Đi học nơi đỉnh trời

Đi học nơi đỉnh trời
3 giờ trướcBài gốc
“Sinh viên” tuổi lên 5
Ông Lưu Huyền Thoại – Chủ tịch UBND xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) nói rằng, thành quả trong 20 năm xây dựng đã bị xóa sạch khi cơn bão vào cuối năm 2020 đổ xuống. Mọi con đường bê tông, thảm nhựa chỉ còn lại đống đất đá ngổn ngang. Trời nắng thì còn đi lại được, nhưng chỉ cần mưa xuống, mọi con đường trở nên nhão nhoẹt. Phía trên, những ngọn núi có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Con đường đến trường của các em học sinh vì thế, trở nên dài hơn…
Trường Tiểu học và THCS Phước Lộc nằm chênh vênh trên ngọn đồi. Nơi đây thường xuyên xảy ra lở núi, chia cắt tuyến đường giao thông
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc nằm chênh vênh trên đỉnh đồi, ngay cạnh trụ sở của UBND xã. Trường là nơi học tập của 185 học sinh các cấp từ lớp 1 đến lớp 9 của 6 thôn trong xã. Khó khăn, của một xã vùng cao vốn đã nhiều, nay đối với Phước Lộc lại càng thêm chồng chất. “Trước đây, khi đường chưa bị phá nát như bây giờ, các em vẫn học theo hình thức bán trú: Sáng đi chiều về. Nhưng từ khi núi ầm ào đổ xuống, mọi con đường bị cuốn phăng. Trong 4 năm cố gắng khắc phục, sửa chữa của chính quyền địa phương cũng chỉ hình thành được con đường đi tạm với đầy bùn đất, sỏi đá. Quãng đường từ nhà đến trường của các em vốn đã xa, lại thêm xa”, thầy giáo Trần Đình Ngộ - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc phân trần.
Hàng ngày, nhìn học trò mình lấm lem bùn đất tới lớp, cuối ngày lại tất tưởi vượt quãng đường lầy lội về nhà, những thầy cô giáo nơi đây đã vận động phụ huynh để các em học sinh chuyển từ hình thức bán trú sang nội trú, nghĩa là ở lại trường từ đầu tuần đến cuối tuần mới về nhà. “Như thế, các em sẽ an toàn, được chăm sóc tốt hơn thay vì hàng ngày lội bộ hơn 10 km, vừa không an toàn vừa vất vả”, thầy Ngộ nói.
Những “sinh viên” 5 tuổi phải tự lập hoàn toàn trong mọi sinh hoạt, ăn uống
Cũng chính vì thế, những đứa trẻ mới chớm bước qua 5 tuổi đã phải một mình xa nhà, tự lập. Chừng đó tuổi, trong khi những đứa trẻ khác vẫn còn người chăm bẵm, đút từng thìa cơm, chải từng lọn tóc thì với những đứa trẻ miền sơn cước này đều tự mình làm những việc đó. Từ giặt giũ áo quần, tự đánh răng trước khi ngủ… đều phải tự mình làm, có chăng, là có sự đồng hành cổ vũ của những thầy cô nơi đây.
Ở phía bên kia núi, những “sinh viên” 5 tuổi của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trà Nam (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đỡ tủi thân hơn một chút, là có được sự đồng hành của phụ huynh của các em. “Nói là phụ huynh nhưng thực ra đa số là bà của các em. Vì những người này đã lớn tuổi rồi, có ở nhà cũng không lao động được nên chúng tôi đã vận động gia đình để họ luân phiên đến trường, phụ giúp nấu ăn cho các em học sinh, tiện thể chăm sóc con em mình”, thầy giáo Võ Đăng Chín, Hiệu trưởng trường cho hay.
Theo đó, mỗi tháng có 10 phụ huynh của những em học sinh đang học ở trường sẽ ở lại từ thứ 2 đến thứ 6 để cùng phụ giúp những việc lặt vặt, nấu nướng cho các em học sinh. Cứ thế, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo cùng với nhà trường.
