Chùa Hà nằm ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Nơi đây được nhiều người mách nhau là chốn linh thiêng để cầu duyên. Chính vì vậy, mỗi khi đến mùng một, ngày rằm các tháng trong năm, trước dịp Lễ tình nhân và ngày Thất tịch (7/7 âm lịch), rất nhiều người dân đã tìm đến đây để lễ bái. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Theo ghi nhận của Mekong ASEAN trưa 11/2, khá đông bạn trẻ sắm sửa lễ vật đến chùa Hà. Ngoài cầu bình an, xin tài lộc cho bản thân và gia đình dịp đầu năm, nhiều người đến đây mong chuyện tình duyên thuận lợi. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Anh Tú (26 tuổi, sống tại Hải Phòng) chia sẻ với Mekong ASEAN: “Sáng nay, mình và một người bạn bắt xe khách lên Hà Nội, đi hơn 120km để đến chùa Hà cầu duyên. Độc thân suốt 4 năm nay rồi mà gia đình lại giục cưới liên tục nên cũng muốn thử xem sao. Biết đâu lần này về lại gặp điều bất ngờ”. Đây cũng là lần đầu tiên Tú và bạn đến chùa Hà. Nhờ những người bán hàng hướng dẫn, Tú quyết định mua một mâm lễ vật dâng đủ ba ban, ba lá sớ và một tờ khấn. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Vì ngày lễ Valentine và Rằm tháng Giêng năm nay gần nhau mà còn rơi vào ngày trong tuần nên không ít người tranh thủ giờ nghỉ trưa để đi lễ. Chia sẻ với Mekong ASEAN, chị Kiều Anh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Ba năm nay, đầu năm nào mình cũng đến chùa Hà để đi lễ. Năm nay, lễ Valentine và Rằm tháng Giêng không chỉ gần nhau mà còn trùng vào ngày trong tuần, nên mình tranh thủ giờ nghỉ trưa để đi luôn. Dù đã có người yêu, nhưng mình vẫn đến cầu duyên, mong cho tình cảm suôn sẻ, sớm nên vợ nên chồng. Nhớ lại lần đầu đến chùa Hà, mình cũng khấn xin chuyện tình duyên, không ngờ chỉ một năm sau đã có người yêu thật”. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Nắm bắt nhu cầu cũng như tâm lý khách hàng, các dịch vụ cầu duyên trước cổng chùa Hà ngày càng nở rộ. “Valentine năm nay rơi vào ngày trong tuần nên từ cuối tuần trước, lượng người đến chùa đã bắt đầu đông dần. Vào dịp này, có ngày tôi bán được cả trăm mâm lễ. Khách chủ yếu là các bạn trẻ đến cầu duyên, nhưng cũng có người đến cầu bình an đầu năm hoặc quay lại tạ lễ sau khi đã kết duyên,” bà Hòa, chủ một cửa hàng chuyên sắp lễ cầu duyên ở đối diện chùa Hà nói.
Đến chùa Hà, người dân cần chuẩn bị ba mâm lễ gồm vàng hương, trầu cau, bánh kẹo, nến, hoa hồng và sớ. Mâm đầu tiên dâng ban Tam Bảo cầu bình an, tiếp đến dâng ban Đức Ông xin công danh, tài lộc và cuối cùng là ban thờ Mẫu cầu tình duyên. Giá mỗi mâm lễ dao động 100.000-250.000 đồng tùy vào nhu cầu của từng người.
Những lá sớ viết sẵn được bày bán với mức giá 30.000-50.000 đồng. Người dâng lễ sẽ được hỏi tên, tuổi, địa chỉ và những điều mong cầu, đặt vào mâm lễ. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Văn khấn cầu duyên tại ban thờ Mẫu được các chủ cửa hàng bán mâm lễ tặng miễn phí cho người độc thân tới chùa. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Đối với khách đến chùa lần đầu, chưa quen lễ nghi sẽ được người bán trực tiếp hướng dẫn. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Với những người có kinh nghiệm, thường chuẩn bị lễ từ nhà để mang đến. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Khu vực hóa vàng mã luôn đỏ lửa. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Người dân đến chùa Hà bên cạnh việc cầu an, cầu duyên cũng không quên gieo quẻ xăm xem vận hạn may rủi đối với bản thân mình trong năm. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Ngoài dâng lễ cầu nguyện, nhiều người còn tranh thủ dạo quanh, thưởng ngoạn cảnh chùa trong không khí đầu xuân năm mới. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Theo ông Kiền, người trông coi chùa Hà, lượng khách đến lễ chùa năm nay có tăng hơn so với mọi năm, trong đó chủ yếu là giới trẻ. Ngay từ những ngày đầu xuân năm mới, nhiều bạn trẻ tại Hà Nội đã đến chùa Hà. Lượng khách đến đông, ban quản lý chùa và UBND phường đã bố trí thêm đội bảo vệ, nhóm chỉ dẫn. Phía bên ngoài cũng lập hai bãi xe phục vụ miễn phí cho người dân. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Hà Anh