Điểm chuẩn vào lớp 10 công lập thấp kỷ lục, lo ngại chất lượng giáo dục phổ thông

Điểm chuẩn vào lớp 10 công lập thấp kỷ lục, lo ngại chất lượng giáo dục phổ thông
5 giờ trướcBài gốc
Điểm chuẩn giảm sâu là dấu hiệu đáng báo động
Năm nay là năm đầu tiên kỳ thi vào lớp 10 công lập không chuyên trên cả nước áp dụng một cách thống nhất công thức tính điểm tuyển sinh: tổng điểm ba môn Toán, Ngữ văn và môn thứ ba, không nhân hệ số, tối đa 30 điểm.
Tuy nhiên, thay vì tăng độ cạnh tranh như nhiều người dự đoán thì kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay lại xảy ra một hiện tượng bất ngờ: nhiều trường lấy điểm chuẩn cực thấp, chưa từng có tiền lệ. Điểm đáng lo ngại là năm nay không chỉ số lượng trường lấy điểm thấp tăng mạnh mà mức điểm cũng giảm sâu, trái ngược xu hướng nâng chuẩn chất lượng đầu vào.
Điểm chuẩn tại nhiều tỉnh, thành giảm sâu, có nơi chỉ cần trung bình 1 điểm/môn cũng đỗ
Đáng chú ý nhất là tỉnh Đắk Lắk, nơi trường THPT Hai Bà Trưng (thị xã Buôn Hồ cũ) công bố điểm chuẩn nguyện vọng 1 chỉ 2,5 điểm – tương đương chưa đến 0,84 điểm mỗi môn. Đây có thể xem là mức điểm thấp nhất từng được ghi nhận trong hệ thống tuyển sinh vào lớp 10 công lập trên cả nước. Theo thống kê, 11/50 trường THPT tại Đắk Lắk lấy điểm dưới 5, một con số gây bất ngờ với cả giáo viên lẫn phụ huynh.
Không chỉ dừng lại ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, làn sóng “điểm chuẩn thấp chưa từng thấy” còn lan đến nhiều tỉnh, thành phố khác: Quảng Ninh: THPT Bình Liêu (4,6 điểm), THPT Đông Triều (5,5 điểm). Lai Châu: THPT Dào San (4,75 điểm)... Tại Hà Nội, nhiều trường ở ngoại thành thí sinh chỉ cần đạt chưa tới 5 điểm/môn đã trúng tuyển. Thậm chí, có trường thí sinh chỉ cần có tổng điểm 3 môn đạt 10 là đã trúng tuyển.
Chị Thu Trang, có con học lớp 9 tại huyện ngoại thành Hà Nội: “Tôi nghĩ chất lượng đầu vào quá thấp sẽ tạo ra khoảng cách lớn trong lớp học. Những bạn học yếu sẽ gặp áp lực, còn thầy cô thì không thể dạy theo một chuẩn chung. Cuối cùng thì người thiệt vẫn là học sinh. Tôi mong ngành giáo dục có lộ trình rõ ràng, không chỉ là tuyển đủ chỉ tiêu THPT, mà còn phải đảm bảo chất lượng, đặc biệt là hỗ trợ những học sinh có học lực yếu...”.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán cấp THPT tại Hà Nội lý giải, trước hết phải khẳng định đây là một hiện tượng bất thường và rất đáng báo động. "Ở Hà Nội, theo thống kê, có tới 75% trường THPT có điểm chuẩn giảm so với năm ngoái. Qua trao đổi với nhiều đồng nghiệp ở các địa phương, chúng tôi đều bất ngờ, thậm chí là lo lắng trước thực trạng này. Ngay cả những giáo viên đang dạy tại các trường có điểm chuẩn rất thấp cũng không ngờ năm nay lại có sự sụt giảm mạnh như vậy".
Theo thầy Tùng, nguyên nhân thứ nhất là do đây là năm đầu tiên học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đề có xu hướng đánh giá năng lực, tăng tính phân hóa, yêu cầu học sinh phải hiểu sâu, nắm bản chất và biết vận dụng kiến thức, nên điểm thi bị kéo xuống. Thứ hai là chất lượng đầu vào của học sinh THCS có sự khác biệt giữa các địa phương, dẫn đến sự chênh lệch rõ ràng...
