Trụ sở khối nhà nước tỉnh và chung cư Thanh Bình nhìn từ sông Đồng Nai. Ảnh: Lê Dũng
Đơn vị hành chính trực thuộc được đề cập trong một số công trình
Sự thiết lập hành chính, Biên Hòa được định vị là trung tâm của khu vực Đông Nam Bộ hiện nay bắt đầu cách đây hơn 3 thế kỷ. Các thời kỳ lịch sử về sau, trong đó năm 1832, Biên Hòa được định danh cụ thể là một trong “Lục tỉnh của Nam Kỳ” bao gồm: Biên Hòa, Phiên An/Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.
Riêng Biên Hòa, những đơn vị hành chính trực thuộc được đề cập trong một số công trình như Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quan triều Nguyễn và một số công trình do người Pháp biên soạn, được dịch và xuất bản sau này: Monographie de la province de Biên Hòa (Bsei, 1901 và Robert M., 1923); Bien Hoa Notions Géographiques (Goupillon, 1930), Nam kỳ và các cư dân các tỉnh miền Đông (J.C. Baurac, 1898)…
Về sau, có các sách được biên soạn như Biên Hòa sử lược toàn biên (Lương Văn Lựu, 1973), các công trình nghiên cứu, trích dẫn và bổ sung (Địa chí Đồng Nai, 2001; Biên Hòa - Đồng Nai: 300 năm hình thành và phát triển, nhiều tác giả, 1998; Hỏi đáp về Biên Hòa - Đồng Nai, Phan Đình Dũng, 2010; Địa danh hành chính tỉnh Đồng Nai, Trần Quang Toại chủ biên, 2013)…
Sự thay đổi trong cơ cấu quản lý hành chính cùng với việc chi tách, sáp nhập là quy luật phát triển của nhiều nơi, đặc biệt từ quá trình hình thành của làng quê lên đô thị và hướng đến sự phát triển văn minh, hiện đại.
Khi thực hiện Nghị quyết 1194/NQ-UBTVQH15 ngày 28-9-2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025, thành phố Biên Hòa đã có những thay đổi. Từ 30 phường xã, đơn vị hành chính từ năm 2010, thành phố Biên Hòa chính thức còn lại 24 phường và 1 xã. Ngoài một số địa bàn trực thuộc địa giới các phường có sự chia tách, sáp nhập thì các phường Hòa Bình, Thanh Bình, Quyết Thắng, Tân Tiến, Tam Hòa sẽ không còn duy trì.
Các đơn vị hành chính của Biên Hòa trước năm 1975 được thành lập trên cơ sở Quyết định số 331/TCUB ngày 10-7-1976 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc đổi tên 5 khu của xã Bình Trước và sáp nhập 8 ấp của xã Tam Hiệp song hành với việc thành lập các phường mới. Theo quyết định này, Biên Hòa có các đơn vị hành chính sau đây từ xã Bình Trước: phường Hòa Bình (khu I), phường Thanh Bình (khu II), phường Quyết Thắng (khu III), phường Trung Dũng (khu IV), phường Quang Vinh (khu V). Một số địa bàn các ấp của xã Bình Trước thành lập phường Tân Tiến (Tân Hiệp, Núi Đất, Tân Hải, Bàu Hang); phường Thống Nhất (Lân Thành, Vĩnh Thị, Tân Mai); riêng ấp Tân Bình sáp nhập vào xã Tân Phong. Từ 8 ấp của xã Tam Hiệp sáp nhập thành các phường: Tam Hiệp (Vĩnh Cửu, Minh Tân, Vĩnh Hiệp), Tam Hòa (Thái Hòa, Trần Quốc Toản, Thái Hiệp), An Bình (Bình Đa, An Hảo). Trên cơ sở xã Bùi Tiếng thành lập phường Tân Mai.
Sau này, đơn vị hành chính trực thuốc thành phố Biên Hòa có sự thay đổi, khi tổ chức sắp xếp bộ máy hành chính, đổi tên và thành lập một số phường mới thành lập như Tân Biên, Tân Hòa (1984); Tân Vạn (1985); Bình Đa (1988); Bửu Long, Long Bình, Tân Hiệp, Trảng Dài (1994).
5 đơn vị cấp phường không còn duy trì
Thông tin về các tư liệu liên quan 5 đơn vị cấp phường không còn duy trì trong đợt sắp xếp hành chính hiện nay của Biên Hòa.
Phường Hòa Bình được thành lập năm 1976, trên cơ sở của một phần của xã Bình Trước, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa trước năm 1975 (quận Đức Tu, nguyên là quận Châu Thành, được đổi tên vào năm 1963). Trên địa phận phường Hòa Bình, trước đây có địa danh Tân Lân là đơn vị hành hành chính cấp thôn. Tên gọi này hiện còn dấu ấn là đình Tân Lân - nơi thờ danh tướng Trần Thượng Xuyên, người có công giúp sức cho chúa Nguyễn ở phương Nam. Đền thờ này được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1991.
