Bà Phạm Thị Lâm (SN 1962), trú tại bản Cáo, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) là người phụ nữ dân tộc Chứt luôn đau đáu với văn hóa của cộng đồng. Bà lưu giữ những lời ca, điệu nhạc ngân nga của các thế hệ trước và cũng sáng tác thêm một số bài hát cho cộng đồng từ vốn văn hóa được bảo tồn.
Nhưng trên các sân khấu biểu diễn, niềm vui của bà vẫn chưa thật trọn vẹn khi nỗi băn khoăn về một bộ trang phục mang bản sắc văn hóa riêng chưa có. “Dân tộc chúng tôi có áo quần thông thường. Ngày lễ hội, Tết đến thì có âu phục, hoặc mua trang phục của các dân tộc khác rồi về mang. Nhưng buồn nhất là trong ngày hội các dân tộc của đất nước, dân tộc Chứt không có trang phục mang bản sắc văn hóa riêng, từ đó cũng không thể tham dự một cách trọn vẹn và dường như thiếu mất trong màu sắc của 54 dân tộc Việt Nam”, bà Phạm Thị Lâm chia sẻ.
Trong các ngày lễ hội, đồng bào dân tộc Chứt vẫn thiếu trang phục truyền thống
Không chỉ tại các ngày hội của đồng bào dân tộc cả nước, mà trong ngày hội của địa phương với sự góp mặt của đồng bào dân tộc khác, nhiều thanh niên, bậc niên lão của đồng bào Chứt cũng không khỏi tâm tư.
“Bà con trong năm thường mong đến ngày Hội rằm tháng ba hay Lễ hội đập trống của cộng đồng bạn. Nhưng thanh niên, đàn ông chỉ biết mang áo sơ mi trắng, so với dân tộc khác có màu áo riêng, cũng cảm thấy thiệt thòi và thiếu đi tính kết nối giữa bà con”, Phó Chủ tịch xã Tân Trạch Đinh Chai, huyện Bố Trạch, cho biết.
Tộc người Chứt là một trong những dân tộc có dân số ít dưới 10.000 người ở nước ta, cư trú chủ yếu tại vùng núi đá vôi phía Tây tỉnh Quảng Bình và một phần miền núi tỉnh Hà Tĩnh. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng, trang phục truyền thống của người Chứt bao gồm áo, khố được làm từ vỏ cây rừng, lá rừng, hoặc một số da động vật, nhưng nay khó có thể ứng dụng.
Lắng nghe tâm tư của cộng đồng dân tộc Chứt, các nhà khoa học, nhà quản lý Viện Dân tộc học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và ngành văn hóa tỉnh Quảng Bình đã quyết tâm cùng bà con định hình nên trang phục của mình. Đặc biệt, việc lựa chọn cách tiếp cận phù hợp là cần thiết để sản phẩm trang phục được cộng đồng đón nhận. Trong đó, người Chứt là chủ thể chính trong quá trình định hình nên bộ trang phục của dân tộc mình; ý kiến của cộng đồng được đặt lên hàng đầu. Theo TS. Trần Hồng Thu, Viện Dân tộc học, đoàn đã khảo sát ý kiến người dân để lấy cơ sở cho việc bắt đầu hành trình vẽ nên màu áo, phác thảo họa tiết cho bộ trang phục.
Các nhà khoa học liên tục lấy ý kiến của người dân về nguyện vọng và quá trình hình thành trang phục truyền thống
Trong bối cảnh hội nhập, trang phục của đồng bào Chứt chủ yếu là áo quần thông thường và của dân tộc khác
“Cộng đồng dân tộc Chứt đều rất mong muốn có một bộ trang phục mang bản sắc văn hóa riêng. Trong suốt quá trình triển khai nghiên cứu, nhu cầu, nguyện vọng, lựa chọn và đề xuất của người dân mới có ý nghĩa quyết định. Nhà nghiên cứu, nhà quản lý chỉ đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ”, TS. Trần Hồng Thu cho biết.
Sau đó, các nhà khoa học đã nhiều lần ngược lên vùng cao để lấy ý kiến người dân, từng bước một hoàn thành 3 bộ trang phục dựa vào 5 màu trang trí, là những nét đặc trưng về văn hóa, tập tục, thị hiếu, nét sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Chứt. Trong đó, họa tiết thêu xanh là biểu tượng cho lá cây rừng, loài cây gắn bó với đời sống của người dân.
Màu sắc chủ đạo của bộ trang phục là sắc đen, được cho là xuất phát từ điều kiện sinh sống từ thời xa xưa khi cư trú chủ yếu tại vùng núi đá vôi phía Tây tỉnh Quảng Bình, đồng thời phù hợp với sản xuất, sinh hoạt hiện nay.
Ba bộ trang phục truyền thống của dân tộc Chứt được định hình
Đồng bào dân tộc Chứt phấn khởi khi sắp có bộ trang phục truyền thống mang bản sắc văn hóa riêng
Trong bối cảnh của hội nhập, hòa nhập, hàng viện trợ, trang phục phổ thông theo kiểu người Kinh ngày càng phổ biến trong lớp thanh thiếu niên và trung niên ở tất cả các nhóm địa phương của dân tộc Chứt; thậm chí gần đây, trong các sinh hoạt cộng đồng, người Chứt ở một số nơi còn sử dụng trang phục truyền thống của một số tộc người thiểu số ở miền núi phía Bắc, tự đặt mua tại các khu du lịch hoặc thông qua các trang mạng xã hội; việc định hình một trang phục riêng cho cộng đồng dân tộc Chứt vô cùng có ý nghĩa; khẳng định quyền bình đẳng của các dân tộc, trong đó có bình đẳng về văn hóa - một sự khẳng định quan trọng, rõ ràng của thể chế chính trị trong việc công nhận quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong một quốc gia thống nhất.
Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam Lâm Bá Nam cho rằng, những kết quả từ định hình trang phục dân tộc góp phần thực hiện chủ trương, định hướng của Nhà nước về quyền bình đẳng văn hóa giữa các dân tộc, về “Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số có dân số ít người”; khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người Chứt trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Ngắm nhìn ba bộ trang phục được định hình, trình diễn tại Hội thảo khoa học “Trang phục dân tộc Chứt: nhu cầu, cách tiếp cận và định hình” mà đồng bào sẽ chọn một, bà Phạm Thị Lâm không khỏi vui mừng, phấn khởi. Bà cùng những đại biểu của cộng đồng dân tộc mình dường như đã chọn được bộ trang phục yêu thích nhất với các chi tiết gần gũi, hợp lý cho đời sống sinh hoạt hằng ngày.
“Có dự án 6 giúp chúng tôi bảo tồn các dân ca, làn điệu,… nay, phấn khởi rằng đồng bào Chứt có thể góp phần định hình bộ trang phục của mình, và mong sớm nhất là dịp Tết Nguyên đán 2025 sắp đến cũng như các ngày lễ hội, đồng bào chúng tôi sẽ khoác lên bộ áo quần thể hiện bản sắc của mình”, bà Phạm Thị Lâm chia sẻ.
Khánh Trinh