Điểm chung trong kịch bản của các nước nhằm ứng phó thuế đối ứng của Mỹ

Điểm chung trong kịch bản của các nước nhằm ứng phó thuế đối ứng của Mỹ
12 giờ trướcBài gốc
Các nước đang tính toán và xúc tiến những kịch bản khác nhau ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ, trong đó có bên chọn đàm phán, cũng có bên cứng rắn cảnh báo sẽ tung đòn đáp trả.
Châu Âu “cứng rắn nhưng thận trọng”
Trước làn sóng áp thuế mạnh tay từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc loạt phương án trả đũa mang tính chiến lược, mục tiêu là bảo vệ lợi ích kinh tế mà không đẩy căng thẳng thương mại leo thang vượt tầm kiểm soát, theo hãng tin Reuters.
Trước khi áp mức thuế đối ứng 20% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ EU, Mỹ đã áp mức thuế 25% nhắm vào thép và nhôm của khối này. Các đòn thuế của Mỹ đã đặt Brussels trước bài toán khó: Làm sao để vừa thể hiện lập trường cứng rắn vừa tránh gây thiệt hại sâu rộng cho nền kinh tế khu vực?
Hôm 3-4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU đang hoàn thiện gói đáp trả thương mại đầu tiên trị giá 26 tỉ euro (28,4 tỉ USD), có thể được kích hoạt từ giữa tháng 4 nếu đàm phán với Mỹ không tiến triển.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: EU
Đây sẽ là đòn phản ứng trực diện với việc Mỹ đơn phương tăng thuế đối với hàng hóa EU, bắt đầu từ thép và nhôm vào ngày 12-3 và mở rộng sang các lĩnh vực khác trong những tuần sau đó.
Dù chưa công bố cụ thể các mặt hàng Mỹ mà EU dự định sẽ đánh thuế trả đũa, một quan chức Pháp tiết lộ các biện pháp này có thể nhắm vào lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật số - nơi nhiều tập đoàn công nghệ Mỹ đang chiếm ưu thế trên thị trường châu Âu.
Theo số liệu năm 2024, EU nhập khẩu 334 tỉ euro hàng hóa từ Mỹ, trong khi xuất khẩu sang Mỹ 532 tỉ euro. Điều này cho thấy Mỹ có dư địa áp thuế lớn hơn nếu chiến tranh thương mại leo thang.
Ngoài ra, EU khó có khả năng đáp trả vào các lĩnh vực trọng yếu như dầu khí (chiếm gần 25% kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ) và dược phẩm (10%) mà không tự làm tổn hại đến an ninh kinh tế nội khối.
Chuyên gia thương mại Ignacio Garcia Bercero – cựu trưởng đoàn đàm phán EU-Mỹ – nhận định EU nên tránh phản ứng theo kiểu "ăn miếng trả miếng" không kiểm soát. Thay vào đó, khối nên nhắm vào các lĩnh vực có giá trị chính trị cao với chính quyền Mỹ, chẳng hạn như sản phẩm nông nghiệp, xe bán tải hoặc dịch vụ tài chính.
Một phương án đang được các nước thành viên thảo luận là kích hoạt cơ chế “chống cưỡng ép” đã được EU thông qua vào năm 2023. Cơ chế này cho phép khối sử dụng các biện pháp phi thuế quan – như hạn chế quyền sở hữu trí tuệ, giấy phép kinh doanh hoặc điều kiện đầu tư – để gây sức ép với các quốc gia có hành vi thương mại được xem là cưỡng ép hoặc không công bằng.
Ngoài ra, EU cũng cân nhắc đánh vào thặng dư thương mại dịch vụ mà Mỹ đang có với châu Âu – một mũi phản đòn ít gây thiệt hại cho ngành sản xuất của EU nhưng có thể tạo áp lực chính trị lên Washington.
“Chúng tôi không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào. Phản ứng phải đủ mạnh để Mỹ hiểu rằng họ không thể hành xử đơn phương mà không gánh chịu hậu quả” - tờ EuroNews dẫn lời một quan chức EU không tiết lộ danh tính.
Dù đưa ra nhiều cảnh báo và phương án đáp trả, EU vẫn kiên trì theo đuổi con đường ngoại giao. Một cuộc họp trực tuyến giữa Ủy viên thương mại EU Maros Sefcovic và đại diện Mỹ đã diễn ra vào ngày 4-4 vừa qua, nhằm cứu vãn đàm phán trước thời điểm các biện pháp trả đũa có hiệu lực.
