Di tích Hòn Vọng Phu được gia cố như thế nào trước nguy cơ sụp đổ?

Di tích Hòn Vọng Phu được gia cố như thế nào trước nguy cơ sụp đổ?
2 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Đầu Thanh Tùng vừa ký quyết định về việc ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp bảo tồn, gia cố di tích Hòn Vọng Phu thuộc Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch (núi Nhồi), phường An Hưng, TP Thanh Hóa với tổng mức đầu tư khoảng 17 tỷ đồng, hoàn thành trước ngày 30/4/2025.
Hòn Vọng Phu được gia cố trước nguy cơ sụp đổ.
Mục tiêu đầu tư là đưa ra giải pháp bảo tồn, gia cố, gia cường bảo đảm sự bền vững và ổn định của di tích Hòn Vọng Phu, tạo độ cứng ổn định, chống đỡ được các chuyển dịch dưới bất cứ tác động nào của thời tiết và môi trường xung quanh.
Cụ thể, di tích Hòn Vọng Phu được gia cố, gia cường bằng các sợi thép được chèn vữa SIKA GROUT 214-11, gia cố dọc theo phương đứng của di tích.
Khi bơm vữa SIKA, vữa sẽ chèn vào các vết nứt trên thành lỗ khoan, bao bọc các sợi thép tạo thành những sợi thớ vững chắc chịu kéo và chịu nén nhằm ngăn chặn các vết nứt phát triển, bó các phần tử rời rạc của di tích Hòn Vọng Phu do nứt nẻ, vỡ vụn thành một khối vững chắc không bị tách rời. Thiết kế hệ thống các đường ống khoan rút lõi từ trên đỉnh di tích Hòn Vọng Phu, bố trí các cốt thép trong đường ống và lấp đầy bằng vữa không co ngót SIKA.
Như Chuyên trang Gia đình và Xã hội thông tin, vào đêm 15/6/2022, do xảy ra mưa lớn, sấm sét gây sạt lở di tích Hòn Vọng Phu ở 2 vị trí. Vị trí thứ nhất ở phía tây gần đỉnh Hòn Vọng Phu bị sạt lở khối đá có kích thước khoảng 1m x 3m. Vị trí thứ hai ở phía đông Hòn Vọng Phu, sạt lở khối đá có kích thước rộng 2,5m x dài 3m. Hiện nay các khối đá bị sạt lở đang nằm ngay tại chân Hòn Vọng Phu. Ngoài ra, các tầng đá phía trên Hòn Vọng Phu cũng đã bị nứt, có xu hướng tách ngang, đe dọa sự nguyên trạng của thắng cảnh.
Di tích thắng cảnh Hòn Vọng phu nằm trong cụm Di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch, còn gọi là Vọng phu thạch, là một cột đá cao khoảng 20 m trên núi Nhồi. Cột đá này giống hình người phụ nữ ôm con - hình tượng gắn với truyền thuyết người đàn bà chung thủy chờ chồng đến hóa đá. Hòn Vọng Phu gắn liền với huyền thoại dân gian và đã trở thành một biểu tượng đẹp trong đời sống văn hóa của người dân xứ Thanh.
Thực hiện Quyết định số 983/QĐ, ngày 4/8/1992 của Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Di tích thắng cảnh Hòn Vọng Phu, cùng một số di tích khác nằm trong Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch như Chùa Tiên Sơn (tức chùa Quan Thánh), Chùa Hình Sơn (tức chùa Thánh Mẫu), Đình Thượng (còn gọi là đình Bốn Ban), Lăng Quận Mã (hay lăng Lê Trung Nghĩa) đã được công nhận là di tích Quốc gia.
Ngọc Hưng
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/di-tich-hon-vong-phu-duoc-gia-co-nhu-the-nao-truoc-nguy-co-sup-do-172240921211234031.htm