PGS. TS Trần Trọng Dương: Phát huy giá trị của di sản Phật giáo

PGS. TS Trần Trọng Dương: Phát huy giá trị của di sản Phật giáo
6 giờ trướcBài gốc
PGS. TS Trần Trọng Dương chia sẻ: Lễ tắm Phật đã trở thành một nghi lễ quen thuộc tại Việt Nam, vào tháng 4 âm lịch, trọng tâm là ngày 8/4 âm lịch, còn được gọi là Ngày Phật đản sinh. Sử liệu sớm nhất hiện còn là văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh khắc năm 1121 ghi chép về việc vua Lý Nhân Tông tổ chức nghi lễ Tắm Phật.
Vì sao anh quyết định nghiên cứu phục dựng lại Tu Di tòa Phật Thích Ca sơ sinh theo đúng tinh thần sử Việt?
Dựa trên hàng triệu mảnh vỡ khảo cổ, chúng ta chỉ biết đến một thời đại Lý Trần với văn hóa cung đình phát triển ở đỉnh cao. Chính vì lý do đó, tôi đã nghiên cứu về chùa Diên Hựu - Một Cột để giải mã biểu tượng kiến trúc. Liên Hoa Đài Một Cột là một bông hoa sen kiến trúc, mô phỏng ngọn núi vũ trụ Tu Di, nằm ở trung tâm của một tiểu vũ trụ với tám vòng núi và tám vòng biển bao quanh. Liên Hoa Đài đặt trong hai hồ nước, với bốn sân và các hệ thống hành lang, đã tạo thành một mandala điển hình của nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Đại Việt thời Lý. Từ đó, chúng tôi tiếp tục sử dụng công nghệ VR, AR, 3D, IE để phỏng dựng lại quần thể kiến trúc này theo phong cách vàng son, dựa trên các cứ liệu khảo cổ. Và với mô tả trong bia Sùng Thiện Diên Linh, tôi tiếp tục phỏng dựng Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh, nhằm hướng đến phục dựng nghi lễ tắm Phật vào thới Lý với những nét tạo hình mang bản sắc Đại Việt.
Anh có thể chia sẻ về quá trình nghiên cứu của anh về Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh, từ việc phỏng dựng số hóa, cho đến tạc tượng để đưa vào đời sống tâm linh Phật giáo của người Việt?
Tôi từng đi điền dã nhiều phế tích khảo cổ, đi các bảo tàng để sưu tập các mảnh vỡ khác nhau của thời đại Lý Trần. Một hiện vật quan trọng mà tôi chú ý là mảnh trụ song long đào được tại Ngọc Hà (thuộc về Tây Cấm của kinh thành Thăng Long xưa). Trụ đá này bị gãy phần chân và phần đầu, khiến tôi tò mò muốn giải mã để phục dựng lại hình dáng toàn vẹn của nó. Sau đó, Nhà nghiên cứu mĩ thuật cổ thời Lý Nguyễn Anh Tuấn (Viện Mĩ thuật) có giới thiệu một số mảnh vụn khác. Đó là chân đá lục giác tại chùa Phật Tích, anh cho rằng đó là phần đế của trụ song long. Đồng thời, anh cũng ghép thử một bức ảnh thời Pháp chụp lại một chóp đá đầu song long đang dâng hoa sen tại Phật Tích, để đặt lên trên chân đế. Sau nhiều năm thảo luận, chúng tôi cho rằng: chân đế Phật Tích, thân trụ song long Ngọc Hà, và đỉnh cột hoa sen Phật Tích là ba mảnh khác nhau của cùng một loại hình hiện vật (với những phiên bản khác nhau đặt tại Thăng Long và Phật Tích). Để đi đến việc phục dựng, chúng tôi còn tham khảo các kết quả của các học giả đi trước, và các anh em trẻ đam mê văn hóa Lý, như Nguyễn Hoài Nam, Hiệu Sicula, Đào Xuân Ngọc. Đau đầu nhất là nghiên cứu về ý nghĩa biểu tượng của trụ đá này, và chức năng văn hóa của nó. Khi nói chuyện với anh Tuấn khoảng năm 2015, tôi từng đưa ra ba giả thuyết về chức năng của nó, đó là: một trụ cột chịu lực; một dạng chân đèn; một bệ tượng Phật. Dù với giả thuyết nào đi chăng nữa, thì dựa trên hệ thống điêu khắc thì nó vẫn là một biểu tượng khắc họa ngọn núi Tu Di với các đồ án cửu sơn bát hải theo phong cách Lý. Và hai giả thuyết được hiện thực hóa bằng công nghệ là giả thuyết Tu Di đăng (đèn đá) và Tu Di tòa đặt Thích Ca sơ sinh.