“Chúng tôi rất lấy làm tiếc trước quyết định của Mỹ, nhưng cánh cửa đối thoại vẫn mở. Vẫn chưa quá muộn để giải quyết các bất đồng bằng thương lượng” - Chủ tịch von der Leyen nhấn mạnh.
Theo giới phân tích, nhiều khả năng các cuộc đàm phán sắp tới nếu có giữa Mỹ và EU sẽ xoay quanh 5 lĩnh vực nhạy cảm nhất: ô tô, thép và nhôm, chất bán dẫn, gỗ xẻ và dược phẩm – những lĩnh vực có khả năng gây thiệt hại lan rộng nếu bị đánh thuế mạnh.
Tình hình hiện tại đòi hỏi EU phải thể hiện sức mạnh chiến lược nhưng vẫn giữ được tính linh hoạt trong phản ứng. Việc chọn đúng “đòn” để phản pháo không chỉ giúp bảo vệ lợi ích kinh tế nội khối, mà còn thể hiện vai trò toàn cầu của EU như một đối trọng với chính sách đơn phương và bảo hộ đang gia tăng từ phía Mỹ.
Hàn Quốc: Sẽ huy động mọi công cụ để ổn định thị trường
Ngay sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế đối ứng 25% lên hàng hóa Hàn Quốc, chính phủ Hàn Quốc đã lập tức triệu tập một cuộc họp khẩn về kinh tế vĩ mô và tài chính vào ngày 3-4, theo hãng thông tấn Yonhap.
Tham dự cuộc họp có loạt quan chức cấp cao của Hàn Quốc, gồm Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Rhee Chang-yong, cùng lãnh đạo Ủy ban Dịch vụ Tài chính và Cơ quan Giám sát Tài chính.
Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok. Ảnh: YONHAP
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Choi nhấn mạnh chính phủ sẵn sàng triển khai ngay lập tức các biện pháp bình ổn thị trường nếu áp lực tài chính gia tăng, cam kết rằng Hàn Quốc sẽ không để nền kinh tế rơi vào trạng thái bị động.
“Chúng tôi sẽ huy động toàn bộ nguồn lực của chính phủ để hạn chế tối đa thiệt hại đối với nền kinh tế, đồng thời phối hợp với khu vực tư nhân thông qua lực lượng đặc nhiệm chiến lược an ninh kinh tế nhằm xây dựng các phương án ứng phó tối ưu” - ông Choi tuyên bố.
Theo ông Choi, chính phủ Hàn Quốc cũng đang thiết kế các gói hỗ trợ theo từng giai đoạn, ưu tiên các ngành dễ tổn thương trước biến động toàn cầu, trong đó có ngành công nghiệp ô tô – một trụ cột xuất khẩu chủ lực của nước này.
Đáng chú ý, ông Choi khẳng định chính phủ sẽ tiếp cận cuộc khủng hoảng thương mại hiện tại bằng một chiến lược đàm phán toàn diện với phía Washington, dựa trên phân tích sâu về các chính sách thương mại mới của Mỹ, nhằm giảm thiểu tối đa tác động lên kinh tế Hàn Quốc.
“Chúng tôi sẽ giữ vững ổn định trong nước, đồng thời phản ứng linh hoạt và chiến lược trên bàn đàm phán quốc tế” - ông Choi nhấn mạnh.
Nhật xúc tiến loạt biện pháp ngắn hạn
Ngày 4-4, Thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba cho biết nội các nước này sẽ chuẩn bị các biện pháp hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước và không ngần ngại nếu cần thiết sẽ trực tiếp đối thoại với Tổng thống Trump, theo Viện Sắt thép Đông Nam Á (SEAISI).
Nhật đã công bố 4 biện pháp ngắn hạn để ứng phó. Đầu tiên, sẽ thành lập một nhóm tư vấn đặc biệt dành riêng cho ngành ô tô để đánh giá tác động của thuế quan đối với các sản phẩm ô tô và thuế 24% đối với các mặt hàng khác trong chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, Nhật sẽ nới lỏng các yêu cầu đối với các khoản vay an sinh do Ngân hàng Tài chính Nhật và các tổ chức tài chính khác cung cấp, đồng thời mở rộng phạm vi hỗ trợ đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế quan đối với ô tô và các sản phẩm khác.