Ở một góc độ khác, chuyên gia giáo dục Lê Viết Khuyến cho rằng: Đây là hiện tượng rất đáng lưu tâm nhưng không bất ngờ nếu đặt trong bối cảnh tổng thể của hệ thống giáo dục. Tôi cho rằng nguyên nhân cốt lõi là do sự thay đổi về mặt phân luồng và chỉ tiêu tuyển sinh. Khi chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 tăng, trong khi số lượng học sinh giảm thì việc nhiều trường công lập hạ điểm chuẩn đến mức “chạm đáy” là điều tất yếu.
Thực trạng “thừa chỉ tiêu, thiếu nguồn tuyển” xảy ra ở các địa phương, đặc biệt ở khu vực miền núi, nông thôn. Để đảm bảo duy trì quy mô lớp học và biên chế giáo viên, các trường buộc phải hạ điểm chuẩn tới mức tối đa, miễn là học sinh dự thi và có nguyện vọng học.
Lo ngại về chất lượng trung học phổ thông
Khi chất lượng đầu vào giảm, áp lực dồn lên giáo viên là rất lớn. Chúng tôi sẽ phải nỗ lực gấp bội khi nền tảng học sinh yếu, trong khi đầu ra vẫn là thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học. Sự chênh lệch trình độ trong lớp học sẽ khiến việc dạy học trở nên nặng nề và kém hiệu quả. Nó tạo áp lực cho cả thầy, trò và phụ huynh, làm gia tăng sự hoang mang và mất niềm tin vào chất lượng giáo dục” - Thầy Trần Mạnh Tùng
Việc lấy điểm chuẩn quá thấp tuy giúp đảm bảo học sinh được vào học lớp 10, nhưng lại đặt ra không ít lo ngại về việc duy trì và nâng cao chất lượng dạy học sẽ được đảm bảo ra sao khi mặt bằng đầu vào rất thấp?
Việc lấy điểm chuẩn thấp đồng nghĩa với việc chấp nhận học sinh có nền tảng yếu vào học lớp 10. Điều này đặt ra thách thức lớn với đội ngũ giáo viên THPT. Bên cạnh đó, không ít giáo viên lo ngại, việc tuyển sinh lớp 10 đang có xu hướng chuyển thành ‘xét hoàn thành THCS’ chứ không còn là kỳ thi tuyển đúng nghĩa. Đây là hệ quả của chính sách phân luồng chưa thực chất, khi phụ huynh và học sinh vẫn ưu tiên vào THPT bằng mọi giá thay vì lựa chọn học nghề.
Sự chênh lệch trình độ trong lớp học sẽ khiến sẽ gây áp lực cho cả thầy và trò
Ở một góc nhìn khác, TS Lê Viết Khuyến, cho rằng điểm chuẩn giảm mạnh là hệ quả tất yếu nếu nhìn vào tổng thể hệ thống: “Hiện tượng này không quá bất ngờ nếu đặt trong bối cảnh quy mô học sinh sau THCS giảm, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh vào THPT tăng. Khi số lượng học sinh không đủ lấp đầy chỉ tiêu, các trường buộc phải hạ điểm chuẩn đến mức tối đa, miễn là đủ học sinh để duy trì lớp học và biên chế giáo viên. Nhưng điều đáng nói là, việc này đang đặt ra những câu hỏi lớn về chất lượng dạy và học ở bậc THPT”.
Theo ông, ở các nước phát triển, sau bậc trung học cơ sở, học sinh được định hướng rất rõ: hoặc học tiếp lên trung học phổ thông học thuật để vào đại học hoặc theo hướng trung cấp nghề, học song song văn hóa và nghề. Nhưng ở Việt Nam, phân luồng mới chỉ mang tính chất định hướng, chưa thực sự vận hành hiệu quả.
Phần lớn học sinh vẫn cố gắng vào lớp 10 bằng mọi giá, vì lo sợ nếu không học THPT thì sẽ mất cơ hội học tiếp hoặc khó xin việc làm. Điều này vô tình tạo áp lực cho cả học sinh, phụ huynh lẫn nhà trường, dẫn đến tình trạng quá tải và hạ thấp chuẩn tuyển sinh.
Có thể thấy, thực trạng này là lời cảnh báo về bài toán phân luồng, quy hoạch mạng lưới trường lớp, nâng chất lượng dạy học ở những địa phương có điểm chuẩn thấp. Việc đảm bảo cơ hội học tập phổ cập là cần thiết, nhưng không nên đánh đổi chất lượng giáo dục – mục tiêu căn cốt của đổi mới giáo dục hiện nay.
Thu Hằng/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/diem-chuan-vao-lop-10-cong-lap-thap-ky-luc-lo-ngai-chat-luong-giao-duc-pho-thong-post1213148.vov