Tiềm năng kinh tế
Đi dọc tuyến đường từ trung tâm Mường Lạn đến các bản không khó để gặp hình ảnh những đàn vịt bơi lội ở khe suối, mương nước. Đây là hình thức chăn thả mà người dân nơi đây đã duy trì từ bao đời. Ở một số hộ có điều kiện hơn, vịt được nuôi bán chăn thả quanh nhà, dưới ao với các loại thức ăn chủ yếu là thóc, ngô, thân cây chuối và tuyệt đối không sử dụng cám công nghiệp.
Bà Lường Thị Vấn, bản Co Sản, xã Mường Lạn chia sẻ: Ở đây hầu như nhà nào cũng nuôi vịt, có nhà nuôi nhiều, có nhà nuôi ít, tùy theo điều kiện. Vịt được thả ngoài suối, ăn thóc, rau là chính nên thịt chắc, thơm, ai ăn rồi cũng khen ngon. Mỗi năm tôi nuôi hai lứa, khoảng 100 - 150 con, chủ yếu bán trong xã hoặc bán cho bà con vùng lân cận.
Theo bà Vấn, việc nuôi vịt cổ ngắn ở Mường Lạn không phải do ai hướng dẫn mà xuất phát từ thói quen sản xuất lâu năm, gắn bó với điều kiện sẵn có của địa phương. Vừa tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, vừa phù hợp với tập quán chăn nuôi truyền thống, dễ tiêu thụ nên người dân duy trì nghề này như một nguồn thu nhập ổn định nhiều năm qua.
Các món ăn chế biến từ vịt cổ ngắn là đặc sản đối với người dân Mường Lạn và các vùng lân cận.
Không chỉ khác biệt ở cách nuôi thả và điều kiện tự nhiên, vịt cổ ngắn ở Mường Lạn còn đặc trưng bởi thời gian sinh trưởng dài hơn so với các giống vịt siêu nạc. Nếu vịt nuôi công nghiệp cần 45 - 60 ngày là xuất bán thì với giống vịt cổ ngắn, người dân Mường Lạn phải nuôi từ 4 - 5 tháng mới cho thu hoạch. Tuy mất nhiều thời gian và công chăm sóc, nhưng bù lại ít mỡ, vị ngọt đậm, không bị bở. Nhờ chất lượng vượt trội, vịt cổ ngắn Mường Lạn luôn được thị trường ưa chuộng, giá bán thương phẩm ổn từ 100.000 - 130.000 đồng/kg.
Loay hoay khẳng định giá trị
Dù có tiềm năng, nhưng đến nay, việc xây dựng thương hiệu cho giống vịt cổ ngắn Mường Lạn vẫn chỉ dừng ở kỳ vọng. Vịt chủ yếu được tiêu thụ trong xã hoặc các vùng lân cận. Nguyên nhân là do người nuôi tự phát, nhỏ lẻ chưa có liên kết. Sản phẩm cũng chưa được gắn nhãn, truy xuất nguồn gốc... điều này khiến khả năng cạnh tranh trên thị trường bị hạn chế. Chưa kể thời gian qua, đã phát hiện một số hộ dân đưa vịt từ nơi khác vào xã rồi lấy thương hiệu vịt cổ ngắn bán với giá cao khiến người mua bị nhầm lẫn; ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và uy tín sản phẩm vịt của địa phương.
Dù có tiềm năng về kinh tế nhưng người dân Mường Lạn chưa mở rộng quy mô chăn nuôi giống vịt cổ ngắn bản địa.
Ông Vũ Tiến Thặng, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lạn cho biết, vịt cổ ngắn là đặc sản của người dân nơi đây. Song, hiện nay chưa có hợp tác xã hay đơn vị đầu mối nào đứng ra tổ chức sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi. Người dân nuôi manh mún, nhỏ lẻ, không đồng đều về quy trình dẫn tới không đủ điều kiện để đăng ký nhãn hiệu.
Nhằm hỗ trợ người dân tạo dựng thương hiệu cho vịt cổ ngắn, đầu năm 2024, chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng chăn nuôi vịt thương phẩm trên địa bàn xã Mường Lạn với 30 hộ tham gia. Sau 4 tháng thực hiện dự án, 3.000 con vịt được người dân chăm sóc đạt kết quả cao, trong đó, tỷ lệ sống gần 93%; cân nặng trên 2kg/con.
Bà Tòng Thị Phương, bản Hua Ná chia sẻ: Tham gia dự án, chúng tôi được hỗ trợ giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh. Cách nuôi thay đổi hẳn, vịt khỏe mạnh, lớn nhanh, tỷ lệ sống cao, bán ra thị trường cũng thuận lợi hơn vì được cán bộ theo dõi, giúp đỡ thường xuyên. Người dân chúng tôi yên tâm hơn nhiều khi chăn nuôi theo hướng này. Riêng gia đình tôi đã mở rộng quy mô gần 200 con/năm.
Vịt cổ ngắn Mường Lạn được nuôi thả tự nhiên nên chất lượng thơm, ngon, được nhiều người ưa chuộng.
Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trong chăn nuôi vịt thương phẩm bước đầu đã mở ra kỳ vọng cho người dân xã Mường Lạn về khả năng nhân rộng mô hình, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Đặc biệt, với mục tiêu từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hiện nay cấp ủy, chính quyền xã Mường Lạn đang chủ động thực hiện đúng, đủ các chu trình OCOP, trên cơ sở nguyên tắc: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ. Trong đó, việc phát triển sản phẩm vịt cổ ngắn theo hướng hàng hóa, gắn với xây dựng thương hiệu là một trong những hướng đi được ưu tiên.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, đơn vị chuyên môn để củng cố, mở rộng mô hình chăn nuôi vịt cổ ngắn theo hướng hàng hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn OCOP. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giống vật nuôi đặc hữu mà còn tạo sinh kế bền vững, giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo...” - ông Vũ Tiến Thặng, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lạn cho biết.
Quang Long