Những phụ huynh cùng ở với nhà trường để phụ giúp nấu ăn, chăm sóc con em mình ở Trường Tiểu học và THCS Trà Nam
Chúng tôi đến trường khi những đứa trẻ kéo nhau xuống nhà ăn ăn bữa cơm trưa. Có lẽ, vì sống xa nhà, những đứa trẻ đã tự tập tính tự lập cho mình. Thức ăn dọn lên, tô cơm trắng được chia đều “đầu người”. Thức ăn vơi dần, nhưng tuyệt không có chuyện tranh giành, mà ở đó là sự nhường nhịn. Sự ưu tiên, được dành cho những em nhỏ. Vì là từ lớp 1 đến lớp 9, nên có nhiều em là anh em trong cùng một nhà. Sự sẻ chia, có lẽ cũng từ trong khốn khó.
Bữa cơm 8.000 đồng
Cô giáo Đinh Thị Tươi – Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Phước Lộc (huyện Phước Sơn) cho biết, mỗi tháng những em học sinh ở đây được hưởng hỗ trợ từ chế độ của Nhà nước (tiền ăn bán trú) chừng hơn 500.000 đồng/ tháng. Từ đó, các thầy cô giáo cân đối lại chế độ dinh dưỡng để phù hợp hơn với chế độ chuyển từ bán trú thành nội trú. “Nói thì nghe dễ, nhưng khó khăn là không thể bàn cãi. Bởi chuyển từ ngày ăn 1 bữa cơm thành 3 bữa chênh nhau ghê lắm. Nhưng không làm điều này thì các em lại càng vất vả hơn. Vậy nên, tranh thủ được nguồn hỗ trợ nào của các đoàn từ thiện, nhà hảo tâm; cộng với tiền chế độ hỗ trợ hàng tháng của các em từ đó phân chia ra”, cô Tươi chia sẻ.
Theo nhẩm tính, mỗi ngày ăn của các em học sinh nơi đây chỉ gói gọn trong 22.000 đồng/ngày. Buổi sáng 6.000 đồng, còn lại 2 bữa trưa, tối, mỗi bữa 8.000 đồng.
Bữa ăn 8.000 đồng của các em học sinh miền núi Quảng Nam
Cái khó của trường học ở đây là sự cô lập. Mỗi khi có mưa to, những ngọn đồi lại ầm ào đổ xuống, chia cắt Phước Lộc với các địa phương khác. “Có đợt, mưa kéo dài cả tuần. Lương thực từ Phước Công, Phước Thành không thể vào. Những lúc đó, chỉ có cá khô làm thức ăn, mì tôm làm canh. Rồi cũng vượt qua được”, cô Tươi cười nói.
“Thương nhất là những đợt bị cô lập kéo dài, thức ăn không lên được. Những lúc đó, chúng tôi tìm về những hộ dân ở gần trung tâm xã, xem có con heo nhỏ, hay con gà gì đó rồi mua, cải thiện bữa ăn cho bọn nhỏ. Thương, thì lẽ đương nhiên. Chỉ tiếc, điều kiện mình không có nên được chút nào hay chút đó mà thôi”, thầy Ngộ tâm sự.
Khi các em ở lại trường, mọi sự quan tâm cũng được chú trọng hơn khi những buổi tối phụ đạo thường xuyên được tổ chức. “Trường cũng lập ra tổ tư vấn tâm lý để kịp thời nắm bắt, chia sẻ với những em học sinh trưởng thành. Từ những rung động đầu đời cho đến sự phát triển tâm sinh lý đều được chia sẻ một cách cởi mở để các em có được kiến thức cơ bản nhất, kể cả trong việc học hay trong cuộc sống. Rất may, là các em học sinh ở đây đều rất ngoan hiền. Đó là điều động viên lớn nhất đối với những giáo viên nơi đây”, cô giáo Đinh Thị Tươi nói.
Nguyễn Dương
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/di-hoc-noi-dinh-troi-358968.html