Ngoài ra, một cuộc tham vấn công-tư sẽ được tổ chức để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tránh gây gián đoạn nghiêm trọng đến dòng tiền của họ. Bảo hiểm Xuất khẩu và Đầu tư Nhật (NEXI) cũng sẽ can thiệp để hỗ trợ các công ty con của Nhật tại Bắc Mỹ và các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi các mức thuế này.
Bộ Thương mại Nhật (METI) cho biết sẽ tiếp tục đàm phán để tìm cách miễn trừ thuế và thành lập “trụ sở thuế quan Mỹ” trong bộ để đánh giá tác động và triển khai các biện pháp đối phó trong nước.
Trung Quốc “tung đòn ăn miếng trả miếng”
Ngày 4-4, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế đối ứng đúng 34% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã.
"Kể từ 12 giờ 01 phút ngày 10-4 (giờ Bắc Kinh), Trung Quốc sẽ áp thuế 34% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Mỹ" - theo tuyên bố từ Bộ Thương mại Trung Quốc.
Phía Bắc Kinh tiếp tục chỉ trích Washington sau đòn thuế đối ứng 34% áp lên hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ. Bắc Kinh gọi động thái của Washington vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế, gây tổn hại nghiêm trọng đến các quyền lợi hợp pháp và chính đáng của Bắc Kinh. Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngay lập tức dỡ bỏ các biện pháp thuế quan đơn phương và giải quyết tranh chấp thương mại thông qua đối thoại.
Nhiều nước chọn đàm phán trước khi tính toán tiếp
. Một số nước, như Ý, cho rằng EU nên chủ động thương lượng để hạ mức thuế từ 20% xuống 10%, tương tự mức Mỹ áp dụng với Anh. Anh cũng đang tích cực đàm phán với Washington để đạt một thỏa thuận thương mại có lợi hơn.
Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Singapore đều chọn con đường đối thoại, kỳ vọng có thể thương lượng mức thuế hợp lý hơn, thay vì ngay lập tức có biện pháp trả đũa, theo Reuters.
Thái Lan cho biết sẽ thương lượng nhưng trước mắt yêu cầu Washington xem xét lại mức thuế 37% áp lên hàng hóa của nước này. Trong khi đó, Ấn Độ đang đánh giá tác động của mức thuế 27% và cam kết tiếp tục thúc đẩy đàm phán để bảo vệ lợi ích quốc gia.
. Thủ tướng Campuchia Hun Manet ngày 4-4 đã gửi thư trực tiếp đến Tổng thống Trump, bày tỏ mong muốn đàm phán và sẵn sàng giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ để “hạ nhiệt” căng thẳng thương mại, theo tờ Khmer Times.
Bức thư được gửi sau khi ông Trump cáo buộc Campuchia áp mức thuế tới 97% với hàng Mỹ – một con số mà phía Campuchia bác bỏ, khẳng định thuế tối đa hiện nay chỉ là 35%.
Trong thư, ông Hun Manet đề nghị Mỹ xem xét hoãn thi hành mức thuế đối ứng 49% dự kiến áp từ ngày 9-4, đồng thời khẳng định Phnom Penh sẵn sàng hạ thuế hàng Mỹ từ 35% xuống chỉ còn 5% đối với 19 nhóm sản phẩm.
Thủ tướng Hun Manet cho biết ông đã giao Bộ trưởng Thương mại Cham Nimul liên hệ làm việc với Đại diện Thương mại Mỹ, đồng thời khẳng định “cam kết đối thoại xây dựng, thực chất để cả hai bên cùng có lợi”.
Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: TTXVN
. Theo TTXVN, tối 4-4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Trump về quan hệ song phương.
Trong cuộc điện đàm, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng đưa thuế nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ về mức 0%, đồng thời đề nghị phía Mỹ áp dụng chính sách thuế tương tự với hàng hóa từ Việt Nam. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh Việt Nam mong muốn tiếp tục nhập khẩu nhiều hơn các sản phẩm Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu, và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Mỹ mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
DƯƠNG KHANG
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/diem-chung-trong-kich-ban-cua-cac-nuoc-nham-ung-pho-thue-doi-ung-cua-my-post842730.html