Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Bắc, khu di tích Cổ Loa thuộc huyện Đông Anh là một trong những minh chứng sống động cho lịch sử, văn hóa và tinh thần sáng tạo của người Việt cổ, gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết mang tính biểu tượng.
Trong bối cảnh xã hội đang không ngừng đổi mới và phát triển, di tích Cổ Loa ngày càng chứng minh giá trị lịch sử và văn hóa quan trọng, là nguồn cảm hứng bất tận và niềm tự hào của dân tộc.
Cổ Loa là kinh đô đầu tiên của nhà nước Âu Lạc, gắn liền với Vua An Dương Vương cùng những câu chuyện truyền thuyết nổi tiếng, như: Nỏ thần Kim Quy và bi kịch tình yêu Mỵ Châu - Trọng Thủy... Thành Cổ Loa có kiến trúc đặc sắc với hệ thống thành lũy hình xoắn ốc độc đáo, gồm ba vòng thành đất dài gần 16km. Đây là minh chứng cho trí tuệ vượt trội của người Việt cổ trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ trước nguy cơ ngoại xâm.
Cổng chính của Đền thờ Vua An Dương Vương hay còn gọi là Đền Thượng vẫn lưu giữ được những nét kiến trúc cổ.
Không chỉ mang giá trị lịch sử, Cổ Loa còn chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa và tâm linh thông qua các công trình tiêu biểu, như: Đền Thượng (đền thờ Vua An Dương Vương), giếng Ngọc gắn với truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy, và cụm đình-am-chùa bên trong thành nội.
Thành nội là khu vực quan trọng nhất, nơi đặt cung điện và các công trình phục vụ Vua An Dương Vương. Thành trung và thành ngoại bao quanh bên ngoài, vừa bảo vệ vừa tạo không gian sinh hoạt và sản xuất cho cư dân. Cùng với đó là Đền Thượng linh thiêng, được xây dựng để tưởng nhớ và tôn vinh Vua An Dương Vương. Hằng năm, người dân khắp nơi đổ về đây dâng hương và cầu nguyện, thể hiện lòng thành kính với vị vua đã sáng lập nên kinh đô Cổ Loa.
Phía trước đền là giếng Ngọc, nơi gắn liền với truyền thuyết Mỵ Châu rửa máu phản bội bằng nước giếng, không chỉ là một điểm tham quan hấp dẫn mà còn là biểu tượng cho sự thanh lọc, sự tha thứ và những bài học lịch sử sâu sắc.
Hằng năm, vào ngày 5 và 6 tháng Giêng, lễ hội Cổ Loa được tổ chức để tưởng nhớ Vua An Dương Vương, là dịp để người dân và du khách tham gia vào các nghi lễ truyền thống, như: Rước kiệu, bắn nỏ, ném còn, cầu khỉ và nhiều trò chơi dân gian khác. Không chỉ là cơ hội để tưởng nhớ những giá trị lịch sử mà đây còn là dịp để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Các trò chơi dân gian như bắn nỏ và ném còn không chỉ mang tính chất giải trí mà còn phản ánh các phương thức chiến đấu và sự khéo léo trong cuộc sống của người xưa.
Khu trải nghiệm bắn nỏ dành cho học sinh.
Bên cạnh các công trình kiến trúc, khu vực còn có nhà trưng bày với hơn 200 hiện vật lịch sử như trống đồng, mũi tên đồng niên đại khoảng 3.500 năm. Những di vật này không chỉ phản ánh trình độ kỹ thuật mà còn là minh chứng sống động cho sự phát triển văn hóa của người Việt qua hàng thiên niên kỷ.
Bà Nguyễn Thị Tám, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, giá trị lớn nhất của di tích Cổ Loa hiện nay không chỉ nằm ở những công trình vật thể, hay phi vật thể mà còn ở khả năng giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho các thế hệ trẻ. “Di tích Cổ Loa là niềm tự hào của nhân dân Đông Anh. Chúng tôi luôn nỗ lực quy hoạch và bảo tồn, hướng tới việc phát triển du lịch văn hóa như một ngành kinh tế mũi nhọn”, bà Nguyễn Thị Tám nhấn mạnh.
Ý thức được giá trị của di tích, chính quyền huyện Đông Anh và Ban quản lý di tích đã triển khai nhiều biện pháp bảo tồn. Từ năm 2018, các hoạt động trải nghiệm, như: Tham quan, học tập ngoại khóa và các trò chơi dân gian đã được tổ chức thường xuyên, giúp học sinh và du khách hiểu thêm về di sản này.
Bà Chu Thị Lương, thành viên Ban quản lý di tích chia sẻ: “Mỗi năm, di tích tổ chức từ 2-3 sự kiện, như triển lãm Cổ Loa - Dấu ấn lịch sử và văn hóa, để quảng bá và giáo dục về giá trị lịch sử của di tích”.
Đầu năm 2024, hồ sơ di tích Cổ Loa đã được đệ trình lên UNESCO để xem xét công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đây là cột mốc quan trọng, khẳng định vị thế quốc tế của Cổ Loa, đồng thời tạo cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài của di tích này.
Bên cạnh đó, các dự án lớn như xây dựng đền thờ Vua Ngô Quyền và công viên di sản cũng đang được triển khai, nhằm biến Cổ Loa thành một trung tâm văn hóa - du lịch có tầm vóc. Chính quyền địa phương còn hợp tác với các trường học để tổ chức lớp học truyền thống, giúp học sinh hiểu hơn về lịch sử địa phương và ý nghĩa của di sản.
Mỗi năm đều có đến hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm Cổ Loa, không chỉ để chiêm ngưỡng cảnh quan mà còn để cảm nhận một phần di sản đã tạo nên bản sắc của người Việt. Với sự đầu tư mạnh mẽ và các nỗ lực bảo tồn, di tích này ngày càng khẳng định vị trí như một bảo tàng lịch sử - văn hóa sống động, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững và kinh tế địa phương.
Cổ Loa không chỉ là minh chứng cho một thời kỳ lịch sử hào hùng mà còn là biểu tượng của trí tuệ và tinh thần bất khuất, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về lòng yêu nước và sự cẩn trọng trước những thách thức thời đại. Với sự chung tay từ chính quyền và nhân dân, giá trị văn hóa của di tích Cổ Loa ngày càng được lan tỏa.
Không chỉ là nơi lưu giữ ký ức, di tích Cổ Loa đang dần chuyển mình trở thành một trung tâm giáo dục văn hóa và lịch sử, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của ngành du lịch địa phương và cả nước. Đây chính là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, khẳng định tinh thần gìn giữ di sản để tiếp thêm động lực cho hành trình xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, tự hào và giàu bản sắc.
Theo qdnd.vn