Điểm tên loạt biện pháp thuế cứng rắn của Tổng thống Trump

Điểm tên loạt biện pháp thuế cứng rắn của Tổng thống Trump
14 giờ trướcBài gốc
Điều này bao gồm những biện pháp trên diện rộng như mức thuế quan chung đối với hàng hóa nhập khẩu nước ngoài, cho đến các biện pháp nhắm vào các ngành, khu vực hoặc quốc gia cụ thể nhằm buộc những bên khác đáp ứng các yêu cầu chính sách của chính quyền ông Donald Trump.
Đưa hàng loạt đối tác thương mại ‘vào tầm ngắm’
Mexico và Canada: Trong lần trở lại Nhà Trắng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhanh chóng đưa Mexico và Canada – vốn là hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong năm 2024 (tính đến tháng 11/2024) - vào tầm ngắm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP
Ngày 1/2, Tổng thống Trump tuyên bố rằng lệnh áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada sẽ có hiệu lực từ ngày 4/2, để trả đũa cho tình trạng di cư ồ ạt và buôn lậu fentanyl từ hai nước láng giềng tràn vào Mỹ. Fentanyl là một loại chất thuộc loại thuốc giảm đau nhưng cũng là loại chất ma túy nguy hiểm.
Tuy nhiên, ngay trước khi mức thuế quan được áp dụng, ông Trump hôm 3/2 đã đồng ý hoãn việc áp thuế cao đối với các mặt hàng của Mexico và Canada trong vòng 30 ngày, đổi lại hai nước này nỗ lực thực thi an ninh biên giới để đáp lại yêu cầu về việc trấn áp nhập cư bất hợp pháp và buôn lậu fentanyl.
Theo đó, Canada đã đồng ý triển khai công nghệ và nhân sự mới dọc theo biên giới với Mỹ, đồng thời thúc đẩy các nỗ lực hợp tác chống lại tội phạm có tổ chức, buôn lậu fentanyl và rửa tiền. Còn Mexico đồng ý tăng cường biên giới phía bắc của mình khi bổ sung 10.000 thành viên của lực lượng Vệ binh Quốc gia nước này để ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp và buôn lậu ma túy.
Trung Quốc: Cũng trong ngày 1/2, Tổng thống Trump đã công bố áp thuế 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách áp thuế 15% đối với than và LNG, cùng mức thuế 10% với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số phương tiện nhập khẩu từ Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Mỹ và Trung Quốc đã tham gia vào một cuộc chiến thương mại kéo dài gây tổn hại đến cả hai nền kinh tế.
Châu Âu: Tổng thống Trump cho rằng EU và các nước khác có thặng dư thương mại “đáng lo ngại” với Mỹ. Ông cảnh báo các sản phẩm của những nước này sẽ phải chịu thuế quan hoặc ông sẽ yêu cầu họ mua thêm dầu và khí đốt từ Mỹ.
Trong thời gian qua, ông Donald Trump cũng phàn nàn về việc Liên minh châu Âu (EU) áp thuế 10% đối với ô tô nhập khẩu, cao hơn nhiều so với mức thuế 2,5% của Mỹ. Ông thường xuyên tuyên bố rằng châu Âu “không mua ô tô của Mỹ” nhưng vẫn xuất khẩu hàng triệu chiếc vào Mỹ mỗi năm.
Nga: Ông Trump đã đe dọa sẽ áp thuế và lệnh trừng phạt lên Nga “và các nước tham gia khác” nếu không sớm đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Ấn Độ/Các quốc gia BRICS: Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã từng chỉ trích Ấn Độ là nước “lạm dụng rất lớn” về thương mại; đồng thời tuyên bố sẽ sử dụng thuế quan để điều chỉnh sự mất cân bằng thương mại. Ông cũng cảnh báo sẽ áp thuế đối với nhóm các quốc gia BRICS nếu khối này tạo ra một loại tiền tệ mới thay thế cho đồng USD.
Theo dữ liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thuế quan trung bình theo trọng số thương mại của Mỹ là khoảng 2,2%, so với 12% của Ấn Độ, 6,7% của Brazil và 2,7% của các nước EU.
