Học kinh nghiệm giữ an toàn cho lồng bè nuôi cá của một xã ở tỉnh Hải Dương

Học kinh nghiệm giữ an toàn cho lồng bè nuôi cá của một xã ở tỉnh Hải Dương
2 giờ trướcBài gốc
Trước đó vào năm 2015, xã Nam Tân từng có một cụm với khoảng 100 lồng cá bị trôi, vỡ theo dòng nước lũ. Vì vậy khi có thông tin dự báo về siêu bão Yagi, người dân ở đây đã cảnh giác rất cao và chủ động phòng chống từ sớm.
Với kinh nghiệm gia cố chắc chắn, các lồng cá tại xã Nam Tân, Nam Sách (Hải Dương) vẫn an toàn sau bão Yagi. Ảnh: Báo Hải Dương
Ông Trần Văn Đương ở thôn Quảng Tân, xã Nam Tân có 40 lồng cá ở vị trí dòng nước chảy mạnh nhưng 100% số lồng vẫn an toàn sau bão số 3. Theo ông Đương, quan trọng nhất là việc gia cố, buộc neo lồng cá để không bị trôi khi dòng nước dâng cao, lũ chảy xiết. Đáng chú ý, không buộc dây ở đầu lồng cá mà cần buộc ở các khung chính ở giữa các lồng cá.
Ông Đương giải thích nếu buộc ở đầu lồng cá, khi nước chảy xiết, lực cản mạnh có thể xé lồng cá đó rời khỏi cụm. Dây neo phải rải đều ở các vị trí để dàn lực. Ở các vị trí dây neo đi qua khung lồng cá phải buộc, khóa chặt để ghì lồng cá lại.
Ngay từ khi thi công, lắp đặt khu nuôi cá lồng trên sông, người dân xã Nam Tân đã cẩn thận thuê máy móc, thợ lặn đổ cọc bê tông dưới lòng sông để buộc, móc nối các dây neo, cố định vị trí lồng cá. Đầu kia của dây neo buộc vào cọc bê tông chôn sâu khoảng 2m ở bãi sông hoặc buộc vào vị trí chắc chắn.
Đến mùa lũ, người dân ở đây nuôi ít cá, mật độ vừa phải, chủ động thu hoạch trước bão. Các lồng không có cá thì kéo lưới lên để giảm lực cản của dòng chảy. Mùa mưa bão, người nuôi cá đặt các bao đất, can đựng đất ở đầu lồng cá để ghì xuống, không để lồng cá nổi lên cao, nước chảy xô lưới làm cá bị hạn chế không gian, va vào nhau dẫn đến xơ cá, chết cá.
Hệ thống dây neo buộc chắc chắn phía dưới lồng cá giúp giảm tác động của bão lũ. Ảnh: Báo Hải Dương
UBND xã Nam Tân cùng các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, trực tiếp hỗ trợ người dân gia cố bảo vệ lồng cá; yêu cầu các lồng còn nuôi cá thì kéo tráng lên (loại lưới có mắt nhỏ để khi cho cá ăn thì thức ăn vẫn giữ lại trong lồng cá), chỉ để lại lưới mắt to giữ cá cũng góp phần giảm thiểu thiệt hại.
Theo kinh nghiệm của nông dân xã Nam Tân, trong mùa bão lũ cần thường xuyên kiểm tra vị trí đầu lồng cá xem có bèo, cây cối, vật thể theo dòng chảy mắc vào không, nếu có thì vớt lên ngay. Nếu để tụ lại sẽ cản dòng nước và dồn nén, xô gãy lồng cá. Khi phát hiện rác mắc vào lồng cá phải vớt lên chứ không được gỡ ra, vứt xuống nước sẽ theo dòng nước đến các hộ phía sau.
Sông Hồng
Nguồn Kinh tế Môi trường : https://kinhtemoitruong.vn/hoc-kinh-nghiem-giu-an-toan-cho-long-be-nuoi-ca-cua-mot-xa-o-tinh-hai-duong-93448.html