Tác giả: Munir Khan
Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: https://thefridaytimes.com
Pakistan, một quốc gia nổi tiếng với di sản Hồi giáo, họ nắm giữ trong biên giới một lịch sử phong phú và đa dạng bao gồm cả những ảnh hưởng đáng kể của Phật giáo.
Di sản Phật giáo cổ đại này có từ nhiều thế kỷ trước khi Hồi giáo xuất hiện trong khu vực, một thời kỳ phát triển mạnh mẽ về văn hóa và tôn giáo. Từ thành phố cổ Taxila đến tàn tích Phật giáo Takht-i-Bahi (tiếng Urdu: تختِ باہی; Ngai vàng của Vương quốc mùa xuân), một địa điểm khảo cổ thời Vương quốc Ấn-Parthia.
Đây là di tích của một tổ hợp tu viện Phật giáo cổ đại tại thành phố Mardan, Khyber-Pakhtunkhwa, Pakistan. Takht-i-Bahi, một trong những di tích Phật giáo hoành tráng nhất trong nền văn minh Phật giáo Gandhāra cổ đại và được bảo tồn đặc biệt tốt.
Phật giáo sơ khai và nền văn minh Phật giáo Gandhāra cổ đại
Di tích Phật giáo Gandhāra cổ đại, phát triển mạnh mẽ từ khoảng thế kỷ VI trước Công nguyên đến thế kỷ XI sau Công nguyên. Nền văn minh Phật giáo Gandhāra cổ đại, với thủ đô là Taxila, đã trở thành trung tâm học thuật và văn hóa Phật giáo lớn dưới thời Đế chế Mauryan, đặc biệt là dưới thời trị vì của Hoàng đế Ashoka vào thế III trước Công nguyên.
Hoàng đế Ashoka, vị Chuyển luân Thánh vương (Cakkavattì) và đường lối cai trị theo Chính pháp Phật đà, Hoàng đế Ashoka đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá triết lý đạo Phật trên khắp đế chế của mình và xa hơn nữa, ủy quyền xây dựng các bảo tháp, các cơ sở tự viện Phật giáo và các cơ sở giáo dục Phật học.
Thành phố hiện tại của Taxila cách thành phố Islamabad khoảng 35km về phía Tây bắc, nổi lên như một trung tâm quan trọng của khoản hỗ trợ trợ tài chính của cơ quan giáo dục, chính phủ, và các tổ chức (công lập và tư nhân) dành cho sinh viên học tập, nghiên cứu Phật học. Thành phố này có nhiều tu viện Phật giáo thu hút các nhà sư, học giả và sinh viên từ xa như Trung Hoa và Hy Lạp.
Các di tích khảo cổ của Taxila, bao gồm Bảo tháp Dharmarajika (tiếng Punjabi, tiếng Urdu: دھرم راجک اسٹوپا ), còn được gọi là Bảo tháp vĩ đại Taxila, một bảo tháp Phật giáo gần Taxila, Pakistan. Nó được Ashoka xây dựng trên di tích có từ thời đức Phật, Tu viện Jaulian là một trong những di sản nổi tiếng gần Taxila, là minh chứng cho tầm quan trọng lịch sử của thành phố Phật giáo cổ đại này. Những địa điểm này không chỉ là trung tâm Phật giáo mà còn là cái nôi của nghệ thuật, triết học và khoa học, ảnh hưởng sâu sắc đến bối cảnh văn hóa của khu vực.
Một trong những địa điểm quan trọng nhất từ thời đại này là quần thể khảo cổ Takht-i-Bahi, nằm ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa hiện đại. Quần thể tu viện Phật giáo này, nằm trên đỉnh đồi, cung cấp cái nhìn thoáng qua về những thành tựu kiến trúc tâm linh của thời đại đó.
Ảnh: thefridaytimes.com
Nghệ thuật và Kiến trúc của nền văn minh Phật giáo Gandhāra cổ đại
Một trong những đóng góp đáng quan tâm nhất của nền văn minh Phật giáo Gandhāra cổ đại là nghệ thuật và kiến trúc đặc sắc, được gọi là nghệ thuật Gandhāra.
Phong cách độc đáo này, phát triển từ thế kỷ I trước Công nguyên đến thế kỷ VII sau Công nguyên, được đặc trưng bởi sự pha trộn các yếu tố nghệ thuật Hy Lạp-La Mã, Ba Tư và Ấn Độ.
Kết quả là một loạt các tác phẩm điêu khắc, phù điêu và bích họa tinh xảo mô tả các chủ đề Phật giáo được Hy Lạp hóa.
Các pho tượng Phật từ nền văn minh Phật giáo Gandhāra cổ đại, đặc biệt nổi tiếng với các đặc điểm của con người chân thực, vải thêu tinh xảo và biểu cảm thanh thản hồn nhiên. Những tác phẩm điêu khắc này thường mô tả các cảnh trong cuộc đời của đức Phật, Bộ Jàtaka (Chuyện Tiền thân đức Phật) là bộ truyện đồ sộ nhất trong kinh tạng Pàli với hình ảnh nhiều vị Bồ tát khác nhau.
