Ngày 26-12, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024.
Một số dịch bệnh truyền nhiễm tăng cao
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, dại, sốt xuất huyết, bạch hầu có số ca mắc tăng cao tại một số địa phương.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại hội nghị phòng chống bệnh truyền nhiễm. Ảnh: T.T
Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng bệnh sởi tăng là do tỉ lệ tiêm chủng vaccine thấp, thủ tục mua sắm, đấu thầu, đặt hàng vaccine kéo dài khiến trẻ không được tiêm phòng đầy đủ. Bên cạnh đó, công tác rà soát, thống kế tiêm phòng chưa sát thực tế, nhất là ở các đô thị lớn.
Bệnh dại có số tử vong cao với gần 100 người, lý do là việc quản lý đàn chó, mèo chưa tốt, tỉ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo thấp (dưới 50%). Ngoài ra, tình trạng chó, mèo thả rông, không đeo rọ mõm nhiều trong khi nhiều người chủ quan không tiêm phòng dại khi bị chó, mèo cắn.
Còn nguyên nhân sốt xuất huyết tăng cao tại một số địa phương là do biến đổi khí hậu, không thông tin kịp thời khi có người mắc bệnh, khi xuất hiện các ổ dịch.
Tiêm vaccine là biện pháp quan trọng trong phòng bệnh truyền nhiễm. Ảnh: T.P
Đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm còn nhiều khó khăn do diễn biến khó lường, nhiều nguy cơ bùng phát bệnh dịch, bệnh mới nổi, tái nổi, bệnh chưa rõ nguyên nhân.
Cạnh đó là tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; kinh phí cho phòng, chống dịch hạn chế, có nơi còn chậm. Khâu giám sát, dự báo dịch bệnh, năng lực xét nghiệm tại địa phương còn hạn chế, ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao…
Dự báo năm 2025 dịch bệnh diễn biến phức tạp
Cục Y tế dự phòng dự báo bệnh sởi và một số bệnh dự phòng bằng vaccine có nguy cơ gia tăng cả số ca mắc và số nhập viện. Dự báo năm 2025, tình hình bệnh truyền nhiễm còn diễn biến phức tạp. Trong đó, sốt xuất huyết là thách thức y tế công cộng trên phạm vi toàn cầu với các yếu tố nguy cơ do biến đổi khí hậu, giao thương, du lịch phát triển, đô thị hóa, di dân gia tăng và sự đa dạng các vật chứa mầm bệnh, kiểm soát véc-tơ hạn chế.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, nhận định mối lo ngại lớn nhất là sốt xuất huyết, cũng như cúm mùa, vì đã có nhiều ca tử vong ở những người có bệnh nền hay phát hiện muộn. Bệnh cúm tăng ở một số địa phương nhưng tỉ lệ tử vong giảm, do phân tuyến cách ly, điều trị tại chỗ tốt.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, phát biểu tại hội nghị phòng chống bệnh truyền nhiễm. Ảnh: T.T
Ông Khoa cũng cho hay kết quả điều trị bệnh dịch của Việt Nam có tỉ lệ tử vong thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á nhờ kinh nghiệm lâm sàng, nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện của các chuyên gia.
“Không có ca tử vong về bệnh tay chân miệng trong năm qua là một thành công nhờ đưa ra các sáng kiến điều trị để phát hiện sớm dấu hiệu và ứng dụng thuốc, lọc máu để hạn chế tử vong. Tuy nhiên, tay chân miệng vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào” - ông Khoa nhấn mạnh.
Ông Khoa cho biết thêm, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã chủ động cập nhật hướng dẫn, chỉ đạo phân tuyến phân luồng, thu dung, cách ly điều trị, phân loại nguy cơ để hạn chế lây lan và tử vong.
Chiến lược phòng, chống dịch bệnh hiệu quả
Để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trong thời gian tới, sở y tế các địa phương cần chủ động kế hoạch về giường bệnh, nhân lực, tập huấn, bảo đảm thuốc cho các dịch bệnh xảy ra hàng năm trên địa bàn.
Ngoài ra cần bảo đảm trang thiết bị hồi sức, khí ôxy, vật tư y tế như quả lọc, dịch lọc, hóa chất xét nghiệm; chủ động mua sắm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, kháng sinh dự phòng để chống dịch.
Các cục/vụ của Bộ Y tế cũng phối hợp tìm nguồn cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư; giải quyết vướng mắc, khó khăn của các địa phương trong thanh toán BHYT.
Ông NGUYỄN TRỌNG KHOA - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế
THANH THANH-THẢO PHƯƠNG