng sang cá rô phi
Bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch Hội đồng quản trị – khẳng định mức thuế nhập khẩu, dù ở bất kỳ ngưỡng nào từ 10% đến 46%, vẫn là chi phí do nhà nhập khẩu Hoa Kỳ chịu. Theo bà, cá tra Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh lớn do nguồn cung ổn định, chất lượng đồng đều và ít đối thủ thay thế.
“Mức thuế cao có thể làm giảm sức mua trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, người tiêu dùng và nhà nhập khẩu sẽ có thời gian điều chỉnh để duy trì thị trường. Chúng tôi không bi quan và vẫn tin rằng sản phẩm cá tra sẽ giữ được vị thế,” bà Khanh chia sẻ.
Về dài hạn, Vĩnh Hoàn đang mở rộng đầu tư sang nuôi và phát triển sản phẩm từ cá rô phi – một mặt hàng có tiềm năng lớn nhưng cũng gặp nhiều cạnh tranh từ các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Brazil hay Ai Cập.
“Chúng tôi nhận thấy thời điểm hiện tại là cơ hội chín muồi để xây dựng chuỗi cung ứng cho cá rô phi. Dù thị trường cạnh tranh khốc liệt, Việt Nam vẫn có lợi thế nếu xác định đúng con đường và điểm mạnh riêng,” Chủ tịch Vĩnh Hoàn khẳng định.
Ngoài xuất khẩu, Vĩnh Hoàn cũng đang chú trọng hơn đến thị trường nội địa. CEO Nguyễn Ngô Vi Tâm cho biết dòng sản phẩm bánh gạo của Sa Giang – một công ty thành viên – hiện có tốc độ tăng trưởng cao hơn cả sản phẩm truyền thống như phồng tôm. Công ty đã bắt đầu mở rộng phân phối thông qua cả kênh thương mại điện tử và hệ thống siêu thị trong nước.
N.Hà