Tour Du lịch Xanh ở phá Tam Giang. Ảnh: Nguyễn Phong
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra mục tiêu chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo để gia tăng giá trị kinh doanh, tiếp cận kinh tế trí thức và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, cơ cấu kinh tế tiếp tục được củng cố theo hướng du lịch - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI cũng xác định chương trình văn hóa, du lịch - dịch vụ là một trong 6 chương trình trọng điểm của tỉnh.
Ngay trong năm 2021, Tỉnh ủy đã có Nghị quyết 04 - NQ/TU về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch; xác định đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, Thành phố Văn hóa ASEAN, Thành phố Du lịch sạch ASEAN, Thành phố bền vững môi trường ASEAN và đạt danh hiệu Thành phố sáng tạo về văn hóa. Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á; là tiền đề để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc, Thành phố Festival của châu Á vào năm 2045.
Có thể khẳng định, thời gian qua, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã bổ sung nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch đẳng cấp, khác biệt gắn với văn hóa - di sản; vùng biển, đầm phá và con người Huế; các hoạt động, sự kiện, lễ hội như Festival và Festival Nghề truyền thống, Giải Đua xe đạp quốc tế Coupe De Huế, Giải Marathon quốc tế Huế, lễ hội Thanh trà... Phố đi bộ Võ Thị Sáu - Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão, cầu đi bộ trên sông Hương bằng gỗ lim, các khu vui chơi, giải trí, mua sắm, nghỉ dưỡng biển, nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Mỹ An trở thành những sản phẩm du lịch có giá trị nổi bật.
Qua liên kết phát triển du lịch với các địa phương, Huế đã hình thành nhiều tour tuyến, sản phẩm du lịch: Tour liên kết của Đà Nẵng - Huế - Quảng Nam và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, đưa vào khai thác các tour “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên”, tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây nối Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”; tour du lịch “Khám phá đầm phá Tam Giang”, tour “Lăng Cô biển xanh”... Các sản phẩm di sản văn hóa đặc thù: Đại Nội về đêm, khám phá di sản Huế bằng công nghệ thực tế ảo, hệ thống lăng tẩm, chùa chiền, biểu diễn Nhã nhạc, ca Huế… thu hút được nhiều du khách.
Việc tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, mang tầm quốc tế đã hình thành các dịch vụ giải trí, ẩm thực về đêm phục vụ khách du lịch. Hạ tầng phục vụ phát triển du lịch được quan tâm đầu tư. Môi trường du lịch đảm bảo an toàn, thân thiện; ứng dụng du lịch thông minh thông qua hệ thống Hue-S bước đầu có hiệu ứng tích cực. Hoạt động xúc tiến quảng bá được đẩy mạnh. Tăng cường hợp tác với nhiều thành phố, tổ chức nước ngoài, như: Kyoto, Nara, Yokohama, Gifu và nhiều tổ chức quốc tế, như UNESCO, ILO, JICA, KOICA... để quảng bá, phát triển du lịch.
Ngay đầu năm 2024, một tin vui cho ngành du lịch Cố đô khi nền tảng du lịch trực tuyến Tripadvisor đã vinh danh Huế ở vị trí thứ 8 trong số 25 điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới 2024 trong Giải thưởng Travelers’ Choice Best of the Best Destinations (Điểm đến tốt nhất trong số những điểm đến tốt nhất do du khách bình chọn). Tripadvisor là một trong những trang web du lịch lớn nhất thế giới, có khoảng 463 triệu lượt truy cập mỗi tháng và cũng từ cơ sở này, du khách nước ngoài sẽ đưa ra quyết định chọn điểm đến cho chuyến du lịch của mình sắp tới.
Song hành cùng với du lịch, các loại hình dịch vụ tiếp tục phát triển. Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài sau khi nâng cấp đã tăng tần suất bay, mở mới đường bay kết nối các điểm đến. Chất lượng các ngành dịch vụ, như: Tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu được nâng cao. Các loại hình dịch vụ vận tải, logistics, đô thị thông minh... hình thành. Mạng lưới tổ chức tín dụng, dịch vụ thanh toán điện tử và các hệ thống giao dịch điện tử tự động rộng khắp. Các trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm cao cấp, khu dịch vụ đa chức năng hình thành. Các cơ sở thương mại truyền thống, như chợ Đông Ba cũng được đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại. Đó được xem là tiền đề phát triển du lịch.
Cơ hội lớn mở ra cho sự phát triển của du lịch khi vào ngày 30/11 vừa qua, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ tỉnh Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Và ngay trong năm 2025, năm đầu tiên của thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ là lần thứ 2 vùng đất này đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia với chủ đề “Huế - kinh đô văn hóa sáng tạo”. Huế là không gian cổ kính, hội tụ nhiều giá trị truyền thống và lịch sử hình thành lâu đời. Giá trị di sản là cốt lõi tạo nên thế mạnh du lịch Cố đô.
Đình Nam