Điểm báo 23/9: Bỏ cọc đấu giá đất đang trở thành hệ lụy xấu cho thị trường bất động sản

Điểm báo 23/9: Bỏ cọc đấu giá đất đang trở thành hệ lụy xấu cho thị trường bất động sản
2 giờ trướcBài gốc
BỎ CỌC ĐẤU GIÁ ĐẤT ĐANG TRỞ THÀNH HỆ LỤY XẤU CHO THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
Tình trạng đấu giá đất với số tiền cao ngất ngưởng rồi bỏ cọc đang trở thành hệ lụy xấu cho thị trường bất động sản khi các lô đất chỉ có giá trị ảo.
Nguyên nhân bỏ cọc đấu giá đất, nhiều người cho rằng khi 1/1/2026, nhà nước sẽ áp dụng giá đất theo thị trường và có thể giá đất sẽ rất cao nên người dân mong muốn tại thời điểm này đấu giá đất vẫn áp dụng quy định hiện thời nên muốn thực hiện thủ tục gom đất để có thể đầu tư, đầu cơ lâu dài để kiếm lời. Ngoài ra, người dân khi thực hiện đấu giá sẽ liên tục trả giá cao hơn để quyết tâm lấy được mảnh đất đó. Sau đó, tiếp tục thực hiện giao dịch mua bán, sang tay và kiếm lời với giá cao hơn so với giá khởi điểm. Để ngăn chặn tình trạng này, cần có chế tài riêng với những nhà đầu tư bỏ cọc như cấm tham gia đấu giá trong một thời gian nhất định và bị trừ uy tín khi tham gia các cuộc phiên khác về sau. Quy định cũng cần bổ sung thêm phần thiệt hại, chi phí phải bồi thường khi bỏ cọc, gồm chi phí tổ chức đấu giá lại, để tăng tính răn đe với nhóm nhà đầu tư này.
BỐ TRÍ HỢP LÝ TRUNG TÂM ĐĂNG KIỂM PHƯƠNG TIỆN ĐƯỜNG BỘ: TRÁNH CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH
Trước tình trạng trung tâm đăng kiểm nở rộ, thậm chí không đồng đều, gây ra cạnh tranh không lành mạnh, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất vị trí của cơ sở đăng kiểm xe cơ giới phải phù hợp với quy hoạch của địa phương, không ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh...
Theo đó, khoảng cách giữa các cơ sở đăng kiểm (được xác định theo phương pháp định vị vị trí trên bản đồ) thuộc đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I không được nhỏ hơn 5km; đô thị loại II và III không được nhỏ hơn 6km; các đô thị còn lại không nhỏ hơn 7km. Đối với khu vực ngoài đô thị, khoảng cách giữa các cơ sở đăng kiểm không được nhỏ hơn 15km; đối với địa phương miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên từ 8.000km2 trở lên không được nhỏ hơn 30km (không bao gồm cơ sở đăng kiểm được xây dựng tại trạm dừng nghỉ của đường cao tốc, quốc lộ). Việc bổ sung quy định về vị trí, khoảng cách các cơ sở đăng kiểm là cần thiết để bảo đảm phù hợp với nhu cầu kiểm định của từng khu vực, bảo đảm tránh tình trạng "chỗ thừa, chỗ thiếu" và ngăn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
TĂNG THUẾ ĐỂ GIẢM NGƯỜI HÚT THUỐC LÁ
Thuế và giá được cho là giải pháp có chi phí thấp nhưng có hiệu quả cao trong nỗ lực giảm tiêu dùng thuốc lá, song Việt Nam lại thuộc nhóm các nước có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới, thấp hơn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực.
Việt Nam có khoảng 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao (20 điếu), có nhiều nhãn hiệu chỉ có mức giá 7.000 đồng đến 8.000 đồng/bao. Với mức giá thuốc lá bán lẻ thấp như vậy, thuốc lá rất dễ tiếp cận với người có thu nhập thấp, kể cả người chưa thành niên. Theo các chuyên gia, Việt Nam nên áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2026 với thành phần thuế tuyệt đối bổ sung để chuyển sang cơ chế thuế hỗn hợp. Bên cạnh đó, thành phần thuế tuyệt đối cần tăng hàng năm để chống xói mòn do lạm phát và tăng trưởng thu nhập nhằm đảm bảo sức mua thuốc lá giảm. Phương pháp tính thuế hỗn hợp và tổng mức thuế phải ở mức đủ lớn để tác động thay đổi mức tiêu dùng, tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 70 - 75% giá bán lẻ như khuyến cáo của WHO.
LO NGẠI "ĐẺ" THÊM NHIỀU THỦ TỤC HÀNH CHÍNH KHÔNG PHÙ HỢP
Dự thảo Nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa thông qua sở giao dịch hàng hóa cần được xây dựng trên quan điểm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp, phù hợp với xu thế chung của thế giới…
Nhiều ý kiến đánh giá, dự thảo Nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa thông qua sở giao dịch hàng hóa quy định rất nhiều thủ tục hành chính liên quan đến 3 giai đoạn trong vòng đời của doanh nghiệp: Thành lập, hoạt động, chấm dứt hoạt động. Bên cạnh đó, dự thảo đưa ra nhiều yêu cầu về thủ tục hành chính áp dụng đối với các chủ thể tham gia hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa như: Các thành viên kinh doanh, thành viên môi giới, nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Thậm chí, nhiều thủ tục hành chính không quy định rõ trình tự, thủ tục, hồ sơ. Các thủ tục này có khả năng khiến doanh nghiệp đối mặt với nhiều bất cập, rủi ro. Dự thảo còn đặt ra những điều kiện thành lập sở giao dịch hàng hóa khá mù mờ, trừu tượng, khó xác định. Với việc quy định chung chung như dự thảo, doanh nghiệp khó thực hiện và cơ quan có thẩm quyền cũng không đủ cơ sở để đánh giá, thẩm tra.
Truyền hình Quốc hội Việt Nam
Nguồn Quốc Hội TV : https://quochoitv.vn/diem-bao-23-9-bo-coc-dau-gia-dat-dang-tro-thanh-he-luy-xau-cho-thi-truong-bat-dong-san-237040.htm