Nguyễn Du (1765 - 1820) và Hồ Xuân Hương (1772 - 1822) là hai văn sĩ lớn khi đặt cạnh nhau, bên cạnh những nét khác biệt độc đáo, còn có nhiều điểm gặp gỡ, tương đồng. Cả hai sống cùng thời (nửa sau thế kỷ XVIII - giai đoạn đầy biến thiên, giông bão của đất nước), cùng quê (xứ Nghệ), cùng xứng danh thi hào, cùng được UNESCO vinh danh…
Hội thảo khoa học quốc gia “Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương - Danh nhân, thi hào và giá trị di sản”, nhằm tôn vinh, phát huy giá trị từ di sản của hai danh nhân lớn của dân tộc trong thời đại ngày nay
Đặc biệt cả hai, mỗi người một phong cách nhưng cùng đích đến với chủ nghĩa nhân văn mang bản sắc Việt Nam, tư tưởng nhân đạo lớn lao (thương cảm sâu sắc mọi kiếp người, khát khao mãnh liệt mang lại sự sống, hạnh phúc và sự tiến bộ cho con người). Cả hai đều đạt đến đỉnh cao thành tựu, để lại di sản lớn, có nhiều giá trị xuyên thời đại,.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu danh nhân, TS. Nguyễn Thị Kim Oanh nhận định, một hội thảo khoa học về hai danh nhân trong nhiều mối liên hệ văn hóa - nhân văn độc đáo, là mong ước, nhu cầu thiết yếu không chỉ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, mà còn của đông đảo nhân dân khắp mọi miền đất nước. Hội thảo khoa học quốc gia “Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương - Danh nhân, thi hào và giá trị di sản” đáp ứng phần nào mong ước, nhu cầu ấy.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, TSKH Phan Xuân Dũng phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo do Viện Nghiên cứu danh nhân phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Trường Đại học Vinh, Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Tiên Điền, đồng tổ chức. Hội thảo nhằm khơi dậy những tìm tòi, nghiên cứu mới về Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, bên cạnh tôn vinh, còn xác định vinh dự, trách nhiệm của hậu thế trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị mà Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương đã tạo lập.
“Từ những thành quả nghiên cứu mới về hai danh nhân với những giá trị di sản văn hóa, văn học, là cách tiếp tục góp phần có những phát hiện mới về các mối liên hệ xã hội, nhân sinh của văn hóa Việt Nam thời kỳ trung đại trong dòng chảy văn hóa và lịch sử Việt Nam đa dạng và thống nhất cùng sự hội nhập trải mấy nghìn năm với văn hóa thế giới.
Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu danh nhân, TS. Nguyễn Thị Kim Oanh phát biểu tại Hội thảo
Đồng thời, tạo không khí, tinh thần mới trong tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp nhận và phát huy giá trị di sản văn hóa của các bậc danh nhân nước nhà xưa và nay, làm phong phú hơn, sâu sắc hơn hệ giá trị văn hóa Việt Nam và hệ giá trị con người Việt Nam, góp phần tạc nên gương mặt dân tộc Việt Nam”, TS. Nguyễn Thị Kim Oanh nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, ý kiến đại biểu tập trung vào các nội dung: Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương trong nhiều mối liên hệ văn hóa - xã hội - nhân sinh qua các thực thể cá nhân, dòng họ, quê hương, đất nước, thời đại, dân tộc, khu vực, quốc tế; Những điểm gặp gỡ và nét riêng của hai danh nhân, thi hào trên các phương diện thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, trí tuệ, tâm hồn, nhân cách…;
Các đại biểu cũng thảo luận về những tương đồng, khác biệt về thi pháp, phong cách nghệ thuật của Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương; vấn đề tiếp nhận, chuyển ngữ, dịch thuật các tác phẩm của hai danh nhân, thi hào; nhận thức về Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và mối liên hệ qua các loại hình nghệ thuật hiện đại như sân khấu, điện ảnh…; bảo tồn, xây dựng mới các công trình văn hóa và phát huy giá trị di sản của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương trong bối cảnh hiện nay.
Đại biểu tìm hiểu một số hiện vật sưu tầm về di sản Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương
Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, TSKH. Phan Xuân Dũng, nếu Nguyễn Du với "Truyện Kiều" bất hủ đã đưa ngôn ngữ và văn hóa, văn học Việt Nam lên tầm cao mới, theo hướng tinh tế, hiện đại, thì nữ sĩ Hồ Xuân Hương lại đưa ngôn ngữ và văn hóa, văn học dân tộc vượt qua những rào cản phong kiến hủ lậu, vươn lên theo chiều sống động, lạc quan, yêu đời. Cả hai, “mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”.
“Trách nhiệm của chúng ta là cùng nghiên cứu, làm sáng tỏ hơn nữa những đóng góp lớn lao (kể cả những điểm tương đồng và khác biệt) của hai danh nhân không chỉ cho lịch sử văn hóa, văn học dân tộc mà còn cho cả lịch sử văn hóa, văn học khu vực và quốc tế. Từ đây, đưa ra những phương án và giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy hữu hiệu các giá trị di sản của hai danh nhân”, TSKH. Phan Xuân Dũng nói.
Thái Minh