Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với một số địa phương lân cận của hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang, tỉnh Bắc Kạn vinh dự có hai huyện Chợ Mới và Chợ Đồn nhận nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn là ATK của cuộc kháng chiến.
Du khách tham quan di tích Nà Pậu nơi Bác Hồ từng sống và làm việc năm 1951.
Mảnh đất này được đón nhận, che chở cho các cơ quan Trung ương và các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước. Trong thời gian từ năm 1947 đến 1951, Bác Hồ đã ở và làm việc tại Bản Ca, Nà Quân (xã Bình Trung), Nà Pậu (xã Lương Bằng). Huyện Chợ Đồn còn chứng kiến sự có mặt của đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở Khuổi Linh (xã Nghĩa Tá); Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở đồi Khau Mạ (xã Lương Bằng); xóm Nà Quân (xã Bình Trung) được chọn làm điểm đặt hội trường Trung ương Đảng trong các năm từ 1947 đến 1952, là nơi diễn ra Hội nghị tổng kết Chiến dịch biên giới.
Trong khoảng thời gian từ năm 1947 đến 1952, hầu hết các cơ quan Trung ương đã đóng ở huyện Chợ Đồn như: Đài Tiếng nói Việt Nam, Cơ quan Vô tuyến điện, Nha kỹ thuật quân sự, Trường Quân chính, Xưởng quân giới, Xưởng in báo Cứu Quốc, Trạm phẫu thuật quân y...
Khu làm việc của đồng chí Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng
Trong hành trình về nguồn, du khách không thể không ghé thăm di tích lịch sử Nà Pậu. Năm 1947, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quay trở lại Việt Bắc, cái nôi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trước những cuộc càn quét, khủng bố của kẻ thù; Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải di chuyển tới nhiều địa điểm khác nhau trong vùng ATK kháng chiến để hoạt động. Trong thời gian từ năm 1950 đến năm 1951, Trung ương Đảng đã chọn khu vực Nà Pậu thuộc Bản Thít, nay là thôn Nà Tẳng, xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn để dựng lán làm việc và cũng là nơi ở cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Văn phòng Phủ Chủ tịch. Vẫn còn đây chiếc lán nhỏ đơn sơ làm bằng tranh tre lá nứa nằm khuất dưới tán cây rừng. Cách lán Bác ở 100 m về phía sườn đồi có cây đa, tảng đá bên cạnh dòng suối trong mát nơi Bác thường tắm giặt, nghỉ ngơi và câu cá. Điểm dừng chân cuối cùng là Nhà trưng bày được xây dựng dưới chân đồi Nà Pậu.
Trong thời gian ở Nà Pậu, Bác đã viết nhiều bức thư, điện mừng gửi tới các cơ quan, đoàn thể trong và ngoài nước và ban hành nhiều quyết định, chỉ thị quan trọng góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta tới thắng lợi như: Bác gửi thư cho Đại hội trù bị toàn quốc lần thứ II của Đảng nêu rõ 2 vấn đề trọng tâm cần thảo luận là đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam.
Đài tưởng niệm di tích Khuổi Linh.
Bác ký quyết định khen thưởng các đơn vị bộ đội đã chiến thắng trong chiến dịch Trung Du và Đông Bắc đồng thời gửi 4 lá cờ danh dự để trao tặng cho các đơn vị bộ đội đạt nhiều thành tích và lập nhiều chiến công xuất sắc.
Bác ký quyết định thả 119 tù binh Âu Phi, đồng thời ra chỉ thị cấp phát quần áo, bảo vệ an toàn cho nhóm tù binh này khi về nước.
Bác gửi thư cho Nha bình dân học vụ và thông báo Nha được thưởng Huân chương Kháng chiến, đồng thời nhắc nhở: “Phải làm thế nào trong thời gian gần đây, tất cả các đồng bào Việt Nam từ 8 tuổi trở lên đều phải biết đọc chữ, biết viết”. Tại nơi đây vào cuối tháng 1/1951, Bác đã viết thơ chúc Tết Tân Mão gửi đồng bào cả nước đăng trên báo Cứu quốc và đón xuân Tân Mão với bà con nhân dân các dân tộc huyện Chợ Đồn.
Chiều 7/2/1951, Bác rời Nà Pậu lên đường đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang).
Cách không xa Nà Pậu là di tích lịch sử Khuổi Linh thuộc Thôn Nà Đeng, xã Nghĩa Tá. Đây là nơi ở và làm việc của đồng chí Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng năm 1950-1951. Bước sang năm 1949, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn mới, đó là chuẩn bị tổng phản công, để nhanh chóng đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Trước tình hình trên, đề phòng địch phản kháng điên cuồng đánh vào trung tâm cơ quan đầu não của ta. Trung ương Đảng đã bí mật xây dựng khu căn cứ dự phòng thuộc địa phận phía Nam Chợ Đồn. Tháng 8/1950, khi ta chuẩn bị mở chiến dịch Biên giới, đồng chí Trường Chinh đã cùng với cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng di chuyển từ Phú Đình (Định Hóa) lên Khuổi Linh. Đây là địa điểm gần với Nà Pậu, nơi ở và làm việc của Bác Hồ, địa điểm Đồi Khau Mạ, nơi ở và làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng và Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng ở Nà Phầy, xã Bình Trung... Tại đây đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo chiến dịch Biên giới năm 1950 cho tới ngày thắng lợi, đồng thời làm công tác chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ II. Sau khi địch rút khỏi Thái Nguyên, mối đe dọa vùng ATK không còn nữa, đồng chí lại cùng với cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng trở về nơi ở cũ.
Với giá trị lịch sử quan trọng đó, các điểm di tích lịch sử trong quần thể di tích Quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn từ lâu đã trở thành địa chỉ đỏ của du khách trong hành trình về nguồn thăm quan di tích lịch sử, từ đó bồi đắp truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng của cha ông cho muôn đời sau.
Văn Anh