Di tích lịch sử 'Nhà Bác Hồ' - Nơi bắt đầu hành trình vĩ đại

Di tích lịch sử 'Nhà Bác Hồ' - Nơi bắt đầu hành trình vĩ đại
8 giờ trướcBài gốc
Không rầm rộ, không hoa mỹ, nơi đây mang trong mình một giá trị văn hóa lịch sử sâu sắc, là “địa chỉ đỏ” quan trọng với người dân thành phố mang tên Bác. Theo các tài liệu lịch sử, cuối năm 1910, Nguyễn Tất Thành - người thanh niên yêu nước sau này trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ Phan Thiết vào Sài Gòn với khát vọng lớn lao: Tìm con đường giải phóng dân tộc.
Được sự hỗ trợ của tổ chức Liên Thành thương quán, Người tạm trú tại căn nhà số 1-2-3 Quai Testard (nay là số 5 đường Châu Văn Liêm). Trong 9 tháng ở đây, Người đã sống và làm việc với tên Nguyễn Văn Ba, tham gia các công việc như học nghề ở trường thợ máy, bán báo tại cảng và lặng lẽ tìm hiểu đời sống người lao động Nam Kỳ, chuẩn bị cho một hành trình dài phía trước.
Không gian để các đoàn đến thắp hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vào các dịp lễ lớn.
Đến ngày 5/6/1911, từ bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành bước lên tàu Latouche-Tréville với vai trò phụ bếp, chính thức bắt đầu hành trình hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Ngôi nhà nhỏ giữa lòng Chợ Lớn ấy đã trở thành điểm khởi đầu cho một lý tưởng vĩ đại.
Những hình ảnh gắn với gia đình và tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Căn nhà được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1988, ngày nay được gọi một cách gần gũi là “Nhà Bác Hồ”. Trải qua nhiều đợt trùng tu, lần gần nhất vào năm 2019, ngôi nhà vẫn giữ nguyên nét kiến trúc cổ xưa bên ngoài, trong khi không gian bên trong được bố trí trang trọng, đúng với tinh thần mộc mạc mà lịch sử nơi đây gợi lại.
Hành trình vĩ đại đi tìm đường cứu nước của Hồ Chủ tịch.
Chị Nguyễn Thị Trâm Anh, nhân viên Ban Quản lý di tích thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao Quận 5 chia sẻ: “Nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ rất bất ngờ khi biết giữa khu Chợ Lớn náo nhiệt lại có một nơi ghi dấu thời gian Bác Hồ từng sinh sống và làm việc. Điều chúng tôi mong muốn là mỗi lượt khách đến đây không chỉ tham quan mà thực sự cảm nhận được tinh thần của Người - một thanh niên yêu nước tuy sống giản dị trong một ngôi nhà nhỏ nhưng mang trong mình khát vọng lớn cho dân tộc”.
Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, nơi Bác đã ở 9 tháng trước khi ra đi tìm đường cứu nước.
Theo chị Trâm Anh, thời gian gần đây, việc ứng dụng công nghệ mã QR tại di tích đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Mã QR đa ngôn ngữ (Việt - Anh - Trung) giúp khách tham quan nhanh chóng truy cập các nội dung như tiểu sử Bác Hồ giai đoạn Sài Gòn, tư liệu ảnh quý, video thuyết minh và bản đồ các “địa chỉ đỏ” xung quanh.
Những bức hình quý trên hành trình cứu nước của Hồ Chủ tịch.
“Việc số hóa nội dung không chỉ giúp du khách tiếp cận thông tin nhanh chóng mà còn đặc biệt hữu ích với học sinh, sinh viên, góp phần giáo dục truyền thống hiệu quả hơn”, chị Trâm Anh cho biết thêm.
"Nhà Bác Hồ" là nơi các thế hệ trẻ tìm đến để tìm hiểu, học tập.
Không chỉ là điểm đến lịch sử, “Nhà Bác Hồ” còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa: Thắp hương tưởng niệm vào các ngày lễ lớn như 3/2, 30/4, 19/5; tổ chức lễ kết nạp Đảng cho đoàn viên ưu tú; đặc biệt, thường xuyên được đưa vào chương trình "Hành trình công dân đến với lịch sử văn hóa", do Trung tâm Văn hóa Quận 5 tổ chức.
Chị Trâm Anh, nhân viên Ban Quản lý di tích thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao Quận 5 hướng dẫn cách quét mã QR để thấy thông tin về "Nhà Bác Hồ".
Đáng chú ý, khu trưng bày của di tích cũng được bổ sung nhiều hiện vật có giá trị như bộ đồ kaki trắng, dép nhựa, điện thoại từng gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh, những hiện vật giản dị nhưng chứa đựng chiều sâu tinh thần cách mạng và phong cách sống gần gũi của Người.
Bộ đồ kaki trắng, dép nhựa, điện thoại, những kỷ vật giản dị từng gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong lòng thành phố hiện đại, căn nhà số 5 Châu Văn Liêm lặng lẽ nhắc nhớ về một khởi đầu giản dị nhưng đầy ý chí. Di tích nhỏ bé ấy là chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử đặc biệt, khi một người thanh niên Việt Nam mang theo giấc mơ giải phóng dân tộc, khởi hành từ nơi này để làm thay đổi vận mệnh của cả một đất nước.
Hình ảnh "Nhà Bác Hồ" (khu vực khoanh đỏ) vào những năm đầu thế kỷ XX.
"Nhà Bác Hồ" luôn được mở cửa và có người hướng dẫn, thuyết minh cho khách tham quan. Theo dòng chảy thời gian, di tích này càng có sức lan tỏa hơn, trở thành niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tin, ảnh: Hương Trần/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/van-hoa/di-tich-lich-su-nha-bac-ho-noi-bat-dau-hanh-trinh-vi-dai-20250513123421169.htm