Colombia: Tổng thống Trump hôm 26/1 đã cảnh báo áp dụng mức thuế 25% đối với tất cả hàng hóa của Colombia và mức thuế này sẽ tăng lên 50% trong vòng một tuần. Động thái cứng rắn này được người đứng đầu Nhà Trắng đưa ra sau khi quốc gia Nam Mỹ từ chối tiếp nhận các chuyến bay chở người di cư bị trục xuất trong chiến dịch trấn áp nhập cư của Mỹ.
Trong bài đăng trên X, Tổng thống Colombia Petro tuyên bố sẽ áp thuế 50% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Sau đó, bài viết đã bị xóa đi và được thay thế bằng cảnh báo sẽ áp mức thuế 25%. Tuy nhiên, hai nước đã đạt được một thỏa thuận vào ngày 27/1 và tránh được cuộc đối đầu thương mại căng thẳng.
Ngày 9/2, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ công bố mức thuế quan “có đi có lại” với nhiều nước vào đầu tuần này 10/2, dường như nhắm vào các bên có áp thuế đối với hàng hóa của Mỹ. Mặc dù không tiết lộ những nước nào sẽ bị áp thuế, nhưng ông cảnh báo rằng đây sẽ là nỗ lực trên quy mô lớn nhằm giải quyết các vấn đề ngân sách của Mỹ.
‘Nổ phát súng đầu tiên’ vào kim loại nhập khẩu
Ngày 10/2, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng thuế 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Thép và nhôm vốn là hai nguyên liệu quan trọng được sử dụng trong ngành công nghiệp ô tô, hàng không vũ trụ, cũng như trong xây dựng và cơ sở hạ tầng của Mỹ.
Theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ và Viện Sắt thép Mỹ, Canada, Brazil, Mexico và Hàn Quốc là những nước xuất khẩu thép lớn nhất vào Mỹ, trong khi Canada là nhà cung cấp 80% lượng nhôm nhập khẩu cho nền kinh tế số một thế giới. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Trump đã áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm, nhưng sau đó đã miễn thuế cho một số đối tác thương mại, bao gồm Canada, Mexico và Brazil.
Bình luận về tuyên bố của Tổng thống Trump, ông Vasu Menon, Giám đốc điều hành Chiến lược đầu tư tại Ngân hàng OCBC (Singapore), nói với Reuters rằng: “Không rõ liệu mức thuế quan đối với thép và nhôm của ông Trump có phải là chiến lược đàm phán mà ông có thể giảm bớt sau này hay không. Xét cho cùng thì, nếu được thực hiện, nó sẽ gây tổn hại cho Mỹ vì nước này vốn phụ thuộc vào thép và nhôm nhập khẩu từ Canada và Mexico - những nhà cung cấp chính các kim loại này cho Mỹ”.
Chuyên gia này cũng cảnh báo thị trường có thể biến động mạnh trước tình hình căng thẳng hiện nay và các nhà đầu tư cần thận trọng ngay từ bây giờ.
Ngoài thép và nhôm, Tổng thống Trump đã nói rằng ông muốn áp thuế đối với chip máy tính nhập khẩu, nhưng không công bố chi tiết. Tuy nhiên, tuyên bố này được cho là ám chỉ châu Á – vốn là trung tâm sản xuất chip lớn nhất trên thế giới và sản xuất hơn 80% chất bán dẫn được bán trên toàn cầu, theo số liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Trong đó, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới có trụ sở tại đảo Đài Loan (Trung Quốc), sản xuất chất bán dẫn cho Nvidia, Apple và các khách hàng khác tại Mỹ. 70% doanh thu của TSMC vào năm 2024 đến từ các khách hàng có trụ sở tại Bắc Mỹ.
Tổng thống Donald Trump cũng đề xuất áp thuế đối với các nguồn cung cấp dược phẩm bao gồm thuốc men và ô tô. Trong đó, ông Trump muốn áp thuế 100% hoặc cao hơn đối với các loại xe khác, bao gồm cả xe điện.
Đỗ Thảo
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/diem-ten-loat-bien-phap-thue-cung-ran-cua-tong-thong-trump-38140.html