Bản phục dựng tòa Tu Di Phật Thích Ca sơ sinh. Ảnh: NVCC.
Thưa anh, là người đã dành 20 năm cho nghiên cứu Phật giáo từ đời Lý, anh có thể chia sẻ những đặc sắc về văn hóa Phật giáo thời kỳ này?
Quá trình phỏng dựng Tu Di đăng và Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh, về mặt thực tế, với giả thuyết đèn đá, thì hiện vật chỉ cho phép khẳng định đỉnh cột là một dạng đĩa đèn. Người xưa sẽ đặt một bát đèn tách rời, và đổ dầu đặt bấc để thắp sáng ở trên. Nhưng dựa trên quan điểm bảo tồn và phát huy theo mô hình R&D, chúng tôi đưa ra 3 phương án phỏng dựng: Đèn đá dùng để đặt đĩa đèn; Đèn đá có mái bốn cạnh; Đèn đá có mái che 6 hoặc 8 cạnh. Các giả thuyết này được đưa ra khi nghiên cứu về hệ thống đèn cổ ở Việt Nam và Nhật Bản, Trung Quốc trong suốt hai ngàn năm. Còn về giả thuyết Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh, thì tôi cho rằng đây là một phương án khó thi công nhất, vì đến nay, ta chưa từng phát hiện một tượng Thích Ca sơ sinh thời Lý nào (dù nghi lễ có ghi trong văn bia và chính sử). Chính vì thế, tôi quyết định dựa trên phong cách tạo tượng của tượng Phật thời Lý để nghiên cứu và sáng tạo ra tôn tượng Thích Ca sơ sinh mang phong cách Hoàng gia thời Lý. Mà ta biết, phong cách Lý là một phong cách tinh mĩ, cân đối, hài hòa, nó thể hiện một ngôn ngữ nghệ thuật thống nhất trong một nền tảng tư tưởng thống nhất.
Tu Di tòa Phật Thích Ca sơ sinh được sử dụng trong nghi lễ tắm Phật tại Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2025.
Vì sao văn hóa Phật giáo đời Lý, rất nên nghiên cứu phục dụng và áp dụng vào thực tế, bởi mang bản sắc đậm đà của Việt Nam?
Thực ra, không chỉ riêng Phật giáo thời Lý, mà Phật giáo thời Trần, thời Lê, thời Nguyễn đều có giá trị riêng, đều có những đóng góp to lớn trong tiến trình văn hóa Việt Nam. Cái bản sắc không phải là một yếu tố bất biến, trường tồn trong thời gian mà là một yếu tố khả biến - đa trị để làm giàu có thêm cho văn hóa Việt. Văn hóa Phật giáo cũng vậy, như trường hợp tôn tượng Thích Ca sơ sinh, hiện có hàng trăm hàng ngàn tượng cổ trong chùa chiền tự viện, từ Bắc đến Nam. Cũng là tượng đức Thế Tôn lúc đản sinh, nhưng qua những bàn tay thợ tài hoa, lại được tạo nên nhiều dáng vẻ khác nhau. Tôi sở dĩ tập trung vào văn hóa Lý và tôn tượng Thích Ca sơ sinh thời Lý - Trần, bởi đến nay không còn một pho tượng Phật cổ nào còn sót lại sau bao biến cố của thời gian. Có người cười tôi, bảo là các ông sáng tác ra chứ có phải phục dựng đâu. Tôi chỉ cười: bản khoa học là bản nằm trong máy của chúng tôi, còn muốn đưa di sản vào đời sống, thì phải vừa nghiên cứu vừa sáng tạo. Tại sao ta lại không thể sáng tạo ra một tôn tượng của thế kỷ XXI, bằng kĩ thuật của thế kỷ XXI, nhưng lại mang phong cách và bản sắc của Phật giáo Việt Nam cách đây gần ngàn năm?!
PGS.TS Trần Trọng Dương, Giám đốc nghiên cứu và sáng tạo của Sen Heritage. Anh đã chủ trì các dự án: Ứng dụng công nghệ 3D và VR cho phỏng dựng chùa Diên Hựu - Một Cột (2017-2020), Tu Di đăng và Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý (2021), Ứng dụng công nghệ trải nghiệm tương tác nhập vai trong dự án "Xuyên không về Long Thành" (2022-2024), Ứng dụng công nghệ số trong dự án "Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ" (2023-2025).
Việt Quỳnh (thực hiện)
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/pgs-ts-tran-trong-duong-phat-huy-gia-tri-cua-di-san-phat-giao-10305789.html