Địa thế của Biên Hòa có tính chất trung tâm được phản ánh qua những chiều kích của lịch sử vùng đất Nam Bộ. Cảnh quan, môi trường của Biên Hòa đã có nhiều thay đổi trong quy luật vận động và phát triển của xã hội, gắn liền với các thể chế.
Hoàng hôn trên thành phố Biên Hòa. Ảnh: Đinh Hữu Cường
Giữ tính chất trung tâm đô thị, mang dấu ấn đặc biệt của Đông Nam Bộ
Đô thị Biên Hòa thuộc bình nguyên, hạ lưu ven sông, có núi và rừng cùng cù lao. Nhìn ở góc độ của dòng sông, là trung tâm, trung chuyển giữa những cảng bến miệt dưới đồng bằng, cận biển với thượng nguồn, miền núi.
Trong mỗi bối cảnh, vùng đất Biên Hòa được chọn với những lợi thế tiềm năng và kế thừa trên nhiều lĩnh vực. Biên Hòa trở thành trung tâm của cả vùng đất Đông Nam Bộ hiện nay với dinh, thành và sau này người Pháp kế thừa, đến khi chia tách hành chính quản lý và định hình cho từng địa bàn phát triển.
Các giai đoạn lịch sử về sau, Biên Hòa dù thu hẹp địa giới nhưng vẫn giữ tính chất trung tâm đô thị với sự phát triển mang dấu ấn đặc biệt của Đông Nam Bộ: Văn miếu Trấn Biên, thương cảng cù lao Phố, trung tâm quản lý khai thác lâm sản, hệ thống giáo dục xưa, các thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo, Sân bay Biên Hòa, Khu công nghiệp Biên Hòa… Chúng ta nhìn Biên Hòa theo dòng lịch sử không phải để cường điệu về vị thế trung tâm nhưng thấy được tính chất, đặc điểm địa - chính trị, địa - văn hóa và địa - kinh tế trong chiến lược phát triển qua thực tiễn.
Nơi “đất lành chim đậu”
Địa thế của đô thị Biên Hòa gắn với sông, được bao bọc bởi những dãy núi thấp và lịch sử phát triển của trung tâm cư dân các thời kỳ trước được kế thừa bởi những luồng di dân từ các nơi khác đến. Cho đến hiện tại, Biên Hòa có hơn 50 thành phần tộc người cư trú đã tạo nên bức tranh đa sắc màu và những di sản văn hóa độc đáo. Từ xưa, đất Đồng Nai khá rộng mang tính chất mở với lợi thế đường thủy của dòng sông Phước Long và hệ thống chi lưu như bàn tay mở ra nhiều hướng phía bình nguyên. Các địa điểm ven sông và đặc biệt cù lao Phố là nơi tụ hội cư dân - một thời đã trở thành xứ đô hội phồn thịnh.
Ngày nay, với nhiều khu công nghiệp phát triển và hình thành các đô thị lân cận, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cao, Biên Hòa cùng địa bàn đô thị thu hút nguồn nhân lực từ các nơi đến sinh sống. Đô thị Biên Hòa sẽ phát triển theo định hướng quy hoạch và dòng sông Đồng Nai như tô điểm trên nền phát triển này. Đồng Nai ngày xưa trong bối cảnh “đất rộng người thưa” mang tính chất mở thì ngày nay đô thị Biên Hòa dù “đất hẹp người đông” tính chất mở vẫn còn khi thu hút dân cư và nguồn nhân lực tìm đến. Dòng chảy của xã hội và quy luật phát triển vẫn thế, con người tìm đến tụ cư và phát triển “đất lành chim đậu” của phố thị Biên Hòa.
Trong mạch sống của người dân Biên Hòa, di sản văn hóa như mạch nước ngầm trong lớp thời gian chồng lên sâu lắng và cũng có lúc rộn ràng đầy sắc màu, náo nhiệt khi di sản bỗng trở nên sống động trong sắc xuân.
Trong định hướng phát triển đô thị, Biên Hòa có sông Đồng Nai là trục chính ngày càng được chỉnh trang và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng hiện đại. Cù lao Phố sẽ là trung tâm đô thị phát triển, gợi nhớ về vị thế của thương cảng xưa sầm uất, danh tiếng và ngày này phát triển hơn nữa với lợi thế được khai thác không chỉ đường thủy, đường bộ và hàng không. Mai này, Biên Hòa sẽ khác xưa, điều đó là tất yếu với những hoạch định phát triển hướng đến trong liên kết vùng khi đô thị Sài Gòn mở rộng hướng Đông và chuỗi đô thị trẻ đầy sức sống xung quanh.
