Mới đây, đại diện Vườn Quốc gia Vũ Quang (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận một cá thể trăn gấm dài hơn 1,5m do người dân giao nộp.
Thông tin ban đầu khoảng đêm 4/5, anh Phạm Đình Cương (SN 1992, trú dân phố 4, thị trấn Vũ Quang) phát hiện một con trăn gấm đang chui vào trang trại nuôi gà của gia đình để săn mồi.
Phát hiện sự việc, anh Cương cùng một người dân đã bắt nhốt con vật này. Qua kiểm tra, phát hiện con trăn đã nuốt chửng 10 con gà của gia đình.
Người dân bắt được con trăn gấm dài hơn 1,5m.
Sau khi bắt nhốt, gia đình đã liên hệ với Vườn Quốc gia Vũ Quang để bàn giao, chăm sóc trước khi trả về môi trường tự nhiên.
Trăn gấm hay còn gọi là trăn vua hoặc trăn mắt lưới châu Á, có tên khoa học Python reticulatus. Loài này sống ở vùng Đông Nam Á. Đây là loài động vật hoang dã quý hiếm thuộc nhóm IIB trong Sách Đỏ Việt Nam, cần được bảo vệ.
Trăn gấm có đầu dài, nhỏ, màu vàng nhạt hay nâu, có một vệt xám đen mảnh chạy dọc chính giữa từ mõm tới gáy nối liền với vết trên lưng. Một vệt đen khác từ sau mắt chạy xiên xuống góc mép. Trên thân và đuôi có các đường xám đen nối với nhau tạo thành dạng mắt dưới nổi trên nền màu vàng nâu. Bụng vàng nhạt đôi khi đốm sáng nhạt. Chiều dài cơ thể có lên đến 9,75 mét (32,0 ft),dài hơn chút so với trăn khổng lồ anaconda (loài trăn lớn nhất thế giới về trọng lượng).
Trên thực tế, trăn gấm là thành viên thuộc phân họ rắn dài nhất thế giới, trong lich sử người ta đã nhìn thấy những con có chiều dài lên đến 10,75 mét, nhưng chưa được xác nhận, và cũng là loài bò sát dài nhất thế giới tuy nhiên cơ thể chúng lại khá thon, không mập mạp như nhiều loài trăn khác. Chúng có thể nặng 282,5 kg, cân nặng chỉ khiêm tốn hơn so với trăn anaconda.
Giống như các loại trăn khác, trăn gấm không có nọc độc và vì vậy chúng giết con mồi bằng cách dùng thân quấn quanh con vật và siết nó cho đến chết. Mặc dù loài trăn gấm đủ khỏe để giết người, chúng không được xem là loài động vật nguy hiểm cho con người và trường hợp người bị chúng tấn công rất ít khi xảy ra. Là loài động vật bơi lội giỏi, trăn gấm có thể di cư đến sinh sống ở những hòn đảo nhỏ nằm gần bờ.
Trúc Chi (t/h)