Xác lợn trôi sông gây ô nhiễm
Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại Nghệ An, không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi mà còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, phát tán mầm bệnh khi tình trạng vứt xác lợn chết ra sông, suối vẫn đang tiếp diễn tại nhiều địa phương.
Tại xã Minh Châu, nhiều ngày qua, người dân không khỏi lo lắng khi chứng kiến xác lợn chết trôi nổi trên kênh N2, tuyến kênh dẫn nước phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm hộ dân. Một số con trong quá trình phân hủy đã bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Chính quyền xã Minh Châu vớt lợn trôi trên kênh N2
Chị Lê Thị Hoa, người dân địa phương bức xúc: “Lợn chết bị vứt xuống kênh, nước thì bẩn, ruộng đồng cũng bị ảnh hưởng. Cứ như thế này thì không ai dám dùng nước để sản xuất nữa”.
Theo UBND xã Minh Châu, trong tuần qua, địa phương đã thu gom và tiêu hủy ba đợt xác lợn trôi nổi, mỗi đợt từ 1–2 con.
Chính quyền đang khẩn trương lắp lưới chắn dọc tuyến kênh để ngăn chặn tình trạng lợn chết tiếp tục trôi qua. “Những con lợn đều đã phân hủy nặng, không thể truy tìm nguồn gốc. Chúng tôi tiến hành chôn sâu, rắc vôi và hóa chất để tiêu độc, tránh phát tán mầm bệnh”, ông Lê Thế Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu cho biết.
Những con lợn chết tại kênh mương đang khiến người dân lo sợ. Ảnh NDCC
Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại nhiều địa phương khác như sông Vinh, sông Lam, kênh Lê Xuân Đào... Việc xử lý gặp nhiều khó khăn do xác lợn bị phân hủy nặng, thiếu quỹ đất chôn lấp phù hợp, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.
Dịch bệnh khiến nhiều hộ chăn nuôi lâm vào cảnh khốn khó. Ông Nguyễn Văn Tuất, hộ dân ở xã Hoa Châu chia sẻ: “Gia đình tôi vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi lợn, chăm từng con như con mọn, vậy mà giờ phải đem chôn hết. Mất trắng, nợ vẫn còn nguyên”.
Không riêng ông Tuất, tại phường Vinh Lộc (TP Vinh), chỉ trong vòng một tuần, hai hộ dân đã phải tiêu hủy lợn. Ông Trần Văn Lâm, người dân ở khối 5 nói: “Ngày 13.7, tôi phải chôn 3 con lợn vì nhiễm dịch. Trước đó vài ngày, hộ ông Phan Văn Đường ở khối Mẫu Lâm cũng đã tiêu hủy cả đàn. Dịch lan nhanh quá, ai nuôi lợn cũng nơm nớp lo sợ”.
Tại xã Kim Bảng, tình trạng lợn chết bị vứt xuống kênh mương cũng đã được người dân phản ánh. Bà Đậu Thị Hồng Thảo, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ngay sau khi phát hiện, xã đã tổ chức thu gom, tiêu hủy và phát loa truyền thanh tuyên truyền người dân không được vứt xác lợn ra môi trường. Kiên quyết không để tình trạng này tiếp diễn”.
Tăng cường kiểm soát hoạt động giết mổ
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, tính đến giữa tháng 7.2025, toàn tỉnh đã ghi nhận 25 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 25 xã thuộc nhiều huyện, buộc tiêu hủy 1.296 con lợn với tổng trọng lượng hơn 54 tấn.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo người dân khi phát hiện lợn có biểu hiện mắc bệnh cần báo ngay cho chính quyền hoặc cán bộ thú y địa phương.
Tuyệt đối không tự ý tiêu hủy hay vứt xác lợn ra môi trường. Việc tiêu hủy phải có sự giám sát của cơ quan chức năng. Mọi hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Ngoài việc dập dịch tại các hộ chăn nuôi, ngành chức năng Nghệ An cũng đang siết chặt quản lý các cơ sở giết mổ, khâu trọng yếu trong chuỗi phòng chống dịch.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, toàn tỉnh hiện có 41 cơ sở giết mổ tập trung được cấp phép. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, công tác quản lý còn lỏng lẻo; một số cơ sở hoạt động thiếu điều kiện đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Ý thức của người dân, nhất là hộ giết mổ nhỏ lẻ, còn hạn chế.
Tiến hành tiêu hủy lợn nhiễm bệnh chết
Để khắc phục, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản siết chặt kiểm soát, yêu cầu các địa phương rà soát lại quy hoạch, tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm.
Cơ quan chức năng khẳng định sẽ chấm dứt hoạt động đối với các điểm giết mổ không phép, không có cán bộ thú y giám sát, không đáp ứng yêu cầu vệ sinh.
Đồng thời, phối hợp liên ngành kiểm tra nguồn gốc động vật và sản phẩm thịt nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến khó lường, ngành chăn nuôi Nghệ An đang chịu nhiều tổn thất. Để kiểm soát hiệu quả, ngoài sự nỗ lực từ chính quyền và ngành chức năng, rất cần sự vào cuộc trách nhiệm, tự giác của người dân trong thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
PHẠM NGÂN