Di Linh: Giữ vững kết quả bảo vệ rừng

Di Linh: Giữ vững kết quả bảo vệ rừng
6 giờ trướcBài gốc
Huyện Di Linh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để quản lý, bảo vệ rừng
Điều đó được minh chứng rõ khi số vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn này giảm mạnh theo từng năm. Số liệu thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Di Linh cho thấy, từ năm 2021 đến tháng 11/2024, trên địa bàn huyện xảy ra 49 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng (gồm 36 vụ đã xác định đối tượng vi phạm, chiếm 73% và 13 vụ chưa xác định đối tượng vi phạm chiếm 27%). Diện tích thiệt hại do phá rừng là 2,078 ha, lâm sản thiệt hại là 144,716 m3. Cụ thể, năm 2021, xảy ra 22 vụ vi phạm. Năm 2022 xảy ra 14 vụ vi phạm. Năm 2023 xảy ra 8 vụ vi phạm. Tính tới 30/10/2024, trên địa bàn xảy ra 5 vụ vi phạm.
Theo ông Trần Nhật Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh: Giai đoạn năm 2021-2024, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Di Linh cũng đã đạt được kết quả tốt. Tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp, nhất là các điểm nóng, khu vực vùng giáp ranh đã được kiểm soát, các vụ vi phạm đã được phát hiện lập biên bản đưa vào xử lý kịp thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tài nguyên rừng. Số vụ vi phạm, diện tích và khối lượng lâm sản thiệt hại năm sau giảm so với năm trước (đạt và vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao, giảm 20% số vụ vi phạm, diện tích và khối lượng lâm sản thiệt hại).
Quản lý và bảo vệ rừng luôn là vấn đề nóng và đặc biệt khó khăn. Bởi vậy huyện Di Linh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện. Trong đó các giải pháp: tuyên truyền; tuần tra, kiểm tra, truy quét và xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp và ký cam kết bảo vệ rừng vùng giáp ranh được xem là những giải pháp trọng tâm.
Huyện Di Linh xây dựng quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa huyện Bắc Bình - tỉnh Bình Thuận và huyện Đức Trọng với diện tích rừng của địa phương. Theo đó các đơn vị chủ rừng trên các địa bàn đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng với các đơn vị chủ rừng liền kề. Ký cam kết với các hộ dân sống gần rừng, ven rừng không vi phạm Luật Lâm nghiệp và các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng.
Công tác phối kết hợp với chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng cũng ngày càng được nâng cao và hoạt động có hiệu quả. Nhất là việc xây dựng phương án quản lý rừng bền vững tại các đơn vị chủ rừng nhà nước trên địa bàn được tập trung triển khai. Hiện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các đơn vị chủ rừng nhà nước còn lại đã hoàn thành việc xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và đã trình thẩm định, phê duyệt.
Song song với công tác quản lý, bảo vệ rừng, huyện Di Linh cũng tiến hành giải tỏa cây trồng trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm từ năm 2016 đến nay với diện tích là 258,15 ha.
Các đơn vị chủ rừng cũng đã xử lý, giải quyết và thu hồi đất đối với diện tích rừng mới bị phá được 6,04 ha.
Sau khi tiến hành giải tỏa, thu hồi, địa phương này đã triển khai ngay công tác trồng rừng. Đến thời điểm hiện tại đã có 80,74 ha đất lâm nghiệp sau giải tỏa từ năm 2016 được trồng lại rừng và có 170,85 ha tái sinh tự nhiên. Và trồng 7,46 ha rừng trên diện tích mới bị phá đã được xử lý, thu hồi (trong đó: trồng rừng 0,587 ha và khoanh nuôi tái sinh 6,872 ha).
Công tác phát triển rừng ngày càng được quan tâm, đặc biệt là trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp ổn định. Để thực hiện nhiệm vụ này, UBND huyện Di Linh đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm xây dựng mô hình mẫu trồng xen cây mắc ca tại một phần Tiểu khu 714 (xã Sơn Điền) với tổng diện tích 9,5 ha/14 hộ dân, trồng với mật độ 185 cây/ha. Và trên cơ sở mô hình mẫu, các đơn vị cũng đã triển khai thực hiện có hiệu quả. Từ năm 2021 đến nay, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện đã triển khai trồng xen được 926,97 ha. Loài cây trồng xen là mắc ca, giổi xanh, điều,… với mật độ 185 cây/ha. Số lượng cây xanh được trồng hàng năm đáp ứng được chỉ tiêu UBND tỉnh giao.
Vấn đề đặt ra trong công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay của huyện Di Linh là việc các đơn vị chủ rừng chưa có biện pháp quản lý, sử dụng có hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm nên vẫn còn một số diện tích đang canh tác nông nghiệp. Công tác phối hợp tuần tra, truy quét bảo vệ rừng giữa chủ rừng, Ban Lâm nghiệp và chính quyền địa phương các xã chưa đạt hiệu quả như mong muốn nên chưa ngăn chặn triệt để hành vi phá rừng, khai thác rừng và vẫn còn vi phạm xảy ra trên địa bàn...
Ngoài những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan của những vấn đề nêu trên do một số đơn vị chủ rừng chưa sử dụng tối đa hiệu quả lực lượng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng trong công tác tuần tra, kiểm tra rừng, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm. Một số doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để triển khai dự án trên địa bàn huyện không bố trí lực lượng quản lý, bảo vệ rừng hoặc có bố trí nhưng không có chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực lâm nghiệp; do đó, còn bị động, thiếu linh hoạt, sáng tạo trong quá trình xử lý các tình huống phát sinh...
Huyện Di Linh có diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp là 92.172 ha (gồm: rừng phòng hộ 13.050 ha, rừng sản xuất 79.122 ha). Diện tích đất có rừng 83.209,11 ha với độ che phủ rừng 51,7%. Công tác quản lý, bảo vệ rừng và trồng rừng thời gian tới được địa phương đặc biệt quan tâm triển khai. Địa phương tiếp tục quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng, đất rừng hiện có; tăng cường công tác tuần tra kiểm tra rừng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn. Phấn đấu trong giai đoạn 2020-2025, mỗi năm giảm 20% số vụ vi phạm, diện tích rừng và khối lượng lâm sản bị thiệt hại, tăng diện tích trồng rừng và nâng cao độ che phủ rừng.
NGỌC NGÀ
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202411/di-linh-giu-vung-ket-qua-bao-ve-rung-54a2af1/