Đi bộ tốt hơn hay chạy tốt hơn?

Đi bộ tốt hơn hay chạy tốt hơn?
2 giờ trướcBài gốc
Đi bộ tốt hơn hay chạy tốt hơn?
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời PGS.TS.BS Nguyễn Thị Kim Liên - Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, chạy bộ hay đi bộ đều là những môn thể thao tốt cho sức khỏe và rất dễ để tập luyện. Tuy nhiên, so với đi bộ, việc chạy bộ có thể mang đến những lợi ích như:
- Giúp cơ thể đốt cháy nhiều calo hơn
- Hỗ trợ việc giảm cân tốt hơn
- Chạy bộ 50 phút mỗi tuần giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, sức khỏe tinh thần.
- Đặc biệt với người cao tuổi, việc chạy bộ được xem là lựa chọn tốt để duy trì việc tập luyện.
Ngoài ra, chạy bộ còn mang đến những lợi ích khác như:
- Giảm nguy cơ mắc tiểu đường do giúp giảm tình trạng kháng insulin (tăng độ nhạy insulin)
- Cải thiện mật độ xương
- Cải thiện tình trạng cholesterol trong máu (mỡ máu)
- Hạn chế nguy cơ tử vong do mắc bệnh lý tim mạch cũng như các nguyên nhân khác
- Giảm nguy cơ mắc ung thư
- Kháng viêm
- Về mặt tinh thần, chạy bộ giúp giảm tình trạng lo lắng, cải thiện tâm trạng và giảm nguy cơ mắc trầm cảm.
Đi bộ tốt hơn hay chạy tốt hơn?
Chạy bộ thế nào cho đúng?
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời BS Nguyễn Trọng Thủy cho biết, chạy bộ với người mới bắt đầu cần đặc biệt lưu ý về tốc độ chạy. Bạn nên bắt đầu với tốc độ chậm và tăng dần tốc độ theo thời gian. Việc chạy nhanh ngay từ khi bắt đầu sẽ khiến người tập nhanh mệt mỏi và chạy chậm hơn.
Một kỹ thuật có thể giúp ích cho người mới bắt đầu chạy bộ là chạy - đi bộ xen kẽ. Để thực hiện được điều đó, hãy chọn tốc độ chạy vừa phải (có thể nói chuyện khi đang chạy) trong một khoảng thời gian nhất định: Bắt đầu chạy 1 phút, sau đó đi bộ 1 phút và lặp lại quá trình này.
Bằng cách chạy - đi bộ, cơ thể sẽ có thể làm quen với chuyển động chạy mà không nhanh bị mệt mỏi. Khi những lần chạy dễ dàng hơn, có thể tăng dần số phút chạy.
Lợi ích của việc đi bộ
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BS. Đinh Văn Chỉnh cho biết, dưới đây là những lợi ích nổi bật của việc đi bộ:
Giảm đau nhức xương khớp
Nhiều người nghĩ rằng người mắc bệnh về xương khớp thì không nên đi bộ. Thế nhưng một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa American Journal of Preventive Medicine cho biết, người bị đau khớp nếu kiên trì đi bộ 10 phút mỗi ngày thì sẽ ngăn ngừa được tình trạng khuyết tật trong 4 năm sau.
Cải thiện hệ tiêu hóa
Một lợi ích khác của đi bộ là cải thiện hệ tiêu hóa, cụ thể là kích thích các chuyển động trong ruột. Nhờ đó, thức ăn được tiêu hóa tốt hơn, tăng cường hấp thu dưỡng chất trong cơ thể. Ngoài ra, đi bộ hay vận động nhẹ nhàng còn ngăn ngừa được tình trạng táo bón, nhất là với những người làm việc văn phòng hay ngồi nhiều.
Khắc phục chứng mất ngủ
Các hoạt động thể chất nói chung và đi bộ nói riêng giúp điều hòa giấc ngủ. Đặc biệt, nếu bạn đi bộ vào buổi tối, sau 19 giờ thì sẽ khắc phục được tình trạng khó ngủ, thiếu ngủ, mất ngủ. Nhưng lưu ý là không nên đi bộ gần sát giờ đi ngủ để tránh làm thân nhiệt tăng, dẫn đến khó ngủ.
Giảm căng thẳng, lo âu
Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy những người thường xuyên vận động sẽ ít bị căng thẳng, lo âu hơn những người ít vận động, lười vận động. Nếu bạn đi bộ nhiều hơn vào buổi tối thì cơ thể sẽ có sự điều chỉnh phản ứng e đối với căng thẳng, qua đó làm thuyên giảm các cảm xúc tiêu cực, giúp tinh thần được thư giãn và vui vẻ hơn.
Tăng cường trí tuệ, nhận thức
Nghiên cứu trên Tạp chí Journal of Experimental Psychology cho biết đi bộ giúp tăng cường hoạt động của não bộ, khơi gợi sự sáng tạo cũng như giúp bạn có được những quyết định sáng suốt. Đó là lý do khi cảm thấy bế tắc hay khó khăn trong việc giải quyết một vấn đề nào đó, bạn hãy tạm ngưng suy nghĩ và đứng lên đi bộ.
Ngoài ra, đi bộ còn giúp tăng cường khả năng nhận thức ở trẻ em trong giai đoạn phát triển và trưởng thành cũng như ở người già đang có sự suy thoái ở các tế bào thần kinh.
Tóm lại, dù là chạy bộ hay đi bộ, bạn cũng nên lắng nghe cơ thể để xem bản thân mình phù hợp với bộ môn nào, cường độ ra sao. Với những người cao tuổi hoặc người có các bệnh lý mạn tính cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn để có lựa chọn tập luyện phù hợp, hạn chế việc xảy ra các chấn thương.
Thanh Thanh (Tổng hợp)
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/di-bo-tot-hon-hay-chay-tot-hon-ar902466.html