Dịch tả lợn châu Phi bùng phát rộng, tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương ứng phó

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát rộng, tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương ứng phó
8 giờ trướcBài gốc
Tổng số lợn mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy bắt buộc gần 1.300 con, tổng khối lượng trên 63 tấn. Trong bối cảnh dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, khó lường, lan nhanh, ngành nông nghiệp tỉnh đang triển khai tích cực nhiều biện pháp, nhằm ngăn chặn dịch, giảm tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi.
Lực lượng chức năng thống kê thiệt hại của người dân có lợn chết do mắc dịch tả lợn châu Phi.
Ông Đỗ Văn Chung, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: 15 xã, phường trên địa bàn tỉnh ghi nhận dịch tả lợn châu Phi là Sơn Linh, Sơn Tịnh, Phước Giang, Đình Cương, Sơn Hạ, Trà Câu, Nghĩa Hành, Thiện Tín, Nghĩa Giang, Cà Đam, Mỏ Cày, Mộ Đức, Tịnh Khê, Vệ Giang và phường Trương Quang Trọng; trong đó, các trường hợp lợn mắc bệnh đầu tiên được ghi nhận vào ngày 28/6 tại xã Sơn Hạ và Nghĩa Giang. Chỉ trong vòng nửa tháng, dịch đã lây lan nhanh sang các xã khác trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Bình, trú thôn Hà Trung, xã Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, gia đình ông nuôi 13 con lợn nái và 20 lợn con. Ông bắt đầu phát hiện lợn bị bệnh từ ngày 8/7, với các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, bỏ ăn. Điều đáng nói, ông Bình đã tiến hành tiêm phòng vaccine đầy đủ, nhưng lợn vẫn mắc bệnh. Đến ngày 15/7, đàn lợn của gia đình ông đã có một con lợn nái chết, 6 con khác đang mắc bệnh.
“Năm ngoái cũng có dịch, nhưng chỉ ở một vài nơi lẻ tẻ, lực lượng chức năng xử lý là sẽ hết. Nhưng không hiểu sao năm nay lại bùng dịch như thế này. Tôi chăn nuôi cũng rất chú trọng vệ sinh chuồng trại, thường xuyên bổ sung các loại thuốc hỗ trợ sức đề kháng cho lợn, nhưng không hiểu sao vẫn mắc bệnh. Tổng đàn lợn này của tôi không dưới 60 triệu đồng, giờ bị bệnh như thế này buộc phải tiêu hủy, gia đình tôi cũng gặp khó khăn về kinh tế”, ông Bình nói.
Một con lợn nái của người dân chết do mắc dịch tả lợn châu Phi.
Trong khi đó, gia đình chị Văn Thị Ly Ly, thôn Hà Nhai Bắc, xã Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, nuôi 12 con lợn nái và 3 con lợn thịt. Khoảng 10 ngày trước, chị bắt đầu phát hiện lợn có các triệu chứng như sốt cao, mệt mỏi, bỏ ăn và có 2 con lợn chết. Ban đầu, chị không nghĩ là lợn bị dịch tả vì khu vực chăn nuôi của chị nằm khá biệt lập, xa khu dân cư, xa các chuồng trại khác. Chị cũng thực hiện vệ sinh chuồng trại đầy đủ, song lợn vẫn bị mắc bệnh.
“Sau khi lợn chết, tôi đã mang đi chôn, cứ nghĩ sẽ không sao, nhưng ngày càng có nhiều lợn trong chuồng phát bệnh, tôi đã liên hệ với bên thú y của xã xuống xác minh, xử lý. Để có đàn lợn này, tôi đã vay 100 triệu tiền chính sách của thôn, hy vọng đàn lợn sẽ giúp gia đình cải thiện kinh tế. Bây giờ lợn bị bệnh, chết và phải tiêu hủy như thế này thì gia đình tôi không biết lấy gì để trả tiền vay chính sách của thôn”, chị Ly buồn rầu nói.
Theo ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Trung tâm Cung ứng Dịch vụ công xã Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm lợn bệnh và chết trên địa bàn dương tính với virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF), Ủy ban nhân dân xã Sơn Tịnh đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch trên địa bàn xã. Sau đó, tiến hành họp các trưởng thôn để quán triệt tình hình dịch bệnh cũng như hướng dẫn công tác phòng, chống dịch. Ủy ban nhân dân xã cũng chủ động mua các loại hóa chất, thuốc tiêu độc, khử trùng cấp cho các thôn để phòng, chống dịch lây lan.
“Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết, số lượng đàn lớn, nhất là lợn nái không được tiêm phòng vaccine dịch tả nên lợn nái mắc. Đến nay, toàn xã đã ghi nhận hơn 80 ổ dịch, với số lượng lợn tiêu hủy trên 12 tấn. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Ủy ban nhân dân xã đã thành lập các tổ xung kích để hỗ trợ nhân dân phòng, chống dịch bệnh, nhất là đối với các hộ có tổng đàn lớn và các hộ neo đơn. Đặc biệt, khi có lợn chết thì hỗ trợ tiêu hủy đúng quy định, không để dịch lây lan”, ông Nguyễn Trung Thành cho biết thêm.
Người dân thực hiện rải vôi bột, khử trùng chuồng trại chăn nuôi có lợn mắc dịch tả lợn châu Phi.
Trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi có diễn biến nhanh, lan rộng, ông Đỗ Văn Chung, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, trong thời gian vừa qua, việc giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh luôn duy trì ở mức cao và trong thời gian dài, nên người chăn nuôi lợn đã tăng đàn, khiến số lượng đàn lợn tăng cao trong những năm gần đây. Tuy nhiên, điều kiện chăn nuôi chưa bảo đảm các yêu cầu về việc chăn nuôi an toàn sinh học trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi nên khi xảy ra dịch bệnh sẽ phức tạp hơn.
Ngoài ra, một số hộ chăn nuôi chưa tuân thủ quy trình phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; virus tả lợn châu Phi có sức đề kháng và tồn lưu bên ngoài môi trường rất cao, nhất là tại các hộ chăn nuôi đã từng xảy ra bệnh; thời gian qua thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng đan xen, làm cho sức đề kháng của vật nuôi suy giảm… cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch lây lan nhanh và rộng.
Ông Chung cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi đã phân công lãnh đạo, công chức chuyên môn phối hợp cùng với các địa phương kiểm tra, xác minh tình hình dịch bệnh, triển khai lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; đồng thời, cấp tạm ứng 500 lít hóa chất cho các địa phương để khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Người dân thực hiện rải vôi bột, khử trùng chuồng trại chăn nuôi có lợn mắc dịch tả lợn châu Phi.
“Trong thời gian tới, bên cạnh thực hiện tiêu hủy lợn bị bệnh một cách triệt để, tăng cường vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường, Chi cục sẽ tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật tại khu vực có dịch; tổ chức kiểm tra việc vứt xác lợn mắc bệnh, chết ra bãi rác công cộng, các kênh mương, hồ… kịp thời phát hiện, thu gom và xử lý; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tham gia triển khai chống dịch và bố trí sẵn các khu vực tiêu hủy cách xa dân cư, nguồn nước và không làm ảnh hưởng đến môi trường sống và làm việc của nhân dân. Riêng đối với các xã chưa có dịch, sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch tả lợn châu Phi cũng như bố trí sẵn lực lượng để sẵn sàng ứng phó”, ông Đỗ Văn Chung nhấn mạnh.
Tin, ảnh: Dư Toán (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/xa-hoi/dich-ta-lon-chau-phi-bung-phat-rong-tinh-quang-ngai-khan-truong-ung-pho-20250715203916150.htm