Điểm sáng cửa ngõ đồng bằng

Điểm sáng cửa ngõ đồng bằng
7 giờ trướcBài gốc
Năm 2024, khu vực phía Nam, đặc biệt là ĐBSCL, đã ghi nhận những thành tựu kinh tế nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của vùng ước đạt 7,31%, cao hơn mức bình quân cả nước là 7%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 80,7 triệu đồng/năm, tăng 1,8 lần so với năm 2020.
Tăng cường xúc tiến đầu tư nước ngoài
Sự phát triển kinh tế của ĐBSCL không thể tách rời việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông. Hiện nay, cả vùng đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỉ đồng, như tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh… Việc hoàn thành các dự án này sẽ tạo ra mạng lưới giao thông hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, giảm chi phí vận chuyển, từ đó tăng cường thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương.
Nhiều thỏa thuận hợp tác đầu tư của đối tác Đức vào tỉnh Long An tại hội nghị bàn tròn thương mại đầu tư Long An - Cologne. Ảnh: TRƯỜNG GIANG
Trong bức tranh phát triển chung của ĐBSCL, tỉnh Long An nổi lên như một ngôi sao sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.377 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 12,6 tỉ USD, trong đó có 635 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư gần 4 tỉ USD. Với kết quả này, Long An dẫn đầu vùng ĐBSCL về thu hút FDI và nằm trong tốp các tỉnh, thành phố thu hút FDI lớn nhất cả nước. Sự gia tăng mạnh mẽ các dự án FDI đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động và tăng thu ngân sách địa phương.
Để đạt được thành quả trên, thời gian qua lãnh đạo tỉnh Long An rất quan tâm đến việc ra nước ngoài để xúc tiến đầu tư. Theo đó, trong năm 2024, tỉnh đã tổ chức 6 đoàn công tác do các lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn sang thăm, làm việc, kết nối hợp tác đầu tư, giao lưu thương mại tại các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc và thị trường tiềm năng khác như châu Âu (Pháp, Bỉ, Đức).
Qua đó, Long An đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác với nhiều tập đoàn lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp xanh, thương mại, dịch vụ…. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với 10 đoàn công tác của các cơ quan ngoại giao; cho phép 177 các cơ quan ngoại giao, tổ chức, DN nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh.
Tại Hội nghị bàn tròn thương mại đầu tư Long An - Cologne (Đức) và các buổi gặp gỡ, trao đổi tích cực với tổ chức, DN và nhà đầu tư hàng đầu tại Đức vào tháng 11-2024, ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - chia sẻ khát khao xây dựng một khu công nghiệp dành riêng cho các DN Đức tại Long An, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ và kết nối từ các tổ chức đối tác để hiện thực hóa tầm nhìn này. "Lãnh đạo tỉnh Long An cam kết tạo điều kiện tốt nhất về thủ tục hành chính, hạ tầng và các ưu đãi nhằm bảo đảm thành công cho các dự án đầu tư của DN Đức tại tỉnh" - ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.
Tháo gỡ triệt để các "nút thắt, điểm nghẽn"
Bà Đặng Thị Thanh Phương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Đức, đánh giá Long An là một địa phương đầy triển vọng nhờ môi trường kinh doanh thân thiện, hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại và định hướng phát triển bền vững. Bà cũng nhấn mạnh tỉnh Long An không chỉ là điểm đến lý tưởng cho các DN sản xuất mà còn là trung tâm năng lượng tái tạo, logistics hàng đầu tại Việt Nam trong tương lai.
Tiến sĩ Philipp Rösler, nguyên Phó Thủ tướng Đức, nhận xét Long An không chỉ có vị trí chiến lược mà còn có khả năng kết nối chặt chẽ với các tuyến đường giao thương quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh này còn sở hữu lợi thế tự nhiên và nhân tạo vượt trội, bao gồm hệ thống cảng biển, giao thông nội địa và hạ tầng công nghiệp hiện đại. Đây là những yếu tố then chốt mà các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các DN Đức luôn tìm kiếm khi quyết định đầu tư vào một thị trường mới.
Ông Peter Kompalla, Trưởng phái đoàn Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, còn chỉ ra những điều kiện kinh doanh thuận lợi mà Long An mang lại cho các DN Đức, sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp tại đây, kết hợp với việc chính quyền địa phương chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, đã tạo nên một sức hút đặc biệt. Các DN Đức - vốn nổi tiếng với những tiêu chuẩn cao trong quản lý và công nghệ - đánh giá Long An là địa phương tiềm năng để đặt nền móng phát triển lâu dài.
Nhờ thu hút đầu tư hiệu quả và phát triển sản xuất - kinh doanh, thu ngân sách của Long An liên tục tăng trưởng (năm 2024 thu hơn 26.000 tỉ đồng). Các chỉ số như PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) và chỉ số đổi mới sáng tạo của tỉnh đều nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, minh chứng cho môi trường đầu tư hấp dẫn và hiệu quả quản lý nhà nước được cải thiện.
Theo ông Trương Văn Liếp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, trong công tác thu hút đầu tư, tỉnh thống nhất quan điểm chung là luôn đồng hành cùng DN, triển khai các giải pháp thiết thực với quyết tâm cao hơn, tháo gỡ triệt để các "nút thắt, điểm nghẽn", cùng DN chủ động thích ứng trong tình hình mới.
Quyết tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông
Trong chuyến đi kiểm tra, làm việc, đôn đốc 2 dự án cao tốc trục ngang và trục dọc tại ĐBSCL cuối năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại ĐBSCL có 2 điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và nhân lực. Đảng, Nhà nước rất quan tâm việc giải quyết, tháo gỡ 2 điểm nghẽn này cho ĐBSCL, với lộ trình, thời gian, bước đi phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện đất nước. Theo quy hoạch, tới năm 2030, ĐBSCL có 1.200 km cao tốc và cả nước quyết tâm thực hiện mục tiêu này.
Thủ tướng yêu cầu dứt khoát không thay đổi tiến độ, tới 31-12-2025 phải thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (từ Cao Bằng - Lạng Sơn đến Cà Mau). Đây là mệnh lệnh của trái tim, yêu cầu của đất nước, trông đợi của nhân dân. Đồng thời, nghiên cứu tiếp tục triển khai đoạn tuyến cao tốc từ TP Cà Mau tới Đất Mũi (khoảng 80 km), giao Cà Mau triển khai với sự hỗ trợ, bố trí vốn của Trung ương, cố gắng khởi công trong năm tới.
B.T.T
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư công năm 2025
Mới đây, phát biểu tại hội nghị triển khai, thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao và tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh năm 2025, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, đề nghị các sở, ngành, địa phương phấn đấu với quyết tâm cao nhất là tăng trưởng kinh tế GRDP đạt từ 10%-11%; tập trung các giải pháp thực hiện công tác thu ngân sách nhà nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An cũng lưu ý các chủ đầu tư có giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư công trong năm 2025; sớm hoàn thành các công trình đang triển khai như Đường tỉnh 830E, Đường tỉnh 823D và đường Vành đai 3 TP HCM, tạo động lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ tháng đầu của năm 2025.
TRƯỜNG GIANG - HỮU HIỆP
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/diem-sang-cua-ngo-dong-bang-196250121214132703.htm