Di dời dứt điểm Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế sau hơn 40 năm 'sống nhờ' di tích Quốc Tử Giám

Di dời dứt điểm Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế sau hơn 40 năm 'sống nhờ' di tích Quốc Tử Giám
2 giờ trướcBài gốc
VIDEO: Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế di dời về cơ sở mới.
Tháng 5/2020, Bảo tàng Lịch sử tỉnh TT-Huế (Bảo tàng) đã có đợt di dời đầu tiên đối với các hiện vật xe tăng, máy bay thời chiến tranh từng được trưng bày hàng chục năm tại di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn (số 1 đường 23/8, phường Đông Ba). Các hiện vật xe tăng, máy bay, súng pháo đã được di chuyển về địa điểm trưng bày mới tại 268 Điện Biên Phủ (phường Trường An, TP. Huế). Ảnh: T.L
Sau đợt di dời đầu tiên, tại Bảo tàng thuộc khuôn viên di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn vẫn còn hàng nghìn hiện vật chưa được chuyển đến cơ sở mới.
Đến ngày 1/11, Bảo tàng tổ chức đợt di dời tiếp theo, mang tính dứt điểm đối với những hiện vật còn lại, trong đó có các hiện vật quý hiếm, bảo vật quốc gia. Thống kê đến ngày 31/12/2023, Bảo tàng lưu giữ, bảo quản 32.107 hiện vật.
Trước đó, Bảo tàng đã tổ chức đóng gói cẩn thận, tỉ mỉ hàng nghìn hiện vật phục vụ công tác di dời.
Bảo vật quốc gia bộ chóp tháp Chăm pa núi Linh Thái (huyện Phú Lộc, TT-Huế) được lưu giữ tại Bảo tàng.
Hiện vật mỏ neo "khủng" đã được đóng gói, chờ di chuyển.
Hiện vật sơn pháo sắp được di dời.
Theo ông Nguyễn Đức Lộc - Giám đốc Bảo tàng - để đảm bảo tính khoa học và tuân thủ nguyên tắc của bảo tàng học, đơn vị đã mời chuyên gia từ Hà Nội vào tập huấn cho toàn thể đội ngũ viên chức, người lao động về sử dụng vật liệu, thiết bị bổ trợ và quy trình đóng gói.
Trong ngày 1/11, các phương tiện vận tải tập trung trước Di Luân đường (khuôn viên di tích Quốc Tử Giám) để lần lượt di chuyển các hiện vật về cơ sở mới của bảo tàng.
Cùng với đó, bộ phận chuyên môn của bảo tàng tiến hành tháo dỡ các khẩu thần công trưng bày tại cơ sở cũ để di chuyển đến nơi mới.
Theo đại diện bảo tàng, sau khi rời Di Luân đường, do cơ sở mới bị hạn chế về diện tích và không gian trưng bày, đơn vị tập trung hướng hoạt động về cơ sở, với các chương trình nghiên cứu sưu tầm, các hoạt động trưng bày triển lãm kết hợp tuyên truyền giáo dục lịch sử và văn hóa Huế, ứng dụng công nghệ thông tin trong trưng bày, giới thiệu hiện vật…
Tại cơ sở mới, bảo tàng tổ chức trưng bày hiện vật mang tính chọn lọc, tập trung giới thiệu hiện vật mang giá trị đặc biệt, vật thể khối nặng có hệ thống bảo vệ bên ngoài. Bảo tàng cũng sẽ nghiên cứu, sắp xếp trưng bày chuyên đề kho mở để phục du khách tham quan, tìm hiểu nhằm tránh lãng phí về phát huy giá trị các hiện vật khi phải cất kho do hạn chế không gian cơ sở vật chất. Ảnh: T.L
Sau khi hoàn thành di dời, di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn được bảo tàng bàn giao về cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế quản lý, tôn tạo, phát huy giá trị.
Ngọc Văn
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/di-doi-dut-diem-bao-tang-lich-su-thua-thien-hue-sau-hon-40-nam-song-nho-di-tich-quoc-tu-giam-post1687575.tpo