Phường Thanh Bình có địa giới là một phần của thôn Bàn Lân/Tân Lân trước đây. Trong lịch sử của Đồng Nai, trên địa phận này có nhiều công sở cấp tỉnh Biên Hòa trước đây, tỉnh Đồng Nai sau này. Vì vậy, có nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), xuân Đại thắng 1975 của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai được ghi dấn ấn quan trọng. Có ba di tích quan trọng trên địa giới của phường gồm: Tòa bố Biên Hòa (di tích cấp tỉnh, xếp hạng năm 1979) nay được chuyển công năng với trụ sở làm việc của Khối Nhà nước tỉnh Đồng Nai, Nhà hội Bình Trước và Quảng trường Sông Phố (di tích cấp quốc gia, xếp hạng năm 1991).
Phường Quyết Thắng trước thuộc thôn Phước Lư, tổng Phước Vinh, huyện Phước Chánh, là vùng đất được khai phá sớm cách đây hơn 3 thế kỷ. Một số tư liệu cho biết, Phước Lư vốn là trung tâm của bộ máy hành chánh thời nhà Nguyễn ở Biên Hòa. Địa phận của phường có nhiều cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo như: đình Phước Lư, thánh thất Cao Đài, chùa Phụng Sơn, nhà thờ Biên Hòa. Đình Phước Lư là công trình kiến trúc khá độc đáo với tín ngưỡng thờ Thần Thành hoàng (di tích cấp tỉnh, xếp hạng năm 2020). Nhà thờ Biên Hòa được xây dựng đầu thế kỷ XX, nay được xây dựng mới với lối kiến trúc hiện đại. Trường Nguyễn Du là trường tiểu học đầu tiên của tỉnh Biên Hòa, tiền thân là École Primaire Complémentaire de Bien Hoa thành lập năm 1897.
Phường Tân Tiến vào đầu thế kỷ XIX thuộc thôn Bình Trước, tổng Phước Vinh, huyện Phước Chánh có nhiều địa danh xưa như Núi Đất, Tân Hiệp, Bàu Hang, Tân Hải. Trên địa bàn có nhiều cơ sở tín ngưỡng tôn giáo như: chùa Phúc Lâm, chùa Phi Lai, chùa Tam Bửu Gia, chùa Già Lam Thiện Sanh, đền Trần Hưng Đạo, đình Trương Công Định, miếu Bà, Tịnh thất Liên Hoa, nhà thờ Bình Hải… Nhà lao Tân Hiệp - diễn ra sự kiện nổi dậy phá khám trong Phong trào Đấu tranh cách mạng năm 1956 là di tích lịch sử quốc gia (xếp hạng 1994).
Phường Tam Hòa có diện tích lớn, nhiều lần được chia tách. Thời nhà Nguyễn, địa phận phường thuộc thôn Vĩnh An, Vĩnh Cửu và trước năm 1975 là 1 ấp thuộc xã Tam Hiệp, quận Châu Thành (sau này là quận Đức Tu năm 1963), tỉnh Biên Hòa. Phường Tam Hòa tách ra một phần thành lập phường Bình Đa (1988), phường Tân Hiệp và phường Long Bình (1994). Trên địa bàn có những cơ sở tín ngưỡng tôn giáo: chùa Hoa Quang, nhà thờ Bùi Thái, nhà thờ Bùi Thượng, nhà thờ Bùi Đức, nhà thờ Trinh Vương.
Các phường trên được giải thể, sáp nhập vào các phường khác có đặc điểm chung là đều thành lập trên vào năm 1976, thuộc nôi ô của Biên Hòa trước đây gắn với danh xưng Bình Trước, Châu Thành, Đức Tu… khá quen thuộc. Địa giới của các phường trước đây gắn với lịch sử thành lập làng cổ và phát triển của các lớp cư dân đến sau, cùng góp phần trong sự phát triển của vùng đất Biên Hòa.
Mỗi danh xưng hành chính gắn với lịch sử của vùng đất và hòa vào trong đời sống của cư dân trong nhiều lĩnh vực. Sứ mệnh của các địa danh hành chính này hoàn thành trong một giai đoạn lịch sử mới nhưng trong dòng chảy của cuộc sống, tên gọi vẫn được truyền lưu không chỉ trong ký ức mà gắn với các thiết chế vật chất hiện hữu trên địa giới như tên gọi khu phố, thôn ấp hay các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, con đường, địa ban dân cư.
Phan Đình Dũng