Dịch chuyển chuỗi giá trị gạo để chiếm lĩnh thị trường quốc tế

Dịch chuyển chuỗi giá trị gạo để chiếm lĩnh thị trường quốc tế
9 giờ trướcBài gốc
Theo số liệu của Cục Hải quan, trong gần 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu khoảng hơn 4,5 triệu tấn gạo, tăng 12,2% so với cùng kỳ 2024. Tuy nhiên, kim ngạch chỉ đạt 2,34 tỷ USD, giảm gần 9% do giá xuất khẩu trung bình hạ còn 516 USD/tấn.
Nguyên nhân chính là giá gạo trắng trên thị trường thế giới giảm mạnh vì nguồn cung toàn cầu dồi dào, nhất là sau khi Ấn Độ nới lỏng hạn chế xuất khẩu. Tuy vậy, gạo chất lượng cao như ST24, ST25, Jasmine, Japonica… vẫn duy trì mức giá tốt và được ưa chuộng ở các thị trường khó tính.
Số lượng gạo xuất khẩu tăng nhưng giá trị kim ngạch giảm
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 5 tháng qua, Philippines tiếp tục là khách hàng lớn nhất, chiếm trên 41% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Trung Quốc, Indonesia, các thị trường châu Phi và Trung Đông cũng duy trì nhu cầu ổn định, nhất là với gạo thơm, gạo ít hạt vỡ, gạo hữu cơ.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA nhận định, dù giá trung bình có xu hướng giảm do cạnh tranh gay gắt, nhưng phân khúc gạo thơm ST24, ST25... vẫn giữ được giá tốt. Thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang trở thành "đối tác chiến lược" với dòng sản phẩm này vì họ sẵn sàng trả giá cao cho gạo chất lượng.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho thấy giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tháng 4/2025 vẫn đạt trung bình khoảng 396 USD/tấn, cao hơn giá cùng loại của Thái Lan và Ấn Độ, chứng minh lợi thế cạnh tranh của gạo Việt Nam trong phân khúc cao cấp.
Đã có nhiều nông dân tham gia dự án “Gạo phát thải thấp”
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, một trong những giải pháp quan trọng và mang tính bền vững mà ngành nông nghiệp đang triển khai là chương trình giảm phát thải carbon trong sản xuất lúa gạo. Tại An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, nhiều nông dân tham gia dự án “Gạo phát thải thấp” với kỹ thuật canh tác AWD (ngập - rút xen kẽ), tiết kiệm nước, giảm khí methane. Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đây là bước đi bắt buộc để tiếp cận thị trường cao cấp, nhất là EU và Mỹ.
Theo ông Phan Mai Hương, chuyên gia thị trường nông sản, doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Lộc Trời đã đầu tư sử dụng drone bón phân hữu cơ, quản lý canh tác thông minh trên hơn 100 ha, hướng tới 300.000 ha. Nếu áp dụng rộng, Việt Nam không chỉ bảo vệ môi trường, mà còn nâng giá trị xuất khẩu. Thị trường EU trả giá cao hơn cho gạo hữu cơ, gạo phát thải thấp và đòi hỏi truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Đối với "điểm nghẽn" tỷ lệ chế biến sâu còn thấp, phần lớn xuất khẩu ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng hạn chế, ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang chia sẻ, Tiền Giang có hơn 200 nhà máy xay xát gạo, xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn/năm. Nếu đầu tư mạnh cho chế biến sâu, gạo đóng gói thương hiệu riêng, giá trị có thể tăng thêm 15-20%.
Ở một hướng đi khác, nhiều địa phương đang phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn GlobalGAP, hướng tới tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu, Nhật Bản, Mỹ. Việc truy xuất nguồn gốc, dán tem thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các giống như ST24, ST25 được xem là giải pháp then chốt.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 60-70% sản lượng xuất khẩu sẽ là gạo chất lượng cao.
Gạo đóng gói thương hiệu riêng, giá trị có thể tăng thêm 15-20%.
Nhu cầu tại các quốc gia châu Phi được dự báo tăng mạnh khi dân số và tiêu dùng cải thiện. Đây là thị trường tiềm năng cho gạo 15-25% tấm chất lượng trung cao, với dư địa rất lớn nhưng đòi hỏi chiến lược lâu dài, tín dụng và logistics ổn định.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi trong chuỗi giá trị gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ tín dụng ưu đãi, hoàn thuế nhanh, giảm lãi suất cho doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu.
Đồng thời, các doanh nghiệp mong muốn có cơ chế cảnh báo sớm biến động giá quốc tế, chính sách xuất khẩu của Ấn Độ, Pakistan… để chủ động xây dựng hợp đồng linh hoạt.
Đức Hiền
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/dich-chuyen-chuoi-gia-tri-gao-de-chiem-linh-thi-truong-quoc-te-166619.html