Ông Lê Nhật Hải, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Xã hội huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) cho biết: Quần thể 17 cây thuộc 5 loài trên địa bàn huyện đảo (5 cây Liên diệp đồng, 4 cây Bàng vuông, 3 cây Phong ba, 3 cây Bàng và 2 cây Mù u) đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp bằng công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Quần thể 17 cây trên đảo Cồn Cỏ đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Ảnh: T.T.
Đây là những loài cây chịu được nắng nóng, khô hạn, gió bão và phát triển tốt trên đất nghèo dinh dưỡng, cung cấp bóng mát, giúp chắn gió, giữ đất, góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường cho huyện đảo.
“Trên nhiều thân cây vẫn còn vết tích của bom đạn. Tuy nhiên, đến nay, Quần thể 17 cây này vẫn đang sinh trưởng tốt. Trong đó, Phong ba là cây gỗ nhỏ cao 3 - 6m, phân cành thấp, nhiều cành mập, cứng và có vỏ màu xám tro.
Những cây Bàng vuông là cây gỗ lớn, cao 15 - 20m, thân thẳng, phân cành lớn, tán rộng và dày. Liên diệp đồng cũng là cây gỗ lớn, cao khoảng 15 - 25m, thân có nhiều u bướu nổi. Có những cây Bàng trên đảo cao 20 - 25m, đường kính đến trên 1m, cành mọc thành từng tầng. Nhiều cây Mù u cao khoảng 25m, đường kính khoảng 1m, xanh tốt quanh năm vừa tạo bóng mát, góp phần phát triển rừng phòng hộ trên đảo”, ông Hải thông tin.
Cũng theo ông Hải, thời gian tới, bên cạnh việc dựng các biển báo chứa thông tin Cây Di sản Việt Nam đối với Quần thể 17 cây đã được công nhận, huyện đảo Cồn Cỏ cũng sẽ triển khai các biện pháp bảo vệ, chăm sóc cây, tạo cảnh quan xung quanh để phục vụ du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm.
Cây xanh trên đảo Cồn Cỏ là điểm tựa cho phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học… Ảnh: Ông Lê Nhật Hải cung cấp.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Võ Viết Cường nhấn mạnh: “Quần thể 17 Cây Di sản Việt Nam là niềm tự hào của địa phương. Điều này góp phần bảo tồn nguồn gen quý của huyện đảo nói riêng và quốc gia nói chung. Đồng thời, thể hiện sự đồng thuận của các cấp, các đơn vị, người dân trong công tác bảo tồn, bảo vệ, phát triển rừng tại huyện đảo. Cây xanh trên huyện đảo nói chung và đặc biệt là 17 Cây Di sản Việt Nam là “cột mốc sống”, khẳng định chủ quyền biển đảo và không phận của quốc gia”.
Ông Võ Viết Cường cho biết thêm, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, hơi muối biển, đất đá khô cằn, thiếu nước ngọt... đã đặt ra những thách thức lớn cho việc bảo vệ và mở rộng diện tích rừng trên địa bàn huyện đảo.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền huyện đảo đã xác định, nhiệm vụ trồng cây, gây rừng là một trong những trụ cột then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo vệ môi trường và chủ quyền biển đảo. Từ các chương trình hỗ trợ như “1 tỷ cây xanh” và nguồn lực địa phương, huyện đã từng bước hình thành được hệ thống cây xanh dọc các trục đường, khu dân cư, công viên, khu vực ven biển, đồng thời, triển khai các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái theo quy hoạch.
Tính đến cuối năm 2024, huyện đảo có 117,84ha diện tích đất có rừng, trong đó, diện tích đủ tiêu chuẩn tính tỷ lệ che phủ đạt 117,32 ha, tỷ lệ che phủ toàn đảo đạt 51,08%.
“Đây là kết quả đáng khích lệ trong điều kiện tự nhiên hết sức đặc thù của một huyện đảo độc lập giữa biển khơi. Đến nay, ngoài vai trò chắn gió, giữ nước, bảo vệ đất, Quần thể 17 Cây Di sản Việt Nam và các khu rừng trên đảo còn là điểm tựa cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giáo dục môi trường và nghiên cứu khoa học. Với hệ thực vật bản địa quý giá, như: Bàng vuông, Phong ba, Mù u, Liên diệp đồng..., rừng trên đảo Cồn Cỏ đang trở thành biểu tượng sống động cho mô hình phát triển hài hòa giữa thiên nhiên và con người, mở rộng không gian phát triển bền vững giữa trùng khơi”, ông Võ Viết Cường nhấn mạnh.
Nghĩa Văn