Sau sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều công sở, nhà đất dôi dư, chủ yếu là UBND cấp xã. Ảnh minh họa
Đôn đốc kịp thời
Sau sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021, có rất nhiều cơ sở nhà, đất dôi dư tại các địa phương. Nhiều cơ sở nhà, đất là các trụ sở cơ quan nhà nước nhiều năm không được sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng hoặc bị bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn cho nguồn lực của Nhà nước. Đặc biệt, hiện nay cả nước tiếp tục thực hiện sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính, sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp (tỉnh, huyện, xã) thì số lượng các cơ sở nhà, đất dôi dư tiếp tục tăng lên.
Để giải quyết triệt để vấn đề lãng phí tài sản công, nhất là nhà, đất, trụ sở công, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá những công trình, trụ sở công dôi dư để lên phương án đầu tư, sử dụng hiệu quả, kịp thời tháo gỡ hoặc có thể nghiên cứu ban hành các cơ chế đặc thù đối với một số tài sản cụ thể để phát huy nguồn lực.
Báo cáo tiến độ xử lý trước ngày mùng 5 của tháng đầu quý sau
Tại Công văn số 2950/BTC-QLCS của Bộ Tài chính cũng quy định, định kỳ hàng quý (trước ngày mùng 5 của tháng đầu quý sau) hoặc theo yêu cầu của Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương có văn bản báo cáo tiến độ, kết quả xử lý đối với tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Ngày 14/3 vừa qua, Bộ Tài chính đã có Công văn số 2950/BTC-QLCS đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh rà soát, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích theo Công điện số 125/CĐ-TTg ngày 1/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại công văn, Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, ngành địa phương xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý đối với tài sản công là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý để quyết định xử lý và tổ chức xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không để lãng phí, thất thoát tài sản công.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã lưu ý các bộ, ngành, địa phương xác định cụ thể tiến độ thời gian thực hiện từng khâu (lập, phê duyệt phương án, quyết định xử lý, tổ chức thực hiện...) và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, cá nhân có liên quan; thường xuyên cập nhật các cơ sở nhà, đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích phát sinh mới để bổ sung vào kế hoạch.
Địa phương khẩn trương thực hiện
Thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương đã rốt ráo vào cuộc. Đơn cử như tại Thanh Hóa, sau sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021, trên địa bàn tỉnh có nhiều công sở, nhà đất dôi dư, trong đó, chủ yếu là trụ sở UBND cấp xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn.
Từ năm 2024 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt điều chuyển 6 cơ sở nhà, đất; chuyển giao 4 cơ sở nhà, đất của các đơn vị y tế về huyện quản lý và điều chỉnh phương án sắp xếp 4 trụ sở. Tuy nhiên, con số này còn khá khiêm tốn khi Thanh Hóa vẫn còn gần 500 công sở, nhà đất dôi dư đang bỏ hoang, lãng phí.
Để phát huy hiệu quả nguồn lực nhà, đất công, tỉnh Thanh Hóa đang đề xuất giải pháp điều chỉnh mục đích sử dụng cơ sở nhà, đất dôi dư theo quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; đồng thời chuyển đổi công năng, bố trí cho các đơn vị có nhu cầu hoặc phục vụ cộng đồng dân cư.
Theo số liệu báo cáo cuối năm 2024 của Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình, qua rà soát tài sản công là nhà, đất (trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp) không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, hoặc sử dụng không đúng mục đích, hiện trên địa bàn tỉnh còn 259 cơ sở. Trong đó, có 201 cơ sở nhà, đất không sử dụng; 58 cơ sở nhà, đất sử dụng kém hiệu quả.
Để xử lý, tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước đẩy mạnh việc rà soát, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích.
Tỉnh Hòa Bình yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng, ban hành kế hoạch chi tiết xử lý đối với tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả; đồng thời phải thường xuyên cập nhật các cơ sở nhà, đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích phát sinh mới vào kế hoạch. Tỉnh cũng yêu cầu thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch, kịp thời xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong việc xử lý nhà, đất này…
Tương tự các tỉnh, thành phố trong cả nước, ngoài việc yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm túc Công điện số 125/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hà Nội cũng vừa ban hành công văn giao nhiệm vụ thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 03/2025/NĐ-CP.
Theo đó, đối với cơ sở nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quận, huyện, thị xã (bao gồm cả nhà, đất trên địa bàn tỉnh, thành phố khác), thì đơn vị sở hữu có trách nhiệm lập báo cáo kê khai và đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất gửi UBND quận, huyện, thị xã. Đối với cơ sở nhà, đất của bộ, cơ quan trung ương, địa phương khác trên địa bàn, UBND TP. Hà Nội giao Sở Tài chính và các sở ngành liên quan phối hợp với cơ quan chủ trì kiểm tra hiện trạng nhà, đất của bộ, ngành, địa phương khác trong quá trình thực hiện kiểm tra hiện trạng nhà, đất.
Bộ Tài chính xây dựng phương án xử lý tài sản dôi dư sau khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính
Hiện cả nước có 696 đơn vị hành chính cấp huyện. Hà Nội dẫn đầu với 30 đơn vị, tiếp đến là Thanh Hóa (26), TP. Hồ Chí Minh (22), Nghệ An (20), Quảng Nam và Gia Lai (17). Đắk Lắk, Hải Phòng, Kiên Giang và Long An mỗi địa phương 15 đơn vị.
Theo ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, việc hợp nhất hoặc chuyển giao nhiệm vụ giữa các đơn vị sẽ dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cục bộ về cơ sở vật chất và trụ sở. Theo quy định, trụ sở cũ không còn nhu cầu sử dụng có thể được thu hồi, điều chuyển cho đơn vị khác hoặc chuyển giao cho địa phương quản lý, xử lý. Ngoài ra, trụ sở và quỹ đất này có thể được chuyển giao cho các tổ chức kinh doanh nhà ở của địa phương để khai thác.
Ông Thịnh cho biết, Bộ Tài chính đang chủ động xây dựng phương án xử lý tài sản dôi dư sau khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Phương án này bao gồm việc chuyển giao và quản lý tài sản nhằm đảm bảo tính chủ động. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng điều chỉnh các văn bản pháp luật liên quan đến sử dụng tài sản công để phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy và hệ thống chức danh mới.
Ông Thịnh cũng nhấn mạnh đến việc Bộ Tài chính sẽ theo dõi sát sao tiến trình sắp xếp và sẽ trình các cấp có thẩm quyền ban hành quy định ngay sau khi phương án tổ chức bộ máy được phê duyệt. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành và địa phương bố trí, sử dụng và xử lý tài sản dôi dư hiệu quả.
Hạnh Thảo