Một điều đáng quý và vô giá từ các thế hệ đi trước đã xây dựng và để lại cho hậu thể dù có những biến đổi qua những thời kỳ thăng trầm của lịch sử. Di sản văn hóa Biên Hòa vẫn hiện hữu trong đời sống cư dân ở đây. Nhiều loại hình di tích của đô thị Biên Hòa được đưa vào danh mục cấp tỉnh, cấp quốc gia khẳng định những giá trị được giữ gìn.
Những con người có công với xứ sở, những danh nhân văn hóa để lại nhiều dấu ấn đặc biệt… Các thể chế quản lý đã thể hiện trách nhiệm bảo tồn di sản và lòng dân trân quý đối với tiền nhân. Gắn với di sản văn hóa Biên Hòa không chỉ ở tấm lòng mà còn thể hiện sự tài hoa, khéo léo, tâm huyết của bao nghệ nhân nghề thủ công đặc sắc; đặc biệt là tập thành những lễ thức liên quan trong các lễ hội độc đáo trong đời sống tinh thần.
Trong dáng vẻ hiện đại
Diện mạo đô thị Biên Hòa sẽ đổi thay và đang chuyển mình đổi thay mạnh mẽ. Những công viên trong thành phố được xây dựng và chỉnh trang. Công trình xây dựng trên nhiều lĩnh vực đã vươn trên khoảng không rộng mở. Biên Hòa sẽ rộng và thoáng hơn với dáng vẻ hiện đại.
Trong nhịp sống hiện nay, chắc chắn rằng con người sẽ hối hả trong không gian đô thị tấp nập. Và ở đó, ta mới thấy được giá trị của di sản mà tiền nhân để lại, là một dấu nhấn cho đô thị trở nên mềm mại, đáng yêu và đáng quý. Di sản văn hóa của đô thị Biên Hòa không lẻ bóng, có vẻ như âm thầm nhưng là những khoảng lặng cần thiết để nhịp đập của thành phố này nhẹ nhàng hơn, thư thái hơn. Trên mỗi con đường, những làng xóm xưa ven sông còn bóng dáng của làng quê hay ở các khu cư dân, di sản văn hóa hiện hữu trong một bối cảnh với nhiều đổi thay so với trước.
Tốc độ và quy mô đô thị hóa của Biên Hòa dẫn đến nhiều đổi thay, đặc biệt, tính chất của phố phường, thương mại, hiện đại sẽ ngày càng được ưu tiên và giữ thế trội trong quy hoạch phát triển. Nhưng, không vì thế mà nét thâm trầm của di sản bị nhạt nhòa. Di sản của thế hệ tiền nhân còn lưu dấu, hãy gìn giữ. Di sản của xứ sở này qua bao mùa đổi thay có những tàn phai, hãy chỉnh trang và tôn tạo. Trong quy luật phát triển, những dấu ấn từ hiện tại cần hướng đến tương lai cũng cần được quan tâm. Hiện tại của hôm nay mạnh mẽ rồi cũng trở thành nét thâm trầm, cổ kính khi thời gian qua đi. Mỗi thế hệ dày công và góp sức để tạo cho mình nét độc đáo và để lại cho đời sau điều quý giá còn lại.
Tôi tâm đắc một cảm nhận của nhà kiến trúc rằng: Đô thị là sản phẩm văn hóa tổng hợp. Kiến trúc chỉ là cái phần cứng của cơ thể đô thị. Phần mềm của nó cấu thành bởi lịch sử, cộng đồng cư dân và văn hóa. Đô thị, y hệt như con người, có hồn có sắc. Sự nhận ra những cái riêng biệt, những cái gene nổi trội và những giá trị của văn hóa truyền thống mỗi đô thị, việc giữ gìn và chuyển tải chúng vào công cuộc phát triển đang tăng tốc, chính là sự đảm bảo cho đô thị sống tự nhiên trong dòng chảy cuộc đời của mình. Đó không chỉ là nhu cầu thẩm mỹ, nhu cầu văn hóa, cũng không phải là sự lo xa. Đó là nhu cầu của bản thân sự phát triển. Khi nghĩ về đô thị Biên Hòa trong chiều kích phát triển của Đồng Nai, mong sao, những loại hình di sản - trong đó có di sản văn hóa không chỉ là bóng hình của quá khứ mà là tài sản, tài nguyên được bảo vệ trân trong và khai thác hài hòa.
Đinh Huyền Phan