Diêm dân Bạc Liêu tất bật vào vụ mới

Diêm dân Bạc Liêu tất bật vào vụ mới
5 giờ trướcBài gốc
Tín hiệu lạc quan
Năng suất của niên vụ trước và tình hình thời tiết thuận lợi cho sản xuất năm nay là tín hiệu lạc quan để bà con diêm dân ở tỉnh Bạc Liêu có thêm động lực tiếp tục duy trì nghề làm muối truyền thống, đặc biệt là chuẩn bị cho Festival muối vào đầu tháng 3.2025.
Theo ghi nhận nhận của phóng viên Một Thế Giới, khoảng 2 tuần nay, thời tiết ở miền Tây ổn định với nắng nhiều nên bà con diêm dân hối hả cải tạo ruộng muối, đưa nước vào để phơi ruộng.
Ông Trần Văn Thưa, Chủ tịch Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Doanh Điền (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) chia sẻ: “Thời điểm này các hộ dân trên địa bàn đang tất bật cải tạo lại mương nước, chòi canh, để chuẩn bị cho niên vụ muối mới. Niên vụ trước, sản lượng cao nên diêm dân ai cũng vui, dù việc tiêu thụ còn chậm và giá chưa được cao”.
Bà con diêm dân tất bật cải tạo đồng ruộng để chuẩn bị cho vụ sản xuất muối năm 2025
HTX Doanh Điền có 76 thành viên, với diện tích 65ha, vụ muối của HTX thường bắt đầu vào đầu tháng 11 của năm trước và kết thúc vào tháng 5 năm sau (tùy theo thời tiết).
Theo ông Thưa, thời tiết năm nay bất thường hơn so với năm trước. Năm 2024 thời tiết thuận mùa, trước Tết Nguyên đán diêm dân đã có muối thu hoạch, năm nay phải chờ đến giữa tháng 2 mới có muối thu hoạch. Những năm qua, việc tiêu thụ muối của diêm dân vẫn còn gặp khó khăn. Hiện nay HTX sản xuất muối truyền thống (nền đất) và muối trải bạt. So với giá muối truyền thống thì giá muối trải bạt cao hơn từ 400 - 500 đồng/kg.
Bên cạnh nghề làm muối, hiện nay HTX Doanh Điền còn sản xuất artemia (một loại ấu trùng dùng làm thức ăn trong ương nuôi ấu trùng tôm cá). Năm 2024, nhờ thời tiết thuận lợi nên artemia trúng vụ, thu về khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Riêng muối thu về lợi nhuận từ 40-50 triệu đồng/ha/năm.
Ông Phan Chí Tâm, diêm dân xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình cho rằng, về lâu dài địa phương cần có cơ chế thúc đẩy giá muối ổn định để đời sống diêm dân bớt khó khăn. Cần đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông để dễ giao thương và thúc đẩy nâng cao giá trị hạt muối.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Mười cho hay, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ thực hiện chuyển đổi nhanh từ phương thức sản xuất muối đen sang muối trắng trải bạt, nhất là đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa, giảm giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm thiểu ảnh hưởng của thời tiết và bảo vệ môi trường. Đồng thời, tập trung đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng vùng muối, xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị giữa diêm dân và doanh nghiệp trong sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là xây dựng các mô hình bảo tồn và phát triển nghề sản xuất muối truyền thống gắn với du lịch và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu muối Bạc Liêu trong và ngoài nước.
Sử dụng cơ giới vào sản xuất góp phần làm giảm sức lao động, rút ngắn thời gian cải tạo
Kỳ vọng vào Festival muối
Với gần 1.500ha đất ruộng muối, Bạc Liêu là một trong những địa phương có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước. Năm 2024 trên địa bàn tỉnh có 777 hộ dân làm nghề sản xuất muối, với hơn 800 lao động.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thảo, Phó giám đốc Công ty Cổ phần muối Bạc Liêu, chia sẻ: “Công ty Muối Bạc Liêu có lợi thế lớn vì nằm tại vùng nguyên liệu muối Bạc Liêu danh tiếng, muối được sản xuất bằng nghề truyền thống được truyền qua nhiều thế hệ. Với điều kiện tự nhiên là vùng ven biển được thiên nhiên ưu đãi nên muối Bạc Liêu có màu trắng hồng, hạt khô và chắc.
Đặc biệt muối Bạc Liêu không có vị đắng, chát mà có vị mặn hậu, thanh, dịu, các yếu tố này đã làm nên thương hiệu muối Bạc Liêu mà không địa phương nào có được. Ngoài ra, nghề làm muối tại Bạc Liêu còn gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh, thơ ca và đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia”.
Hạt muối Bạc Liêu được đánh giá rất ngon
Hiện nay, Công ty cổ phần muối Bạc Liêu đã xin chủ trương của tỉnh Bạc Liêu xây dựng, áp dụng mô hình muối trải bạt tại huyện Đông Hải, với diện tích hơn 35ha, với hệ thống xử lý nước tự động và cơ giới hóa một phần trong cải tạo đất và thu hoạch. Năm 2024, công ty đã thu hoạch khoảng 2.000 tấn muối trắng. Bên cạnh đó, đơn vị còn thu mua muối của diêm dân tại địa phương để phục vụ cho nhu cầu chế biến và tiêu thụ.
Theo bà Thảo, hiện nay đơn vị đang áp dụng công nghệ hiện đại vào khâu chế biến. Khi áp dụng công nghệ vào sản xuất giúp tăng năng suất, sản lượng muối đạt 22.000 tấn/năm. Về chất lượng sản phẩm, phần lớn tạp chất sẽ được tách ra. Việc đổi mới công nghệ chế biến cùng với hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO22000 giúp sản phẩm muối đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt những sản phẩm muối của đơn vị đã có mặt tại các địa phương trong cả nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Dự kiến, Festival muối được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu vào tháng 3.2025, là sự kiện lớn tôn vinh nghề làm muối. Festivan muối mang đến kỳ vọng nghề làm muối được quảng bá rộng rãi hơn, đồng thời nâng cao giá trị hạt muối.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho hay, để bảo tồn, nâng tầm giá trị hạt muối và phát triển nghề muối theo hướng bền vững, địa phương phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 “Hành trình 100 năm nghề muối - Đời người” với chủ đề “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam”.
Đây là sự kiện được kỳ vọng sẽ góp phần đưa hạt muối Việt Nam nói chung và hạt muối Bạc Liêu nói riêng phát huy và nâng cao giá trị kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trần Khải
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/diem-dan-bac-lieu-tat-bat-vao-vu-moi-228501.html