Nhiều dịch giả lo ngại rằng công nghệ AI đang làm giảm giá trị nghệ thuật và cảm xúc trong dịch thuật văn học
Dịch tiểu thuyết bằng AI chỉ với 100 USD
Một nền tảng dịch thuật bằng trí tuệ nhân tạo (AI) dành riêng cho tiểu thuyết vừa được ra mắt tại Anh, hướng tới cả tác giả tự xuất bản lẫn các nhà xuất bản chuyên nghiệp.
Dịch vụ mang tên GlobeScribe.ai, do hai nhà sáng lập Fred Freeman và Betsy Reavley phát triển, hiện đang thu phí 100 USD cho mỗi bản dịch, mỗi ngôn ngữ.
Theo giới thiệu, GlobeScribe sử dụng công nghệ AI để giúp tiểu thuyết được tiếp cận nhanh chóng với độc giả toàn cầu, đặc biệt là những thể loại khó có cơ hội chuyển ngữ như truyện trinh thám, lãng mạn, ly kỳ.
“Chúng tôi tin rằng dịch thuật không còn là rào cản cho các tác phẩm hay được tiếp cận thị trường quốc tế”, nhà sáng lập tuyên bố.
Để kiểm nghiệm chất lượng, công ty đã tiến hành các thử nghiệm mù, trong đó người bản ngữ đọc song song các bản dịch do AI và con người thực hiện, nhưng không biết đâu là bản nào.
Theo công ty, người đọc “khó phân biệt” giữa hai phiên bản, thậm chí trong một số trường hợp, bản dịch AI còn “giữ đúng giọng điệu và sắc thái hơn bản gốc tiếng Anh”.
GlobeScribe cho biết họ không có ý định thay thế biên dịch viên, mà coi AI như một công cụ hỗ trợ để “tăng năng suất và khả năng sáng tạo”.
Giới dịch giả lên tiếng
Dù được quảng bá là bước tiến công nghệ, dịch vụ này đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ giới dịch giả, đặc biệt trong lĩnh vực văn học.
Ông Ian Giles, Chủ tịch Hiệp hội Biên dịch viên thuộc Hiệp hội Tác giả Anh, nhận định rằng dù GlobeScribe có thể tuyên bố mở rộng quyền tiếp cận toàn cầu cho tiểu thuyết, cách tiếp cận dựa vào AI của họ lại “gạt ra ngoài những người góp phần tạo nên cầu nối văn hóa giữa các quốc gia”.
Theo ông, việc gợi ý rằng AI có thể thay thế sự tinh tế của biên dịch viên con người là hoàn toàn sai lầm.
Chung quan điểm, nhiều dịch giả uy tín cũng lên tiếng phản đối. Polly Barton, người dịch tiểu thuyết Butter của Asako Yuzuki từ tiếng Nhật sang tiếng Anh, cho rằng một bản dịch tốt không chỉ dừng lại ở tính chính xác.
“Nó cần truyền tải được nhịp điệu, không khí, cảm xúc, những điều ẩn sâu mà chỉ người từng sống trong bối cảnh văn hóa ấy mới hiểu”, bà nói.
Dịch giả Deepa Bhasthi, người chuyển ngữ Heart Lamp từ tiếng Kannada, tác phẩm từng đoạt giải Booker quốc tế cũng nhấn mạnh rằng: “Có những từ mang theo cả một nền văn hóa. AI không thể hiểu được điều gì ẩn sau một chữ trong ngữ cảnh địa phương. Đó là thứ chỉ con người mới nắm bắt được”.
Không chỉ dừng ở nội dung dịch, giới chuyên môn còn đặt dấu hỏi về phương pháp thử nghiệm của GlobeScribe.
Bà Barton cho rằng “là người bản ngữ không có nghĩa là đủ năng lực để đánh giá chất lượng dịch thuật văn học”, trong khi bà Bhasthi bổ sung: “Chúng ta không biết các văn bản được dùng thử là loại nào, và độc giả tham gia thử nghiệm là ai”.
Ngoài vấn đề chuyên môn, nhiều người còn lo ngại về tác động dài hạn của AI đối với giá trị lao động trong ngành dịch thuật.
Cảnh báo về vấn đề này, bà Julia Sanches, dịch giả Boulder của Eva Baltasar, chia sẻ: “Những dịch vụ như thế này tạo ra cảm giác rằng dịch thuật là thứ diễn ra tức thời. Nó làm hạ thấp công sức sáng tạo của dịch giả và khiến mức "đủ dùng" trở thành chuẩn mực mới. Đó là bất công cho cả tác giả và độc giả”.
Kết lại, bà Barton cho rằng biên dịch viên có thể là những người đầu tiên chịu ảnh hưởng từ làn sóng AI, nhưng sắp tới, ngày càng nhiều ngành nghề khác cũng sẽ bị đe dọa theo cách tương tự. "Viễn cảnh đó xảy ra hay không, là lựa chọn của chính chúng ta”, bà nói.
KHÁNH MY