Thực phẩm bẩn 'làm loạn' thị trường, vì sao không có thống kê vi phạm?

Thực phẩm bẩn 'làm loạn' thị trường, vì sao không có thống kê vi phạm?
8 giờ trướcBài gốc
Dịch chưa dứt, lợn bệnh vẫn tuồn ra thị trường
Tại cuộc họp báo chiều 15/7, ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, Bộ Nông nghiệp và Môi trường - cho biết, thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh trên lợn đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Cục đã ghi nhận nhiều phản ánh từ người dân, báo chí và đoàn công tác cho thấy, tình trạng giấu dịch đang xảy ra phổ biến tại nhiều địa phương.
Hành vi giấu dịch được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như bán lợn bệnh, giết mổ chui, tiêu thụ nội bộ, báo cáo sai sự thật hoặc không báo cáo, vứt xác lợn ra môi trường. Điều này khiến virus dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vốn có sức đề kháng cao và tồn tại lâu trong môi trường có điều kiện tiếp tục lan rộng.
Đáng lo ngại là tại một số địa phương (như Bình Dương, Bình Phước, Gia Lai, Thanh Hóa…) vẫn xuất hiện hiện tượng lợn bệnh bị đưa ra tiêu thụ trên thị trường.
Ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y.
Theo ông Minh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lợn bị nhiễm bệnh được tuồn ra thị trường hay xác lợn bị xả ra môi trường. Đầu tiên là dịch bệnh diễn biến phức tạp, bản chất virus gây bệnh rất khó tiêu diệt, tồn tại dai dẳng trong điều kiện khí hậu nóng ẩm. Trong khi đó, phần lớn người chăn nuôi, đặc biệt là hộ nhỏ lẻ còn chủ quan, hiểu biết không thật đầy đủ, thậm chí coi nhẹ việc phòng chống dịch.
Việc tiêu hủy lợn bệnh cũng tồn tại nhiều bất cập. Theo quy định, chỉ những con đã chết, có triệu chứng rõ ràng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính mới được tiêu hủy. Điều này khiến quá trình xử lý kéo dài vài ngày, trong thời gian đó không ít hộ đã lặng lẽ bán chạy lợn ốm hoặc vứt xác ra môi trường.
Bên cạnh đó, việc chi trả hỗ trợ tiêu hủy ở một số địa phương vẫn chưa kịp thời. Một số người dân không khai báo chăn nuôi ban đầu nên cũng không đủ điều kiện được hỗ trợ. Tâm lý sợ “mất trắng” khiến nhiều người chọn cách âm thầm xử lý (bán, giết mổ, tiêu thụ...) để có tiền xoay xở, thay vì tuân thủ quy trình phòng dịch.
Ông Minh cho biết thêm: “Đã có chế tài xử phạt việc vứt lợn bệnh ra môi trường (xử phạt 5-6 triệu đồng) tuy nhiên, đến nay không có thống kê về số vụ vi phạm và xử phạt”.
Báo động đỏ về an toàn thực phẩm
Hậu quả của việc tuồn lợn bệnh ra thị trường không chỉ dừng lại ở việc làm lây lan dịch bệnh. Điều đáng lo ngại là những con lợn này có thể bị biến thành thực phẩm trên bàn ăn của người tiêu dùng.
Lợn bệnh bị xả thải ra bãi rác tại xã Tản Lĩnh (nay là xã Suối Hai, Hà Nội). Ảnh: Thùy Linh.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường - cho biết, tỷ lệ lây nhiễm virus DTLCP trên đàn lợn đã rất cao, cho thấy mức độ lây lan của virus rất đáng lo ngại. Ông Tiến nhấn mạnh, để kiểm soát dịch bệnh, cần sớm triển khai đồng bộ tiêm vắc xin DTLCP cho lợn ở những vùng nguy cơ cao như miền núi phía Bắc và miền Trung, đồng thời theo dõi sát diễn biến dịch, đánh giá khả năng lây lan để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Giữ an toàn cho ngành chăn nuôi không thể chỉ trông chờ vào các văn bản chỉ đạo hay quy định trên giấy. Điều quan trọng là cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, đặc biệt là tại các điểm nóng về dịch bệnh; nâng cao nhận thức người dân, hỗ trợ đầy đủ cho người chăn nuôi khi tiêu hủy lợn bệnh để khuyến khích họ chủ động báo cáo dịch thay vì lặng lẽ bán lợn bệnh, giấu dịch.
Về lâu dài, hệ thống thú y cơ sở cần đảm bảo thống nhất và có đủ nhân lực. Kiểm soát giết mổ, vận chuyển và kinh doanh thịt lợn phải được siết chặt, đặc biệt là tại các điểm cung cấp thực phẩm lớn.
Lợn bệnh bị tuồn ra thị trường và xác lợn bị xả thải gây ô nhiễm môi trường là hồi chuông cảnh báo về những bất cập trong phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm và quản lý chăn nuôi. Dịch bệnh sẽ không thể chấm dứt nếu những lỗ hổng này không được bịt, xử lý quyết liệt.
Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 514 ổ dịch tại 27 tỉnh, thành phố (sau sáp nhập). Số lợn mắc bệnh DTLCP là hơn 29.642 con, số lợn chết và tiêu hủy là 30.462 con.
Thanh Huyền
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/thuc-pham-ban-lam-loan-thi-truong-vi-sao-khong-co-thong-ke-vi-pham-post1760471.tpo