Ảnh hưởng nghệ thuật của nền văn minh Phật giáo Gandhāra cổ đại đã mở rộng, tác động đến các truyền thống nghệ thuật Phật giáo ở Trung Á, Trung Quốc và thậm chí cả Nhật Bản.
Ảnh: thefridaytimes.com
Đế chế Kushan và sự truyền bá triết lý đạo Phật
Đế quốc Kushan là một quốc gia cổ đại trải dài từ Uzbekistan ngày nay đến khu vực miền bắc Ấn Độ hiện tại, đã giúp truyền bá Phật giáo đến Đông Á giữa thế kỷ I và thế kỷ III. Đế chế Kushan, kế thừa Vương quốc Ấn Độ - Hy Lạp và cai trị khu vực này từ thế kỷ I đến thế kỷ III sau Công nguyên, đóng vai trò then chốt trong việc truyền bá và phát triển Phật giáo ở Pakistan.
Dưới triều đại của Hoàng đế Kanishka (Tại vị 127-151), một trong những nhà cai trị Kushan lừng lẫy nhất, Phật giáo đã đạt đến những tầm cao mới.
Hoàng đế Kanishka, một người bảo trợ của Phật giáo, đã tổ chức Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ tư tại Kashmir, dẫn đến việc biên soạn các văn bản Phật giáo quan trọng và thúc đẩy Phật giáo Đại thừa phát triển.
Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ tư này diễn ra vào khoảng 500 năm sau khi đức Phật qua đời, thời gian đại hội kéo dài tới 12 năm và chủ tọa là Ca Chiên Diên tử, chấp bút là Bồ tát Mã Minh. Số đại biểu là 1.000 người. Thành quả là một bộ luận tên là “A Tỳ Đạt Ma Phát Trí Luận” (阿毗達磨發智論), Abhidharma-jĩàna-prasthàna).
Thời kỳ Kushan chứng kiến việc xây dựng các tu viện lớn, bảo tháp và các cơ sở giáo dục Phật giáo trên khắp khu vực. Một trong những địa điểm quan trọng nhất từ thời đại này là quần thể khảo cổ Takht-i-Bahi, nằm ở tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa hiện đại. Quần thể tu viện Phật giáo này, nằm trên đỉnh đồi, mang đến cái nhìn thoáng qua về những thành tựu kiến trúc và tâm linh của thời đại đó. Các công trình được bảo tồn tốt của Takht-i-Bahi, bao gồm bảo tháp, phòng thiền và hội trường, phản ánh đỉnh cao của đời sống nơi tu viện Phật giáo trong khu vực.
Ảnh: thefridaytimes.com
Từ thời kỳ cổ đại đến thời kỳ hiện đại
Sự suy tàn của Phật giáo trong khu vực này bắt đầu vào khoảng thế kỷ VII sau Công nguyên, trùng với sự trỗi dậy của Ấn Độ giáo và sự ra đời của Hồi giáo. Các cuộc xâm lược của người Huns và sau đó là các cuộc chinh phục của người Ả Rập đã dẫn đến sự xói mòn dần dần các tổ chức Phật giáo. Đến thế kỷ XI, Phật giáo đã biến mất phần lớn khỏi khu vực, thay thế bằng nền văn minh Hồi giáo phát triển.
Mặc dù suy tàn, di sản Phật giáo ở Pakistan vẫn tồn tại thông qua các di tích khảo cổ và ảnh hưởng văn hóa của nền văn minh Phật giáo Gandhāra cổ đại.
Các địa điểm Phật giáo ở Pakistan, chẳng hạn như Taxila, Takht-i-Bahi và Butkara Stupa ít được biết đến ở Thung lũng Swat, vẫn tiếp tục thu hút các học giả, nhà sử học và khách du lịch. Những địa điểm này đã được UNESCO công nhận vì ý nghĩa lịch sử và văn hóa của chúng, nhấn mạnh nhu cầu bảo tồn di sản này.
Hơn nữa, việc các nhà khảo cổ học người Anh tái khám phá những địa điểm này vào thế kỷ XIX và thế kỷ XX đã khơi dậy sự quan tâm đến quá khứ Phật giáo của khu vực này. Các cuộc khai quật đã tiết lộ một kho báu hiện vật, bao gồm tượng, tiền xu, bản thảo và đồ gốm, và những khám phá mới vẫn tiếp tục được thực hiện trong thời đại của chúng ta.
Ở Pakistan đương đại, việc công nhận và bảo tồn di sản Phật giáo được phát hiện là rất quan trọng, không chỉ vì lý do lịch sử và học thuật mà còn để thúc đẩy sự hiểu biết rộng hơn về bản sắc đa diện của một quốc gia thân thiện, luôn rộng mở chào đón du khách. Việc tiếp nhận di sản này sẽ tạo ra cảm giác liên tục và kết nối, cho phép người Pakistan tự tin đối mặt với tương lai.
Tác giả: Munir Khan
Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: https://thefridaytimes.com